Moldova tìm ra cách xóa bỏ ảnh hưởng của Nga thông qua vùng đất ly khai Transnistria

Moldova muốn thu hồi vùng lãnh thổ ly khai Transnistria, nhưng để làm vậy họ sẽ phải xóa bỏ ảnh hưởng của Nga.

Lần đầu tiên sau ba thập kỷ, chính phủ Moldova tin rằng cuối cùng họ cũng có đủ đòn bẩy để xóa bỏ ảnh hưởng của Nga thông qua vùng lãnh thổ ly khai Transnistria.

Nhưng chính phủ nước cộng hòa thân phương Tây đang phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng - làm thế nào để thực hiện điều này mà không gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo cho chính công dân của mình, trang Politico cho biết.

Cuộc đối đầu giữa Moskva và Chisinau luôn căng thẳng nhưng được hỗ trợ bởi các mối quan hệ mạnh mẽ: Moldova nhận năng lượng của Nga với mức thuế giảm thông qua Transnistria, giúp họ tiết kiệm hàng trăm triệu euro mỗi năm.

Mối liên hệ này đã cho phép Nga duy trì quyền kiểm soát dải đất chiến lược dọc biên giới Ukraine, nơi quân đội nước này đồn trú, bất chấp sự phản đối từ chính quyền Moldova.

Tuy nhiên tình hình đang thay đổi. Moldova đã hội nhập với châu Âu trong những năm gần đây dưới sự lãnh đạo của Tổng thống thân Maia Sandu.

Brussels đã cung cấp hàng triệu euro và nguồn năng lượng bổ sung như một phần của quá trình kéo dài nhiều năm để chuẩn bị cho một trong những nước nghèo nhất châu Âu, trở thành thành viên EU.

"Đất nước chúng ta không còn phụ thuộc vào Transnistria nữa. Về khí đốt, chúng tôi mua trên thị trường quốc tế, còn về điện, chúng tôi xây dựng đường dây cao thế để kết nối với Romania", Ngoại trưởng Moldova Mihai Popsoi nói với tờ Politico.

Tuy nhiên cách tiếp cận này hoàn toàn không đảm bảo một giải pháp lâu dài cho vấn đề Transnistria của Chisinau, nhưng nó chắc chắn hứa hẹn sẽ gây ra nhiều vấn đề cho chính Moldova. Cụ thể, mối quan hệ giữa nước cộng hòa nhỏ bé đối với Nga sẽ trở nên căng thẳng.

Theo giới tinh hoa cầm quyền tại Moldova, họ mua điện và khí đốt từ Transnistria không phải vì bị ép buộc, mà đây là cách họ cứu khu vực khỏi thảm họa nhân đạo và cố gắng hỗ trợ “công dân của mình”.

Một nỗi lo sợ nhất định về sự đột phá triệt để vẫn tồn tại. Mặc dù vậy, các quan chức địa phương vẫn khẳng định: "Đã đến lúc chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài qua nhiều thế hệ".

Trong diễn biến khác, ông Andrei Safonov - Phó Chủ tịch Hội đồng tối cao Transnistria, bày tỏ quan ngại sâu sắc về kế hoạch "phi quân sự hóa khu vực" của Chisinau, khi tin rằng biện pháp như vậy có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Vị quan chức vùng đất ly khai cho rằng, Chisinau đang tìm cách tước bỏ sự bảo vệ quân sự của Transnistria nhằm sử dụng một kịch bản mạnh mẽ trong tương lai nhằm giải quyết tình trạng của khu vực.

Ông Safonov bày tỏ suy nghĩ như vậy trong bối cảnh xuất hiện tuyên bố gần đây của ông Oleg Serebryan - Phó Thủ tướng Moldova về Tái hòa nhập.

Phát biểu của ông Serebryan liên quan đến sự cần thiết phải rút lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga khỏi Transnistria, đồng thời đẩy nhanh quá trình hội nhập của Moldova vào Liên minh Châu Âu.

Bên cạnh đó, ông Serebryan cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp phi quân sự hóa vùng đất ly khai sẽ chỉ được xem xét sau khi kết thúc chiến sự ở Ukraine, ám chỉ vị thế của Moldova có thể được củng cố nếu Quân đội Ukraine thành công.

Trước tình hình trên, ông Safonov chỉ trích gay gắt cách tiếp cận này, tin rằng nó không góp phần giải quyết xung đột một cách hòa bình mà ngược lại, làm gia tăng căng thẳng và khiến việc sử dụng lực lượng quân sự trở nên khả thi.

Theo ông Safonov, chính quyền Moldova đã từ bỏ các cuộc đàm phán nghiêm túc để giải quyết xung đột, muốn chuẩn bị cơ sở ngoại giao cho một cuộc tấn công quân sự vào Transnistria.

Về vấn đề này, ông Safonov kêu gọi tăng cường liên minh giữa Nga và Transnistria, đồng thời phớt lờ yêu cầu Nga rút quân vì coi đây là sự đảm bảo an ninh cho khu vực.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moldova-tim-ra-cach-xoa-bo-anh-huong-cua-nga-thong-qua-vung-dat-ly-khai-transnistria-post574914.antd