Mối lo về bảo mật khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động và tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh…, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi doanh nghiệp phải cẩn trọng và thông minh trong việc ứng dụng.

Mang lại lợi thế cạnh tranh khác biệt

Ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc công nghệ (CTO) Microsoft Việt Nam cho biết, các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang rất quan tâm đến những lợi thế của AI nhằm tạo sự khác biệt và cạnh tranh.

Kết quả khảo sát của Microsoft đối với 200 lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy, 31% lãnh đạo ưu tiên “nâng cao năng suất của nhân viên” nhờ AI hơn là phản đối việc “cắt giảm lực lượng lao động” (16%) vì AI.

“Trong một nghiên cứu mới của Accenture, 98% người tham gia khảo sát bày tỏ đồng thuận về vai trò quan trọng của AI trong việc giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược trong 3 - 5 năm tới. Hơn nữa, việc tích hợp các ứng dụng AI sẽ giúp giảm 40% thời gian làm việc”, ông Tâm thông tin thêm.

Đề cập vai trò của AI đối với doanh nghiệp, ông Trương Mạnh Cường, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh chiến lược (SAP Việt Nam) chia sẻ, giải pháp AI cho phép quản lý chuỗi cung ứng, mua sắm thông minh và đóng vai trò quan trọng trong việc xác định, đánh giá các nhà cung cấp phù hợp dựa trên dữ liệu giao dịch nội bộ và các kết nối bên ngoài.

“Bằng cách phân tích lượng dữ liệu khổng lồ và sử dụng các thuật toán máy học, AI có thể phát hiện những điểm bất thường tiềm tàng trong các giao dịch, cung cấp cho hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc các cấp lãnh đạo các cảnh báo xung đột nội bộ. Công cụ này hỗ trợ hiệu quả các quy trình công bằng và đảm bảo quá trình ra quyết định sáng suốt, tránh việc lợi ích sân sau”, ông Cường nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) cũng đánh giá, AI có thể hỗ trợ rất nhiều cho HĐQT doanh nghiệp trong việc đánh giá điều kiện thị trường, theo dõi đối thủ cạnh tranh và đưa ra các quyết định cũng như chiến lược phát triển kinh doanh nhanh chóng trước những biến động toàn cầu. Việc sử dụng AI cho phép truy cập kịp thời thông tin cập nhật về giá nguyên vật liệu đầu vào, tỷ lệ lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng,… “AI có thể giúp những doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường quốc tế trong việc tạo ra các báo cáo song ngữ Anh - Việt. Điều này giúp các nhà đầu tư nước ngoài nhanh chóng nắm được tình hình hoạt động của công ty”, ông Tuấn phân tích thêm.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, doanh nghiệp có thể xây dựng báo cáo tích hợp các yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và học hỏi từ những báo cáo phát triển bền vững của các thị trường phát triển khác dựa trên AI. Với AI, doanh nghiệp có thể cập nhập báo cáo theo quý thay vì cập nhật theo năm và chất lượng báo cáo chắc chắn được nâng cao hơn nhiều.

Mối lo về bảo mật

Đối với các công ty niêm yết tại Việt Nam, áp lực về việc phải tuân thủ quy tắc, đạo đức thậm chí còn cao hơn khi họ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ các cơ quan quản lý, cổ đông và đánh giá của thị trường. Các công cụ tích hợp AI rất thuận tiện cho doanh nghiệp xử lý thông tin, nhưng cũng ẩn chứa nhiều cạm bẫy và rủi ro.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc điều hành VIOD khẳng định, việc triển khai thành công AI phụ thuộc vào chất lượng và sự tin cậy của dữ liệu đầu vào. AI phát triển mạnh nhờ dữ liệu do con người đưa vào. Nguồn dữ liệu này, nếu muốn chính xác và minh bạch, cần luôn được cập nhật một cách đúng đắn và khách quan.

“Dữ liệu đầu vào đã lỗi thời hoặc sai lệch có thể tạo ra kết quả sai sót, làm cho việc sử dụng AI thiếu hiệu quả, thậm chí còn gây ra nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp. Nếu không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và nguồn thông tin dữ liệu có đạo đức, thì lời khuyên đưa ra từ ứng dụng AI có nguy cơ bị sai lệch, khiến các nhà đầu tư nhìn nhận sai vấn đề”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Nhân Tâm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu đầu vào trong toàn bộ quá trình phát triển AI.

“Lấy ví dụ đơn giản, AI lớn lên bằng cách học từ những dữ liệu, giống một đứa trẻ lớn lên bằng cách tiếp xúc với thế giới. Nếu những thông tin đầu vào không chính xác, bị những cá nhân có mục đích xấu làm lệch lạc, ‘đứa trẻ’ AI sẽ lớn lên trong môi trường độc hại và hậu quả tất yếu là sẽ không thể đưa ra những quyết định đúng đắn, khách quan. Các quyết định sai lầm do AI đưa ra, (ví dụ, một chatbox tư vấn đầu tư) sẽ tác động rất tiêu cực tới doanh nghiệp, tới tâm lý của nhà đầu tư và tới giá cổ phiếu”, ông Tâm phân tích.

Ngoài ra, sự phổ biến của công nghệ mô phỏng giả tạo (deepfake) càng làm tăng thêm những lo ngại này, nhất là khi có thể dễ dàng dùng công nghệ deepfake để làm giả hình ảnh, âm thanh, video lấy hình ảnh lãnh đạo doanh nghiệp để đưa ra những phát ngôn sai sự thật. Ông Tâm nhấn mạnh, thông tin sai lệch lan rộng chắc chắn sẽ phá hủy uy tín của doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Để giảm thiểu những rủi ro này, vị chuyên gia đến từ Microsoft khuyến nghị, các quy trình kiểm tra và xác nhận nghiêm ngặt phải được thực hiện để đảm bảo tính chính xác và toàn vẹn của dữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình AI.

Lê Lưu

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/moi-lo-ve-bao-mat-khi-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-d191818.html