MC Hồng Phúc đưa vũ công Đoàn Thế Vinh khám phá nghề làm gốm Lái Thiêu, Bình Dương

MC Hồng Phúc đưa vũ công Đoàn Thế Vinh khám phá nghề làm gốm Lái Thiêu, Bình Dương.

Tập 14 chương trình Bách nghệ kỳ thú đã lên sóng lúc 19h30 thứ 6 vừa qua trên kênh HTV7. Tuần này, MC Hồng Phúc sẽ là người làm nhiệm vụ kết nối, dẫn dắt và đưa khách mời là vũ công Đoàn Thế Vinh tham gia hành trình tìm hiểu làng nghề tại Bình Dương.

Mở đầu chương trình, MC Hồng Phúc đã trêu Đoàn Thế Vinh bằng cách đưa ra nhiều lý do để ngừng buổi quay như nắng chưa đủ đẹp, tiếng động của xe cộ quá ồn... khiến khách mời vô cùng hoang mang. Tuy nhiên, khi thấy nam khách mời bày tỏ sự háo hức, mong muốn được học nghề đã làm cho Hồng Phúc xiêu lòng.

Đến với Bách nghệ kỳ thú, Đoàn Thế Vinh cho biết bản thân là người Bình Định nhưng khi biết mình sẽ tham gia ghi hình chương trình ở Bình Dương, anh chàng đã tranh thủ tìm hiểu, nghiên cứu hết tất cả các làng nghề truyền thống tại địa phương này. Và đặc biệt, nam khách mời đã không giấu được cảm giác thích thú khi biết mình sẽ được tìm tòi và thử sức tại làng nghề làm gốm Lái Thiêu nổi tiếng nhất nhì tỉnh Bình Dương.

Tại chương trình, Hồng Phúc và Đoàn Thế Vinh đã gặp gỡ và trò chuyện với anh Huỳnh Xuân Huỳnh, chàng trai 25 tuổi với đam mê nghiên cứu về các sản phẩm về gốm Lái Thiêu. Xuân Huỳnh cho biết, anh luôn ghi nhớ hình ảnh những bữa cơm gia đình với các món ăn được bày trên đĩa, chén bằng gốm thủ công truyền thống nhưng càng lớn càng khó thấy các sản phẩm gốm này xuất hiện. Năm 2018, Xuân Huỳnh đi tìm mua một vài sản phẩm gốm về để dùng thì phát hiện tại Bình Dương số lượng các lò gốm truyền thống hoạt động không nhiều. Và lúc đó, Xuân Huỳnh từ một chàng sinh viên yêu nghề gốm đã bắt đầu tìm hiểu, khám phá và xin học hỏi về những nét đẹp trong sản phẩm gốm Lái Thiêu.

“Ban đầu tôi xin vào các lò làm thử rồi tìm được nhiều cái hay những cái đẹp trong nghề này. Tôi tìm thêm các sản phẩm gốm xưa cũ để tham khảo thì phát hiện gốm Lái Thiêu là một dòng gốm đẹp, gắn với nét văn hóa ẩm thực ở miền Nam nên quyết đi theo nghề để học hỏi. Tôi yêu nghề này và muốn tìm về, mong muốn khôi phục các sản phẩm cùng các hoa văn, họa tiết gốm Lái Thiêu xưa”, Xuân Huỳnh bộc bạch.

Tình yêu đặc biệt với nghề gốm truyền thống ở Lái Thiêu, Bình Dương của chàng trai 25 tuổi khiến Hồng Phúc và Đoàn Thế Vinh xúc động. Đặc biệt, khi biết có nhiều người làm nghề lâu năm khuyên Xuân Huỳnh đừng theo nghề này vì học cho rằng làm gốm cực và nhiều bạc bẽo càng làm cho Hồng Phúc thêm xót xa. Việc phải giữ lửa nghề truyền thống, đồng thời phải đảm bảo thu nhập khi cạnh tranh với các sản phẩm chén đĩa nhiều chất liệu khác khiến những người làm gốm không khỏi trăn trở.

Dẫu vậy, khi thấy nhiệt huyết của Xuân Huỳnh, các nghệ nhân vẫn tạo điều kiện để anh chàng theo nghề. Từ việc muốn tìm tòi học hỏi đi đến tình yêu nghề, muốn khôi phục nét đẹp của văn hóa làm gốm Lái Thiêu, tham vọng đưa gốm Lái Thiêu trở lại thời hoàng kim ban đầu của Xuân Huỳnh làm cho Hồng Phúc cảm phục.

Trước khi bước vào phần “Thử tài bạch nghệ”, Đoàn Thế Vinh được Xuân Huỳnh giới thiệu các công đoạn để tạo ra một sản phẩm gốm thành phẩm. Ngay sau đó, Đoàn Thế Vinh được trải nghiệm công đoạn nhúng men gốm và thực hiện thử thách vẽ họa tiết con gà trên chén gốm Lái Thiêu. Sau một hồi loay hoay, dù vẽ không được đẹp như hình mẫu nhưng cái chén do khách mời trang trí vẫn nhận được lời khen từ chàng thợ trẻ Xuân Huỳnh.

Được biết, gốm Lái Thiêu bắt đầu hình thành vào những năm 1860, trải qua hơn 150 năm phát triển gốm Lái Thiêu đã nổi tiếng khắp nơi và trở thành một trong những trung tâm gốm sứ nổi tiếng vùng Nam Bộ. Tuy sản xuất các mặt hàng bình dân, thực dụng nhưng mỗi sản phẩm gốm Lái Thiêu đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc mang chất hội họa rất đẹp mắt. Nhờ vậy mà gốm Lái thiêu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường miền Nam trong suốt hàng chục năm.

Không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà gốm Lái Thiêu còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài khá nhiều vào khoảng đầu thế kỷ 20. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đã khiến nhiều người làm gốm phải bỏ nghề nên gốm Lái Thiêu cũng phần nào mai một dần. Việc nghề gốm Bình Dương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 3/2021 như tiếp thêm động lực cho những người, những hộ yêu nghề vẫn đang mong chờ có một ngày cái nghề “tay lấm đất” trở về thời phồn vinh.

Đón xem chương trình Bách Nghệ Kỳ Thú vào lúc 19h30 Thứ 6 hàng tuần trên kênh HTV7. Chương trình do Công ty Truyền thông Bee phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM thực hiện, với sự đồng hành của thương hiệu Sakos - Nhà sản xuất vali, balo, túi xách cao cấp chất lượng quốc tế.

Thanh Luật

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/mc-hong-phuc-dua-vu-cong-doan-the-vinh-kham-pha-nghe-lam-gom-lai-thieu-binh-duong-c3a63164.html