Mỗi cây xăng lo tốn thêm cả tỉ đồng

Nhiều nhà bán lẻ xăng dầu khẳng định để đầu tư cơ sở hạ tầng xuất hóa đơn điện tử từng lần bán thì mỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải tốn từ 400 triệu tới 1 tỉ đồng, nên họ muốn có lộ trình thực hiện.

Một trong những ngành và hoạt động bị tác động rất lớn tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ là dầu khí, chế biến dầu thô, kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đề nghị xem lại quy định “thời điểm đủ giá”

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 dự kiến quy định thời điểm lập hóa đơn bán dầu thô, condensate (khí ngưng tụ), các sản phẩm được chế biến từ dầu thô bao gồm cả hoạt động bao tiêu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ… là ba ngày làm việc kể từ ngày bên bán và bên mua xác định được giá bán chính thức không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.

Quy định như vậy dường như có vấn đề vì có thể gây khó khăn và tốn kém cho các công ty xăng dầu. Bà Hoàng Mai, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nêu thực tế: PVN mua dầu thô từ hai nhà máy lọc dầu là Nghi Sơn và Bình Sơn. Theo thông lệ quốc tế về mua bán xăng dầu, mặc dù mua của hai nhà máy trong nước nhưng tập đoàn vẫn cần tham chiếu giá bán quốc tế công bố trên thị trường Singapore. Giá mà tập đoàn đăng ký theo thông lệ quốc tế là giá bình quân của giá ngoại tệ tại một thời điểm nào đó.

 Các nhà bán lẻ cho rằng chi phí cho việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng sẽ cực kỳ lớn. Ảnh: QH

Các nhà bán lẻ cho rằng chi phí cho việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng sẽ cực kỳ lớn. Ảnh: QH

Trước đây, cứ sau năm ngày, tức là lúc có đủ giá ngoại tệ thì Nghi Sơn sẽ xuất cho PVN giá chính thức. Tuy nhiên, biến động tỉ giá năm ngoái lớn dẫn đến Nghi Sơn bị lỗ vì PVN thanh toán sau 30 ngày. Khi ký lại hợp đồng năm nay, Nghi Sơn đẩy rủi ro về tỉ giá cho PVN. Cụ thể, hợp đồng có quy định thời điểm đủ giá là thời điểm thanh toán, tức là sau 30 ngày.

“Như vậy, nếu ngày 5-10 chúng tôi đủ giá thì ngày 5-10 Nghi Sơn xuất hóa đơn nhưng 30 ngày sau mới tính tỉ giá và thanh toán. Như vậy, đề xuất ban soạn thảo xem lại nội dung về thời điểm đủ giá đối với trường hợp ký bằng ngoại tệ là thời điểm đủ giá bằng ngoại tệ hay là thời điểm đủ giá về tỉ giá” - đại diện PVN đề nghị.

“Không làm tăng chi phí”

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế sẽ không làm tăng thêm chi phí. Cụ thể, máy tính tiền của các đơn vị chỉ cần cài đặt thêm ứng dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Mỗi lần tính tiền sẽ in ra hóa đơn có mã cơ quan thuế cho khách hàng, dữ liệu sẽ truyền về cơ quan thuế.

Lâu nay, các cây xăng phần lớn chỉ thu tiền mặt đối với đa số khách hàng cá nhân. Tuy vậy cần lộ trình chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ, lưu trữ dữ liệu để đảm bảo kết nối dữ liệu thông suốt cho cơ quan thuế, vừa tạo thuận lợi, điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh xăng dầu.

Bà Hoàng Mai thông tin thêm: PVN mỗi tháng mua của Nghi Sơn khoảng 5.000 tỉ xăng dầu, tức mỗi năm mua khoảng 60.000 tỉ. Từ đầu năm nay, tập đoàn chưa hạch toán được giá mua khi kế toán đóng kỳ vì lúc nào cũng 30 ngày sau mới được coi là ngày đủ giá.

“Như vậy, toàn bộ quyết toán sáu tháng đầu năm của chúng tôi không bao giờ có giá chính thức trên quyết toán và chúng tôi không thể không mua của Nghi Sơn vì đó còn là nhiệm vụ chính trị. Không mua gây đứt hàng, đứt nguồn, ảnh hưởng đến thị trường” - bà Hoàng Mai phân trần và đề nghị ban soạn thảo xem lại quy định này.

Không chỉ PVN mà một số công ty xăng dầu khác cũng nêu ra những khó khăn và kiến nghị tương tự.

