Một bình minh Him Lam

Tôi trở lại TP Điện Biên Phủ vào mùa xuân khi mọi người nhộn nhịp vào lễ hội hoa ban (2024). Cây cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốm vừa hoàn thành với biểu tượng chiếc khèn hòa chung trong bản giao hưởng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Nậm Rốm rực sáng trong sắc hoa ban cùng những chùm bông chuối đỏ soi bóng. Và câu thơ ấy bỗng ngân vang trong tôi: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”. ("Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" - Tố Hữu).

Vang vọng bản hùng ca

Chúng tôi tìm về nguồn đầu tiên là “Cánh cửa thép”, nơi giặc Pháp đã đóng quân bên đường lớn. Đó là khu di tích “Trung tâm đề kháng Him Lam”, một cứ điểm quân sự đã diễn ra trận đánh mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta. Tôi đi trong miên man với giai điệu ngạo nghễ ngày nào: “Hôm qua đánh trận Điện Biên/ Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào/ Đột phá, tiêm đao ta đánh vào…” ("Trên đồi Him Lam" - Đỗ Nhuận). Bài hát là một trong bộ ba khúc khải hoàn ca của nhạc sĩ Đỗ Nhuận gồm: “Hành quân xa”, “Chiến thắng Điện Biên” và “Trên đồi Him Lam”.

Trong một đêm, quân đội ta đánh tan ba cứ điểm quân sự Pháp trên những quả đồi ở Him Lam đã làm giặc hoảng hốt bỏ chạy. Chúng để lại hàng trăm xác chết và hàng chục xe quân sự. Hình tượng Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai (tại cứ điểm 2) mở đầu bản hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ sau đó. Vì thế với quyết tâm đánh trận đầu phải thắng luôn thôi thúc khí thế của mỗi chiến sĩ “Hôm qua pháo nổ Điện Biên/ Lá cờ quyết thắng cầm trong tay ta tiến vào/ Bộc phá nhằm lô cốt ta đánh vào…/ Nguyện câu quyết tâm là phải thắng” (Đỗ Nhuận).

Chiến sĩ Trung đoàn 141 phất cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam.

Thật may mắn, chúng tôi được gặp Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Phớ tại chiến trường xưa. Những chiến hào năm xưa quanh co trên ba cứ điểm trong “Trung tâm đề kháng Him Lam” đã trở thành nơi chơi trò trốn tìm của tuổi học trò. Ông thường được cha mình kể lại cuộc chiến cam go trên mỗi chiến hào và những vòng thép gai. Mỗi bông hoa dã quỳ hay cọng cỏ xuyến chi nơi đây luôn được tô điểm trong câu hát dân ca mà ông đã tấu lên trong cây sáo, cây khèn.

Đã 70 năm trôi qua, chiến thắng Him Lam (đêm 13/3/1954) tạo nên trang sử hào hùng không thể nào quên. Với những câu thơ sâu lắng, cố thi sĩ Chế Lan Viên đã viết trong ánh xạ mới: “Nghĩa trang…Thời gian/ Hạt thóc/ Nén vàng”. Ông còn mô tả: “Dưới đồi xa/ Pháo thù gục mặt/ Lúa đã chín/ Chỗ tầm câu đại bác/ Lúa chín thơm/ Đầy một sắc trưa vàng” ("Thóc mới Điện Biên" - Chế Lan Viên). Rồi có lần nhà thơ Anh Ngọc viết: “Bỗng hôm nay đối diện với Him Lam/ Anh cúi xuống chỗ nằm xưa anh Giót” ("Trở lại Điện Biên" - Anh Ngọc). Những hình ảnh lịch sử luôn vang lên trong ký ức của mọi người dân: “Và tất cả chín năm gian khó/ Chuẩn bị từ Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện…/ Pháo và thuốc nổ/ Cùng nhịp điệu lời ca/ Đều đưa vào trận đánh giáp lá cà/ Cơn bão lửa xoáy bốn ngàn năm chiến thắng” ("Vũ điệu Mường Thanh" - Hoàng Thu).

Giờ đây Him Lam đổi mới từng ngày sau cuộc chiến đầy máu lửa đó. Là một trong những phường trung tâm thành phố, Him Lam có tốc độ phát triển nhanh, đã trở thành khu đô thị văn minh, hiện đại. Một quảng trường thành phố rộng lớn hiện ra bên khu đồi Him Lam. Bên cạnh đó, những con đường đôi dài tít tắp cắt ngang đại lộ Võ Nguyên Giáp. Khu du lịch sinh thái Him Lam bên hồ Huối Phạ như một vườn hoa khổng lồ mới được xây dựng cuối đường quốc lộ. Ai tới đó sẽ phải đi qua con đường dẫn vào “Nghĩa trang liệt sĩ trận Him Lam” như lời nhắc nhở về lịch sử Điện Biên hào hùng và ghi nhớ: “Như tình của nhân dân ấp ủ/ Cầm hạt thóc trên tay/ Nặng máu người đã khuất” (Chế Lan Viên).

Tiếng sáo tình yêu trên bản xanh

Chúng tôi theo chân Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Phớ về bản văn hóa Him Lam 2. Gia đình ông sinh sống trong nhà sàn xây kiểu mới với chất liệu kiên cố trên sườn đồi cao. Nghệ nhân khoe chúng tôi bộ nhạc cụ dân tộc Thái. Đó là những cây đàn mà ông tự chế tác nhưng luôn giữ cốt cách dân tộc Thái cổ.

