Múa chuông, múa rùa - Nét đẹp văn hóa độc đáo của người Dao

Múa chuông, múa rùa là vũ điệu độc đáo mang tính sử thi, gắn bó với đời sống tinh thần của đồng bào người Dao. Nội dung thể hiện cuộc sinh tồn khắc nghiệt từ thuở lập làng và khát vọng sống hòa bình của đồng bào dân tộc Dao.

Các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa múa chuông, múa rùa dân tộc Dao ở xã Động Đạt (Phú Lương) trình diễn múa chuông, múa rùa.

Các thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa múa chuông, múa rùa dân tộc Dao ở xã Động Đạt (Phú Lương) trình diễn múa chuông, múa rùa.

Tiếng chuông rộn ràng, khỏe khoắn được rung lên làm lòng người háo hức, tìm về sân nhà văn hóa xóm Cộng Hòa, nơi các thành viên CLB Múa chuông, múa rùa của xóm đang tập luyện. Cụ Bàn Thị Cầu, 80 tuổi, thành viên cao tuổi nhất, bảo: Tham gia tập luyện các giai điệu hát và điệu múa của dân tộc mình, tôi thấy khỏe ra. Hơn nữa, tôi tự hào vì được cùng bà con tập luyện, tham gia trình diễn, giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến đông đảo nhân dân, du khách.

Để chúng tôi hiểu hơn về vũ điệu múa chuông, múa rùa, ông Bàn Hữu Chương, Chi hội trưởng Người cao tuổi, cho biết: Tiếng chuông có trong hầu hết các nghi lễ truyền thống của người Dao. Mỗi bài múa đều có giai điệu tiết tấu riêng và có ý nghĩa khác nhau. Ví như trong lễ Cấp sắc có ý nghĩa trang trọng, linh thiêng nhưng mang không khí phấn chấn; trong giải hạn, làm ma có ý nghĩa xua đuổi tà ma, tiễn người chết về cõi âm, cầu mong những người còn sống bình an; vào dịp lễ hội đầu Xuân để mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; vào cuối năm để tạ ơn tổ tiên.

Dù là một buổi tập văn nghệ, nhưng sân nhà văn hóa xóm Cộng Hòa được tập trung khá đông người. Ai nấy phấn chấn vì được xem chính “người nhà mình” tập luyện, trình diễn. Từng nhóm người: Hát ví, múa chuông và tập luyện múa rùa. Theo lời kể của các bậc cao lão xóm Cộng Hòa, múa rùa đã có từ xa xưa.

Chuyện rằng: Khi loài ác thú đến phá phách làng bản, đàn rùa đã hiện lên giúp đồng bào người Dao đánh thắng ác thú, lấy lại sự bình yên cho dân bản. Vì thế người Dao luôn nhớ đến công ơn của loài rùa, coi rùa là con vật quý dùng để dâng cúng các vị thần linh. Điệu múa rùa được xây dựng mang tính cộng đồng cao, đồng thời nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào người Dao.

Trong tiếng xập xèng lúc khoan, khi dồn dập, hối hả làm màn diễn múa rùa càng trở nên sôi động: Màn trình diễn như đang kể lại câu chuyện bà con cùng nhau đi săn bắt rùa làm vật tế lễ thần linh, như: Đuổi bắt rùa, lừa rùa vào ao, lật rùa, đạp mai rùa, luồn vị môn rùa, làm thịt rùa, băm rùa, dâng rùa…

Cùng trình diễn các động tác múa còn có lời hát cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với dân bản. Một khác biệt so với nhiều môn nghệ thuật khác là người múa thể hiện từng động tác ngay trên nền nhạc xập xèng do mình thực hiện. Dù người tham gia múa khá đông, nhưng tiếng nhạc, động tác múa ăn khớp như một.

Múa chuông, múa rùa là nét đẹp văn hóa nghệ thuật độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào người Dao. Để bảo tồn, trao truyền rộng rãi trong đồng bào người Dao về điệu múa; đồng thời phát huy hiệu quả giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật độc, lạ này, từ cuối năm 2023, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Phú Lương vận động đồng bào người Dao xóm Cộng Hòa thành lập CLB Múa chuông, múa rùa. Đồng thời cử cán bộ chuyên môn của ngành Văn hóa về trực tiếp hướng dẫn cho nghệ nhân và các thành viên nòng cốt phong trào kỹ năng vận động, xây dựng và tổ chức duy trì hoạt động của CLB. Đến nay, CLB đã có 60 thành viên tham gia tập luyện. Cùng với đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao tặng CLB 30 bộ trang phục truyền thống và một số đạo cụ trình diễn văn nghệ, với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

Ông Bàn Hữu Chương tâm đắc: Người Dao chúng tôi đã trải qua nhiều biến cố, nhưng điệu múa chuông, múa rùa không bao giờ mai một. Nay được Nhà nước hỗ trợ trang phục, đạo cụ, tức là trao thêm cơ hội cho người Dao xóm Cộng Hòa ý thức gìn giữ, trao truyền và phát huy hiệu quả những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Còn bà Nhâm Thị Nguyên tự hào: Được trang bị đầy đủ về trang phục, đạo cụ, bà con phấn chấn hơn khi tham gia tập luyện, sẵn sàng “mang đặc sản” múa chuông, múa rùa tham dự hội diễn các cấp.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202405/mua-chuong-mua-rua-net-dep-van-hoa-doc-dao-cua-nguoi-dao-bd010e9/