Mảng tự xuất bản sách đối phó 'cơn bão' từ AI

Các nền tảng tự xuất bản sách đang gặp khó khăn với số lượng lớn bản thảo gửi đến do AI viết ra.

OpenAI, công ty đứng sau ChatGPT, đã bị các tác giả nổi tiếng như Mona Awad, Paul Tremblay hay Sarah Silverman kiện nhiều lần trong năm nay vì vi phạm bản quyền. Gần đây nhất, Author’s Guild, liên đoàn lao động đại diện cho nhiều nhà văn nổi tiếng tại Mỹ như George R.R. Martin, Jodi Picoult và John Grisham, đã cáo buộc OpenAI vi phạm luật bản quyền khi sử dụng tác phẩm của nhiều tác giả này để xây dựng bộ dữ liệu cho AI. Những vụ kiện này có thể có tác động lớn đến việc sử dụng AI trong xuất bản.

Số lượng tác phẩm từ AI tăng vọt

Trong khi nền tảng tự xuất bản ngày càng phổ biến và tạo thuận lợi cho các tác giả, thì nền tảng này cũng đang giúp các tác phẩm do AI viết ra nhanh chóng thâm nhập thị trường.

Theo WordsRated, một công ty nghiên cứu chuyên về ngành xuất bản, có tới 34% tổng số sách điện tử là sách tự xuất bản và các nền tảng tự xuất bản đang ghi nhận nội dung từ AI tràn ngập. Các nhà xuất bản phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để loại trừ các tác phẩm dạng này.

Khi các ứng dụng AI được phát triển ngày càng thông minh hơn, nội dung tạo ra giống con người hơn thì việc phát hiện và điều chỉnh nội dung AI ngày càng khó khăn, ngay cả đối với các đơn vị có nguồn lực đáng kể.

Vào tháng 9/2023, nền tảng tự xuất bản của Amazon (AMZN), Kindle Direct Publishing (KDP), đã ban hành chính sách giới hạn số lượng sách tự xuất bản ở mức ba cuốn mỗi ngày và yêu cầu tác giả tự ghi chú nếu có bất kỳ phần nào trong bản thảo của họ là do AI viết nên.

 Nền tảng tự xuất bản Kindle Direct Publishing đã có những chính sách để đối phó với cơn bão AI.

Nền tảng tự xuất bản Kindle Direct Publishing đã có những chính sách để đối phó với cơn bão AI.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Amazon thực thi chính sách mới này như thế nào. Ashley Vanicek, người phát ngôn của Amazon, thông tin với trang Observer: “Mặc dù chúng tôi cho phép xuất bản nội dung do AI tạo ra, chúng tôi không cho phép những nội dung như vậy vi phạm nguyên tắc sản xuất của chúng tôi, bao gồm việc đưa tới nội dung gây thất vọng cho khách hàng. Chúng tôi đang đầu tư thời gian và nguồn lực đáng kể để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc nội dung của mình”.

Amazon hiện là nhà phân phối sách lớn nhất ở Mỹ, kiểm soát ít nhất 40% tổng doanh số bán sách ở Mỹ và khoảng 1,4 triệu cuốn sách tự xuất bản mỗi năm, theo dữ liệu của WordsRated. Sự thay đổi chính sách của Amazon đánh dấu một trong những nỗ lực đầu tiên trong ngành xuất bản nhằm thiết lập các nguyên tắc liên quan đến việc AI tham gia vào mảng tự xuất bản.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ cựu trong ngành cho rằng điều này là chưa đủ và tình hình đã nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ đơn vị nào.

Chưa có công cụ nào hiệu quả

Hiện tại, các công ty tự xuất bản cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ bao gồm sản xuất, phân phối và tiếp thị sách cho các tác giả. Nhiều nhà xuất bản lớn, chẳng hạn Barnes & Nobles và Apple Books, đều có nền tảng tự xuất bản của riêng họ. Quá trình xuất bản một cuốn sách cũng khác nhau tùy theo công ty. Nhưng về cơ bản, tác giả tải bản thảo của họ lên nền tảng của nhà xuất bản, sau đó nó sẽ được định dạng và phân phối để bán thông qua trang web và nhà bán lẻ sách của nền tảng này.

Kris Austin, Giám đốc điều hành của Draft2Digital, một công ty tự xuất bản, chia sẻ với Observer: “Thông thường, tác phẩm của các tác giả sẽ được xuất bản trực tuyến trong vòng vài ngày đến vài giờ sau khi họ đăng tải bản thảo lên”. Draft2Digital hiện phân phối sách tự xuất bản ở cả định dạng in và điện tử cho các hiệu sách trên toàn nước Mỹ. Ông Austin cho biết Draft2Digital cũng đã ghi nhận một lượng lớn bản thảo do AI gửi đến trong sáu tháng qua, tuy nhiên, họ chưa đưa ra chính sách đáng kể nào để giải quyết.