Ông kể bản Him Lam xưa nghèo khổ bên những ngọn đồi, rừng cây và suối vắng. Người dân tộc Thái suốt đời phải còng lưng trên nương rẫy cùng với con trâu con bò cày ải ngày đêm. Khi đó cây sáo là niềm an ủi tuổi thơ của những bạn trẻ ở tuổi lên mười. Cậu bé Lò Văn Phớ ngày đó bắt đầu làm quen với những âm thanh chim hót cùng suối chảy róc rách qua cây sáo (còn gọi là cây Pí). Rồi lớn lên đi theo chúng bạn hát giao duyên (Hạn Khuống) dưới chân đồi Him Lam trong những đêm trăng.

Ánh mắt nghệ nhân bừng sáng với những ký ức xuân vui tuổi trẻ. Ông bật dây đàn tính rồi cất lên tiếng hát: “Tiếng hát vào núi đá thành vôi trắng/ Hát vào suối cạn, dâng thành sông Đà/ Hát cùng chài gấp lên tấm lụa/ Hát cùng rau non, lớn vụt thành sen/ Hát cùng đầu bạc, xanh lại thời tuổi trẻ” (dân ca Thái). Rồi cứ thế nghệ nhân thả hồn vào âm thanh, nhấn nhá từng nốt âm sắc tự sự như tiếng người vây. Rồi ông lại hát: “Tôi mơ làm một quả còn/ Gieo cho đôi lứa vẹn tròn chữ duyên”…

Khi câu hát vừa dứt, nghệ nhân Lò Văn Phớ nở một nụ cười hiền hậu rồi lấy cây sáo vừa khoét xong đưa lên môi. Tiếng sáo véo von như tiếng chim trên rừng xanh ca hát. Rồi âm sắc bỗng nhiên đổ trầm kể một câu chuyện khác về tình yêu “Xống chụ xon xao”. Đây là tác phẩm văn học dân gian Thái luôn được hát lên trong các đêm lễ hội. Nghệ nhân Lò Văn Phớ thuộc truyện thơ này và ngân nga tiếng lòng thủy chung son sắt với người mình yêu.

Ông hóm hỉnh kể mình đã lấy được vợ vì những lời ca “Xống chụ xon xao” cùng tiếng sáo trong những đêm đi “Chọc sàn”. Tôi bị cuốn hút vì lời kể chuyện bằng thơ và nhạc của ông qua lời lĩnh xướng từ trái tim lắng đọng. Đã hơn nửa thế kỷ, nghệ nhân coi cây sáo và cây nhị là “bạn tình” đi khắp nơi biểu diễn. Ông đoạt nhiều giải thưởng trong các kỳ hội diễn, được phong nghệ nhân ưu tú (2022) vì thành tích cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Di tích cụm cứ điểm Him Lam nhìn từ trên cao.

Nghệ nhân luôn dạy các học trò của mình mỗi lần đi lễ hội bằng lời ca: “Muốn chơi hãy chơi khi mùa ban nở/ Muốn vui hãy vui khi mùa ban chưa tàn/ Hoa héo rũ rụng xuống hết mùa/ Ta chia tay nhau về làm ruộng/ Ánh mắt liếc vào ruộng mạ/ Cho bông lúa trĩu vàng/ Hẹn mùa xuân sau khi mùa ban nở”. Đó là lời khuyên con cháu đừng có mải vui mà quên cánh đồng trên nương trên rẫy. Và rồi cuối cùng ông cố kéo tôi vào trong nhịp điệu quen thuộc “Inh lả ơi!”. Tôi không thể ngồi im và khe khẽ hát theo cùng tiếng sáo: “Inh lả ơi/ Xao noọng ơi/ Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời/ Mùa xuân đến ngàn hoa hé cười/ Inh lả ơi/ Xao noọng ơi!”.

Rộn ràng xòe sạp Điện Biên

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Phớ kể, bố ông là người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và thường múa sạp phục vụ dân công trên đèo Pha Đin. Trước kia múa sạp hay còn gọi là xòe sạp rất ít người và chỉ có hai cây tre. Giai điệu nhạc thì đơn giản hơn nhưng sau này được nhạc sĩ Sao Mai (Trần Khổng Dung) viết lại bản nhạc mới trên cơ sở tiết điệu dân gian cũ. Ông đã sáng tạo qua nền nhạc các điệu Khắp của người Thái nên bản nhạc nghe rất gần gũi. Do đó người tham gia nhảy sạp được đông vui hơn. Ban đầu người nhảy chỉ việc hát: “sòn sòn sòn đô sòn-sòn sòn sòn đô rê…” là bước chân khớp với nhịp đập sạp.

Thế rồi nghệ nhân lấy chiếc nhị kéo luôn một mạch rất vui tươi trong nhịp phách rộn ràng. Ông cho biết dịp lễ hội hoa ban nào cũng có múa sạp kết thúc cuối cùng trong những vòng xòe lớn. Điệu múa bao giờ cũng mở đầu bằng câu hát dẫn: “Một đàn bươm bướm xinh, tung tăng bướm bay vờn/ Tây Bắc tiếng cười vang vang, suối tươi gieo màu nắng vàng/ Một đoàn bộ đội dân quân, nắm tay ta cùng liên hoan…”. Đó là những ký ức Điện Biên Phủ luôn bay bổng khắp nơi suốt 70 năm qua. Lúc này, tiếng sáo của nghệ nhân bay khắp bản như lời gọi, tất cả cùng thức dậy với một bình minh Him Lam đang bừng sáng bên dòng sông Nậm Rốm vào xuân.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/mot-binh-minh-him-lam-i730082/