Múa lân - sư - rồng: Nét đẹp văn hóa cổ truyền ngày tết
Múa lân - sư - rồng là loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian được nhiều người yêu thích, nhất là vào mỗi dịp lễ, tết, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Hình ảnh của lân - sư - rồng tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng trong năm mới.
Những ngày giáp tết, các đoàn lân - sư - rồng trên địa bàn tỉnh tất bật chuẩn bị nhiều tiết mục phục vụ người dân. Trưởng đoàn Lân - Sư - Rồng Tân Hoa Đường (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) - Võ Quan Thành cho biết: “Tết là dịp để mọi người vui chơi, nghỉ ngơi, còn các thành viên trong đoàn lại bận rộn với lịch biểu diễn dày đặc. Dù không có nhiều thời gian để đón tết với người thân, bạn bè nhưng niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được góp thêm hương vị mùa xuân cho mọi người”.
Đoàn Lân - Sư - Rồng Tân Hoa Đường được thành lập hơn 14 năm, hiện có 25 thành viên từ 14 đến 30 tuổi. Đây là những người trẻ có niềm đam mê với nghệ thuật múa lân - sư - rồng. Từ trước tết vài tháng, các thành viên đã lên kế hoạch tập luyện rất kỹ. “Trong một bài múa, những bước nhảy thể hiện sự uyển chuyển, nhịp nhàng tượng trưng cho “ngoại hình”, còn tiếng trống dồn dập, rền vang giữ vai trò như “linh hồn” của cả tiết mục. Người đánh trống phải có thẩm âm tốt, phối hợp các điệu múa như lạy, nằm, leo lên, tuột xuống một cách nhuần nhuyễn thì mới thể hiện được một cách hoàn hảo khí thế của lân, sư và rồng. Bởi vậy nhiều người mới ví “nghe tiếng trống lân - sư - rồng là biết tết đến” - anh Võ Quan Thành cho biết thêm.
Gắn bó với Đoàn Lân - Sư - Rồng từ khi mới 15 tuổi, múa lân giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh Lê Tiến Phát. Anh Phát chia sẻ: “Thông thường, để có được tiết mục thành công, các thành viên trong đoàn phải biểu diễn nhuần nhuyễn và ăn ý với nhau theo từng động tác, tùy theo từng bài mà có cách bố trí đội hình phù hợp. Vào dịp lễ, tết, các thành viên trong đoàn thường biểu diễn ở nhiều nơi, đi đến đâu cũng được mọi người hò reo, cổ vũ nhiệt tình nên chúng tôi rất vui và hạnh phúc”.
Chương trình múa lân - sư - rồng có nhiều tiết mục như múa cờ khai đắc thắng, nhào lộn, múa lân, múa rồng, song sư hý cầu, lân lên Mai Hoa Thung, lân leo cây hái lộc,... Ngày nay, các tiết mục múa lân - sư - rồng đã có nhiều cải tiến, thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có của nó. Múa lân - sư - rồng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, nếu múa trên mặt đất thì sẽ đi như hổ, múa trên cọc thì phải nhẹ nhàng như mèo. Chưa kể, múa lân còn có sự mạo hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm. Do đó, ngoài đam mê, người học múa lân - sư - rồng phải có năng khiếu, tố chất của “con nhà võ”, phải trải qua sự khổ luyện thì mới có thể thuần thục trong từng động tác và ăn ý với đồng đội trong việc phối hợp.
Vào mỗi dịp tết đến, xuân về, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức nhưng múa lân - sư - rồng vẫn có sức hút riêng bởi nó không chỉ mang vẻ đẹp của nét văn hóa truyền thống mà còn phù hợp với thị hiếu của mọi tầng lớp, lứa tuổi. Anh Nguyễn Văn An (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Gia đình tôi đều rất thích xem các đoàn múa lân - sư - rồng biểu diễn. Chính sự sôi động trong từng tiết mục đem lại sự vui tươi, hào hứng vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Bên cạnh múa lân, các con tôi còn rất thích ông Địa cầm quạt đùa giỡn với lân rất dí dỏm, hài hước, thể hiện sự may mắn, an lành trong những ngày xuân. Đón năm mới bằng tiếng trống lân rộn rã, ai cũng hy vọng nhiều điều bình an, hạnh phúc sẽ đến trong năm mới”.
Tết đến, nếu chỉ có mai vàng, bánh, mứt mà không có tiếng trống lân thì sẽ thiếu đi cái không khí vui tươi, rộn ràng. Ngày nay, mặc dù cuộc sống ngày càng phát triển nhưng múa lân - sư - rồng vẫn được gìn giữ và phát huy, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, vừa đóng góp vào việc duy trì, bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian độc đáo./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mua-lan-su-rong-net-dep-van-hoa-co-truyen-ngay-tet-a128593.html