Mở thêm ngành học mới: Chất lượng đầu ra thế nào?
Thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Nhiều trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở thêm ngành học mới với nhiều lĩnh vực đào tạo. Chính vì thế, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin để chọn ngành phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Mở thêm nhiều ngành học mới
Mùa tuyển sinh năm 2024 tiếp tục ghi nhận sự “ra đời” của nhiều ngành học mới tại các cơ sở đào tạo. Điều này thể hiện sự nhanh nhạy, nỗ lực của các nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đang có những yêu cầu, đòi hỏi mới.
Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 9.260 chỉ tiêu cho 64 chương trình đào tạo (tăng 1.275 chỉ tiêu so với năm 2023). Nhà trường giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển như năm 2023. Cụ thể, trường dành khoảng 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, khoảng 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy. Còn lại khoảng 50% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024. T
rong số 64 chương trình đào tạo, có 36 chương trình đại trà (chương trình chuẩn), 23 chương trình chất lượng cao, 2 chương trình PFIEV và 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế. So với năm 2023, nhà trường mở thêm một chương trình đào tạo mới là Quản lý Giáo dục với chỉ tiêu dự kiến là 60.
Theo thông báo các phương thức xét tuyển đại học chính quy của Trường Đại học Ngoại thương, năm 2024, nhà trường giữ ổn định phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2023. Nhà trường dự kiến tuyển sinh tổng 4.130 chỉ tiêu (tăng thêm 30 chỉ tiêu so với năm 2023) cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc. Đặc biệt, năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh; đồng thời bắt đầu tuyển sinh chương trình song bằng với Đại học Queensland (Australia) ngành Kinh doanh quốc tế, chương trình Kinh doanh quốc tế (International Business) và Phân tích dữ liệu kinh doanh (Business Analytics) tại trụ sở chính Hà Nội.
Tại Trường Đại học Thương mại, năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh tổng 4.950 chỉ tiêu. Trường giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2023, gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển theo kết quả học tập cấp THPT đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia; xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp.
Năm nay, trường mở mới 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), bao gồm: Quản trị kinh doanh (ngành Quản trị kinh doanh), Marketing thương mại (ngành Marketing), Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ngành Kế toán), Logistics và xuất nhập khẩu (ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng), Thương mại quốc tế (ngành Kinh doanh quốc tế), Ngân hàng thương mại (ngành Tài chính - Ngân hàng), Quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành Quản trị nhân lực), Quản trị khách sạn (ngành Quản trị khách sạn).
Một số cơ sở đào tạo khác như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)... cũng mở ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng như góp phần nâng cao vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Lưu ý khi chọn ngành học
Đa dạng ngành học, song để chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường lao động không phải là điều đơn giản. Lê Hạnh Mai (học sinh Trường THPT Trương Định, quận Hoàng Mai) bày tỏ: “Thời gian qua, em cùng gia đình đã tìm hiểu thông tin tuyển sinh của một số trường nhưng vẫn phân vân chưa biết lựa chọn như thế nào. Em cũng băn khoăn không biết nên lựa chọn ngành nghề theo sở thích của bản thân hay nhu cầu của xã hội”.
Liên quan đến vấn đề này, tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 vừa được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều trường đại học, cao đẳng đã cung cấp thông tin mới nhất, đầy đủ và chính xác nhất về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các thí sinh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền (Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương), việc lựa chọn ngành nghề sẽ liên quan đến cả một tương lai sau này. Tuy nhiên, không phải khi chọn rồi thì sẽ bị bó buộc vào ngành đó. Các em nên cho mình nhiều cơ hội, không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học một cách tiếp cận liên ngành. Các em học Kinh tế nhưng có thể học thêm Luật, học thêm Khoa học dữ liệu dưới một hình thức nào đó, không nhất thiết phải thêm một bằng nữa. Khi đó, các em sẽ có lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai, năng lực cũng sẽ vượt trội trong tương lai. Điều này phụ thuộc vào chính các em.
Trước băn khoăn về việc thị trường nhân sự biến đổi không ngừng, nên chọn ngành có tính quy mô rộng hay bó hẹp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền cho rằng, trong trường hợp này, học sinh và phụ huynh phải là những người tiêu dùng thông minh, tiếp cận với vai trò là người “mua” dịch vụ giáo dục đại học. Các học sinh và phụ huynh hãy nhìn sâu vào chương trình đào tạo, nhìn vào cách trường đó giảng dạy, chất lượng giảng viên… để quyết định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng, học sinh cần học hỏi không ngừng để thích nghi với tốc độ phát triển của xã hội. “Ngành đào tạo ở bậc giáo dục đại học ở nước ta khá rộng. Khi các em học một ngành vẫn có thể làm được rất nhiều nghề khác sau đó. Trong bất kỳ ngành nghề nào đều luôn thiếu những người giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng có trình độ cao. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là các em phải đầu tư, phát triển năng lực cá nhân để các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan cần đến mình”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy đưa lời khuyên.
Việc các trường đại học được mở thêm ngành học mới giúp thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn khi tham gia đăng ký vào ngành, lĩnh vực của trường đại học, học viện mà mình chọn, song ở góc độ chuyên môn, câu hỏi đặt ra khi các trường mở thêm ngành học thì chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra sẽ thế nào?
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mo-them-nganh-hoc-moi-chat-luong-dau-ra-the-nao-167850.html