Trước tình hình này, các công ty tự xuất bản khác đang triển khai nhiều hệ thống nội bộ khác nhau nhằm cảnh báo các trường hợp đạo văn, ngữ pháp kém và các dấu hiệu cho thấy văn bản quá chung chung hoặc vô nghĩa.

Draft2Digital thì đưa ra yêu cầu bản thảo phải là bản gốc, đáp ứng số trang tối thiểu và phù hợp với thể loại tác giả đăng ký. Các bài gửi được hệ thống nội bộ phân loại “nghi ngờ” sẽ được nhân viên xem xét lại và sau đó đánh giá sâu hơn là liệu tác giả có sử dụng AI hay không.

Giống Amazon, Draft2Digital cũng yêu cầu các tác giả tiết lộ liệu có dùng AI hay không. Nếu phát hiện ra hành vi đạo văn hoặc thông tin sai lệch, bản thảo sẽ bị gỡ. Tuy nhiên, hệ thống này hiện chỉ phát hiện được những bản thảo vi phạm rõ ràng. Còn để xác định những cuốn sách do AI tạo ra có chất lượng cao, “điều đó gần như là không thể và không có công cụ nào tốt cả”, ông Austin cho biết.

 Các nền tảng tự xuất bản đều cố gắng tránh việc xuất bản các tác phẩm từ AI. Ảnh: Observer/ Getty.

Các nền tảng tự xuất bản đều cố gắng tránh việc xuất bản các tác phẩm từ AI. Ảnh: Observer/ Getty.

AI thúc đẩy năng suất sáng tạo tác phẩm

Trong khi mang đến nhiều thách thức mới cho mảng tự xuất bản, AI cũng đang thúc đẩy một hướng đi mới trong việc phát hiện nội dung cho hệ thống này tạo ra. Một loạt công ty công nghệ hiện đẩy mạnh phát triển các phần mềm phát hiện nội dung AI trong tác phẩm văn học. Một số công cụ phổ biến nhất hiện nay là Optic, CopyLeaks và GPTZero. Tuy nhiên, cuộc đua này sẽ diễn ra quyết liệt khi các phần mềm này phải bắt kịp tốc độ phát triển của AI.

Barnes & Nobles, công ty điều hành nền tảng tự xuất bản của riêng mình Barnes & Nobles Press, cho biết họ sẽ không bán bất kỳ cuốn sách nào do AI tạo ra. Người phát ngôn của Barnes & Nobles nói với Observer: “Nếu chúng tôi làm như vậy, chúng tôi chắc chắn sẽ thông báo rõ cho khách hàng cách cuốn sách đó được sáng tạo ra. Bằng khả năng tốt nhất của mình, chúng tôi sẽ cho khách hàng biết rằng cuốn sách có phải là do AI viết ra hay không”.

Tác giả Nick Thacker, người có hơn 40 tác phẩm hành động - kinh dị, thì phần nào hoài nghi về khả năng của các đơn vị xuất bản trong việc phát hiện AI. Điều này bắt nguồn từ việc ông có sử dụng công nghệ này trong công việc của mình và nhận thấy hầu như dấu vết của AI không còn hiện hữu trong bản thảo cuối. Thacker cho biết ông thường xuyên sử dụng phần mềm AI phiên âm để chuyển lời nói của ông thành văn bản, sau đó sử dụng ChatGPT để chỉnh sửa nó. Ông có thể có được chính xác những gì mình muốn viết bằng phương pháp này và AI đã giúp ông tăng năng suất rất nhiều.

Thacker cho biết, trong khi có rất nhiều lo ngại về việc các nhà văn sẽ mất việc, thì vẫn còn nhiều nhà văn mới và nhà văn kỳ cựu rất lạc quan về cách công nghệ này có thể tăng tốc quy trình làm việc của họ. Cả ông và các đồng nghiệp đều sử dụng nhiều công cụ AI để sáng tạo bìa sách, lên ý tưởng và chỉnh sửa chính tả cho văn bản.

Trong khi số lượng các vụ kiện pháp lý chống lại OpenAI ngày càng gia tăng thì việc sử dụng AI một cách hợp pháp và hợp lý ngày càng không chắc chắn. Các nhà xuất bản đang chờ xem họ sẽ phải thực hiện những thay đổi chính sách nào tùy thuộc vào kết quả của những vụ kiện này.

Với tư cách là một nhà văn, Thacker cho biết ông sẽ làm theo điều được khuyến nghị, nhưng hy vọng lớn nhất của ông là các tác giả và nhà xuất bản sẽ nhận được hướng dẫn rõ ràng từ tòa án về cách công nghệ AI có thể và không thể được sử dụng trong ngành xuất bản ra sao.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/mang-tu-xuat-ban-sach-doi-pho-con-bao-tu-ai-post1450823.html