Minh bạch - điểm mấu chốt để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển

Quy định pháp lý về minh bạch thông tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ về cơ bản đã được hoàn thiện tương đối đầy đủ. Hiện tại, tính minh bạch của thị trường trái phiếu đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển đạt mục tiêu đề ra, tính minh bạch, đặc biệt sự minh bạch mang tính chủ động của các tổ chức phát hành sẽ là yếu tố tiên quyết.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo ngày 17/5/2024. Ảnh: Duy Dũng

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo ngày 17/5/2024. Ảnh: Duy Dũng

Để phát triển đạt mục tiêu, thị trường cần gì?

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, mục tiêu tăng trưởng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt mức tối thiểu 25% GDP vào năm 2030. Tại hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm", vừa được tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường trái phiếu riêng lẻ vừa trải qua khó khăn, để đạt được mục tiêu quy mô tối thiểu 25% GDP là khá thách thức.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho biết, sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ 2018 - 2021, những khó khăn của thị trường TPDN xảy ra vào năm 2022 tỷ lệ dư nợ giảm từ 16% GDP xuống còn khoảng 11% GDP và hiện tại chưa có chiều hướng đi lên mà vẫn đi ngang.

Ông Hoàng Văn Cường còn cho rằng, đối với Việt Nam, thị trường TPDN còn có vai trò quan trọng hơn nữa là khi các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn khó dù lãi suất rẻ hơn. Do vậy, khi nguồn vốn tín dụng còn khó tiếp cận thì nguồn vốn từ TPDN vẫn được trông chờ. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn phát hành được TPDN thì phải có độ tin tưởng của khách hàng.

Ông Trần Lê Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cũng cho hay, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam không hề nhỏ. So với các nước trong khu vực, quy mô của thị trường TPDN Việt Nam vào khoảng 47 tỷ USD, cao hơn Philippines, Indonesia, nhưng nhỏ hơn Malaysia và Thái Lan.

Nhìn vào mục tiêu năm 2030, quy mô TPDN đạt mức 25% GDP, theo ông Minh là một thách thức. Ông Minh cho rằng, có 3 điều kiện cần để giúp thị trường TPDN Việt Nam phát triển đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, điều kiện tiên quyết là minh bạch thông tin, bởi nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể và không bao giờ phát triển được. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường, gồm: mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ, và phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp.

Cùng với đó, điều kiện thứ 2 là cần có đường cong lãi suất TPDN làm tham chiếu để nhà đầu tư dựa vào đó biết trái phiếu đang được giao dịch mức giá thế nào. Điều này giúp các nhà đầu tư tránh tình trạng dò dẫm, không biết giá nào đúng để đặt lệnh giao dịch.

Điều kiện thứ 3 là thị trường cần được thay đổi cơ cấu nhà đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân trên thị trường Việt Nam đang đóng tỷ lệ sở hữu TPDN cao. Theo thống kê của VIS Rating, cuối năm ngoái nhà đầu tư sở hữu 33% tổng giá trị TPDN đang lưu hành. Ngược lại, với các thị trường khác, muốn phát triển TPDN thông qua việc phát hành kỳ hạn dài thì đều được nắm giữ bởi các nhà đầu tư là tổ chức.

"Nếu làm được 2 điều kiện cần là 1 và 2, thì điều kiện số 3 tự đến. Theo tôi nghĩ, ở thời điểm này, chúng ta làm rất tốt tiền đề và bước đầu tiên giải quyết vấn đề cho điều kiện 1 và 2. Nếu làm được, thị trường TPDN sẽ phát triển về chất lượng và số lượng tốt hơn so với giai đoạn trước" – ông Trần Lê Minh nói.

Cần thông tin độc lập từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thông tin từ tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cung cấp độc lập, khách quan là yếu tố quan trọng cho khách hàng đầu tư vào TPDN. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp phát hành thì thông tin từ tổ chức xếp hạng cũng quan trọng. Nếu kết quả xếp hạng tốt, doanh nghiệp sẽ có lợi thế trong huy động vốn với chi phí rẻ hơn.

Ông Dương Đức Hiếu - Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp nhóm doanh nghiệp, Khối Xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating cho biết, thông tin trong báo cáo xếp hạng tín nhiệm đối với một doanh nghiệp sẽ là công cụ trực quan để nhà đầu tư tham chiếu, phân tích và đưa ra quyết định.

Cùng với đó, các báo cáo xếp hạng tín nhiệm sẽ tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu, nôm na phân loại chất lượng từng loại trái phiếu thông qua việc phản ánh rủi ro các đơn vị phát hành như: rủi ro thanh toán, tài sản bảo đảm…

Có minh bạch thông tin thị trường mới phát triển

"Điều kiện tiên quyết trên thị trường TPDN là minh bạch thông tin, bởi nếu không minh bạch thị trường sẽ không thể phát triển. Theo đó, phải có thông tin mức độ rủi ro trái phiếu bán trên thị trường, gồm: mức độ rủi ro của tổ chức phát hành, khả năng trả nợ và phải có thông tin đầy đủ về rủi ro của tổ chức phát hành được một bên độc lập cung cấp."

Ông Trần Lê Minh - Tổng giám đốc VIS Rating

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/minh-bach-diem-mau-chot-de-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-phat-trien-151060-151060.html