Moscow kiên cường trước phương Tây nhưng vẫn lộ 'gót chân Asin' khi né trừng phạt, thêm thông tin về 'hạm đội bóng tối' vận chuyển dầu Nga
Theo bài viết trên tờ nhật báo tiếng Đức của Thụy Sỹ Neue Zürcher Zeitung ngày 12/3, bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga đã cố gắng ổn định ngoại thương. Tuy nhiên, điều này cũng có giá của nó.
Theo bài viết, Gabon là một quốc gia nhỏ bên bờ Đại Tây Dương của châu Phi, giàu dầu mỏ và đã trải qua một cuộc đảo chính quân sự. Ở Gabon, việc đăng ký vận tải hiện đang bùng nổ hơn bất kỳ nơi nào khác. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, số lượng đăng ký vận tải đã tăng gấp đôi. Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, vận tải hàng hóa ở Gabon trở nên đặc biệt "nhộn nhịp".
Cuối năm 2023, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với công ty vận tải biển Sovcomflot của Nga. Các con tàu của Gabon đã đổi sang cờ Liberia. Điều này giúp các con tàu tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công của Mỹ, do cơ quan đăng ký tàu ở Liberia đặt trụ sở chính tại Mỹ.
Dấu ấn của “hạm đội bóng tối”
Sự tăng trưởng nhanh chóng về lượng đăng ký vận tải của Gabon được cho là dấu hiệu cho thấy sự mở rộng của đội tàu "bóng tối" mà Moscow đã xây dựng, đặc biệt là sau các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu dầu của Nga.
Điều này có nghĩa Nga đang cố gắng độc lập với các chủ tàu hoặc công ty bảo hiểm ở phương Tây nhằm né tránh các lệnh trừng phạt. Khoảng một nửa số hàng xuất khẩu bằng đường biển đã được thực hiện thông qua đội tàu này.
Hạm đội bóng tối, các lệnh trừng phạt và sự thay đổi liên minh địa chính trị đang để lại dấu ấn trong hoạt động ngoại thương của Nga.
Trong 2 năm qua, xuất khẩu và nhập khẩu của Nga đã trải qua những thay đổi tương tự như những gì đã thấy trong những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ.
Moscow đã cắt đứt quan hệ thương mại với phương Tây và trên hết, ngày càng phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc. Nền kinh tế Nga không sụp đổ dưới các biện pháp kiềm tỏa của phương Tây và tỏ ra kiên cường, nhưng dữ liệu thương mại cũng cho thấy những vấn đề dài hạn đang nổi lên.
Ai thế chỗ những đối tác quan trọng
Trước xung đột ở Ukraine, EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang đảm nhận vai trò này. Theo phân tích của Stefan Legge và Jason Rosenthal từ Đại học St. Gallen, Nga giao dịch ít hơn đáng kể với Nhật Bản, Hàn Quốc và Thụy Sỹ Những quốc gia này đã đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Trong khi đó, thương mại với Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Armenia và Uzbekistan đã tăng lên đáng kể.
Đối với các lệnh trừng phạt ngăn chặn hoạt động xuất khẩu trực tiếp từ phương Tây, có nghi ngờ rằng Nga đang nhập khẩu hàng hóa phương Tây thông qua các nước như Armenia và các nước ở Trung Á như Kazakhstan hay Uzbekistan - từ những hàng hóa được sử dụng cho mục đích quân sự cho đến các xa xỉ phẩm. Thương mại giữa các nước Trung Á và vùng Kavkaz với phương Tây tăng lên đáng kể. Tuyến đường thương mại này đã được gọi là “Bùng binh Á-Âu”. Nga cũng đang tránh các lệnh trừng phạt thông qua Hong Kong và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giao dịch dầu tiếp tục
Kho báu lớn nhất của Nga là dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, lúa mì, nhôm, niken và bạch kim. Nga đã tìm cách chuyển hướng xuất khẩu nguyên liệu thô trong vòng 2 năm. Điều này đặc biệt đúng với dầu mỏ. Tuy nhiên, Moscow phải đối mặt với tổn thất khi bán khí đốt tự nhiên qua đường ống. Ưu đãi lớn nhất đối với những người mua như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là mức chiết khấu dầu Nga so với giá thị trường thế giới. Với đội tàu bóng tối, Moscow đang cố gắng đạt doanh thu cao hơn. Ngoài nguyên liệu thô, Nga còn xuất khẩu một số mặt hàng khác.
Tình hình nhập khẩu lại khác. Hàng nhập khẩu của Nga chủ yếu là máy móc, ô tô và một phần nhỏ nguyên liệu thô. Nhà kinh tế học Stefan Legge cho biết: “Có thể so sánh Nga với một quốc gia dầu mỏ hơn là một nền kinh tế đa dạng và phát triển cao”.
Góc nhìn từ sản xuất
Cơ cấu nhập khẩu cho thấy nền kinh tế Nga chưa xây dựng được nền sản xuất bền vững cho riêng mình, đặc biệt là phương tiện đi lại. Theo báo cáo của các nhà kinh tế tại Ngân hàng Trung ương Nga, nhập khẩu máy kéo và ô tô từ Trung Quốc nói riêng đã tăng lên. Ngoài ra, tương đối ít linh kiện ô tô được nhập khẩu: Việc lắp ráp và sản xuất ô tô ở Nga sụt giảm, vốn hướng tới nền kinh tế chiến tranh, và xe nguyên chiếc được nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo ông Legge, điểm yếu này của nền kinh tế Nga còn thể hiện rõ ở một ngành công nghiệp khác: Trước năm 2022, Nga đã mua một lượng lớn chất bán dẫn từ các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt. Chip máy tính hiện nay chủ yếu đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tổng khối lượng bán dẫn nhập khẩu đã giảm, một dấu hiệu cho thấy các công ty Nga không còn cần chip ở quy mô như trước tháng 2/2022.
Tuy nhiên, Trung Quốc và các nước khác không thể đưa ra giải pháp thay thế trong một lĩnh vực: nhập khẩu máy bay và các bộ phận của chúng đã giảm đáng kể. Trước chiến tranh, những thứ này chủ yếu đến từ EU và Mỹ. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Trung ương Nga viết rằng, quy mô của đội máy bay dân dụng hiện có có thể giải quyết vấn đề về phụ tùng thay thế bằng cách tháo dỡ một số máy bay. Tuy nhiên, về lâu dài có thể sẽ có những khó khăn.
Giao dịch bằng ngoại tệ mới
Sự thống trị của Trung Quốc trong ngoại thương Nga cũng được phản ánh ở lĩnh vực khác. Trong vòng 2 năm, tỷ trọng đồng tiền Trung Quốc trong xuất khẩu của Nga đã tăng từ mức gần như không tồn tại lên 36%. Ngoài ra, các công ty Nga ngày càng mắc nợ bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) và các hộ gia đình Nga ngày càng sử dụng đồng tiền này để tiết kiệm.
Bất chấp các lệnh trừng phạt và biện pháp trả đũa của Nga, một tỷ lệ tương đối lớn giao dịch nước ngoài vẫn được thực hiện bằng đồng USD và EURO. Tuy nhiên, Mỹ đã áp đặt cái gọi là lệnh trừng phạt thứ cấp: Washington ngày càng áp đặt các hình phạt đối với các tổ chức tài chính ở các nước thứ 3 làm ăn với Nga. Điều này có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cùng nhiều quốc gia khác. Điều này có thể khiến tỷ trọng của đồng tiền Trung Quốc tăng cao hơn nữa.