Tốn kém nếu xuất hóa đơn cho từng người đổ xăng

Một quy định khác tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ nêu rõ: Bán hàng xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử trên từng lần bán hàng cho người mua.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cho hay Nghị định 123/2020 đã quy định cơ sở kinh doanh xăng phải xuất hóa đơn cho từng lần bán hàng. Nghĩa là các cây xăng phải xuất hóa đơn điện tử cho từng người mua mỗi lần đổ xăng. Tuy nhiên, thực tế lâu nay các cây xăng chỉ thu tiền mặt, xuất hóa đơn với trường hợp người mua hàng yêu cầu, trong đó chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 quy định thêm là hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có dữ liệu kết nối với cơ quan thuế. Như vậy, mỗi lần bán hàng cho người mua các cây xăng phải xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

“Việc phải áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu trực tuyến với cơ quan thuế là giải pháp để ngăn chặn tình trạng trốn thuế. Ngoài ra, việc bắt buộc xuất hóa đơn từng lần bán hàng là giải pháp phòng ngừa kinh doanh xăng dầu nhập lậu, kém chất lượng. Từ đó đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng cho những công ty làm ăn chân chính, tránh thất thu thuế cho ngân sách”- ông Xoa nói.

Tuy nhiên, đối với những cây xăng dầu của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa, có thể ban đầu triển khai khó khăn. Do đó, ông Xoa cho rằng Nhà nước cần có lộ trình triển khai, theo khu vực và hướng dẫn hỗ trợ họ thực hiện.

Trong khi đó, nhiều nhà bán lẻ xăng dầu cho rằng nếu phải kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, áp dụng hóa đơn điện tử sẽ phát sinh chi phí rất lớn. Ví dụ, với các trụ bơm phải thay đổi công nghệ để áp dụng hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế cần chi phí 20-30 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Với cửa hàng có bốn trụ bơm thì con số đầu tư lên tới cả trăm triệu đồng.

Không chỉ vậy, yêu cầu cây xăng phải xuất hóa đơn mỗi lần bơm là chưa phù hợp trong giai đoạn hiện nay, do người dân mua và thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu, rất ít người có nhu cầu nhận hóa đơn. Riêng ở vùng xa, người dân có thu nhập thấp mỗi lần mua xăng có khi chỉ 15.000-20.000 đồng, chưa đến 1 lít xăng mà phải xuất một hóa đơn có giá trị khoảng 500 đồng thì xem như doanh nghiệp lỗ.

Liên quan vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết hiện cả nước có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trải khắp mọi miền. Việc áp dụng ngay quy định hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với các cơ quan thuế có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường, nhất là vùng sâu, vùng xa. Do vậy, bộ đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn cụ thể về hóa đơn điện tử và lộ trình thực hiện.

Kiến nghị có lộ trình thực hiện

Trong đơn kiến nghị gửi Quốc hội và Chính phủ ngày 3-12 vừa qua, các đơn vị kinh doanh xăng dầu cho rằng việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng gây lãng phí, tốn kém và khó thực hiện. Bởi mỗi lần bơm xăng dầu bán phải xuất một hóa đơn điện tử riêng biệt trong đó bao gồm thông tin về sản phẩm, giá cả, thông tin thanh toán, thông tin về khách hàng...

Đây là điều gây khó khăn cho các nhà kinh doanh. Lý do mỗi cửa hàng xăng dầu ước tính phải chi thêm từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng để trang bị hạ tầng bao gồm phần mềm, thay thế cột bơm và phần cứng bộ tính đo đếm trong cửa hàng xăng dầu.

Nhân viên bán xăng sẽ gặp khó khăn khi vừa bán hàng vừa thực hiện xuất hóa đơn điện tử và theo dõi quản lý hệ thống hóa đơn phức tạp này. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ngoài hạ tầng, công nghệ, các nhà kinh doanh còn lo ngại chi phí tăng lên khi xuất hóa đơn theo từng lần, cụ thể mỗi lần bơm xăng dầu phải xuất một hóa đơn có giá 450-550 đồng. Đó là chưa kể người mua không cung cấp thông tin nên nhà kinh doanh muốn tuân thủ nhưng nhiều khi khó đáp ứng… Trong khi đó, nhiều công ty xăng dầu đang bị thua lỗ, mà lỗ thì ngân hàng hạn chế hoặc không cho vay.

Từ những lý do trên, các đơn vị kinh doanh xăng dầu đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép được xuất hóa đơn vào cuối ngày, tức không buộc xuất hóa đơn theo từng lần bán, đồng thời cần có lộ trình thực hiện.

CHÂN LUẬN - QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/moi-cay-xang-lo-ton-them-ca-ti-dong-post765377.html