Mưa lớn trên diện rộng, gây ngập nặng đường phố một số tỉnh miền Trung

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 25/9 đến ngày 27/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 350mm… Các địa phương đang khẩn trương triển khai các phương án ứng phó nhằm giảm thiệt hại do mưa lũ gây ra...

Trận mưa lớn sáng ngày 25/9 ngập đường làm cho nhiều xe mô tô bị chết máy. Ảnh Ngô Anh Văn

Trận mưa lớn sáng ngày 25/9 ngập đường làm cho nhiều xe mô tô bị chết máy. Ảnh Ngô Anh Văn

Mưa lớn diện rộng diễn ra từ đêm 24 đến chiều ngày 25/9, trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, khiến nhiều tuyến phố bị ngập sâu trong nước.

Tại thành phố Đà Nẵng, đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa từ 04h-07h/25/9 phổ biến: 30-60mm, riêng Chi Cục Thủy Lợi 88.4mm, Hồ Học Khê 81.8mm, Hòa Khê 80.8mm, trạm Đà Nẵng 77.0mm, hồ Trược Đông 72.6mm. Tại các quận huyện thuộc thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục duy trì mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm. Cảnh báo do mưa cường độ lớn tập trung trong thời đoạn ngắn có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp và các khu đô thị trên địa bàn thành phố, gây cản trở giao thông và thiệt hại tài sản; nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.

Sáng 25/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn thành phố Huế có mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường chính giữa trung tâm thành phố Huế bị ngập cục bộ. Các tuyến đường thuộc khu đô thị mới thuộc phường Xuân Phú, nhiều trường đại học ở trung tâm thành phố như Trường đại học Khoa học Huế, Đại học Y Dược Huế… cũng bị ngập nước.

Mưa lớn xảy ra vào sáng đầu tuần và vào giờ cao điểm lúc người dân ra đường đi làm, khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Nhiều xe máy bị ngập nước dẫn đến chết máy, người dân phải dắt bộ giữa cơn mưa tầm tã.

Tại Quảng Nam, theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, mưa lớn diện rộng diễn ra trên địa bàn của tỉnh từ đêm 24/9. Các địa phương có mưa lớn như TP. Tam Kỳ ( lượng mưa từ 100 – 200mm), Thị trấn Trà My, Thị trấn Núi Thành ( từ 100 -200mm); TP. Hội An, Tthị xã Điện Bàn (từ 60 – 140mm), Thị trấn Thạnh Mỹ, Thị trấn Prao, huyện Tấy Giang (từ 50 – 130mm).

Lúc 9h sáng nay 25/9, mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Tam Kỳ đang ở mức dưới báo động 1. Cảnh báo từ hôm nay (25/9) đến ngày 27/9, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 1.5 - 3.5m, hạ lưu đạt từ 0.5 - 2.0m. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi; ngập úng tại các vùng thấp trũng ven sông và các khu tập trung đông dân cư.

Dự báo trong 24 giờ tới (tính từ 4 giờ sáng nay 25/9), áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và mạnh thêm. Đến 4 giờ sáng mai (26/9), tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển ổn định theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào đất liền khu vực Đà Nẵng – Quảng Ngãi vào sáng mai, sau đó quét qua Đà Nẵng – Quảng Ngãi sang Nam Lào, suy yếu dần thành một vùng thấp.

Trong khoảng từ tối 25/9 đến sáng ngày 26/9, vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam và phía Bắc của Quảng Ngãi đề phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7. Từ ngày 25/9 đến ngày 27/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 350mm…

Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, ngập lụt, ngày 25/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã ban hành công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên địa bàn thành phố.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng chủ động quản lý tàu thuyền ra khơi theo quy định; giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển, những tàu thuyền đang hoạt động ven bờ và đang neo đậu tại các bến để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết. Phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão âu thuyền Thọ Quang và tại các điểm neo đậu tránh, trú bão.

Tàu cá neo đậu trú bão tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh Ngô Anh Văn

Tàu cá neo đậu trú bão tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng. Ảnh Ngô Anh Văn

UBND các quận, huyện được yêu cầu triển khai phương án phòng, chống áp thấp nhiệt đới, lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

Đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn), khu vực nam Hải Vân và bán đảo Sơn Trà. Tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, sáng 25-9 trên địa bàn đã có mưa to đến rất to, có nơi trên 134mm. Dự báo đến chiều cùng ngày, nhiều nơi ở Huế sẽ có mưa 60-120mm, có nơi trên 150mm.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trên địa bàn tỉnh có xảy ra cơn lốc xoáy gây ra vào rạng sáng cùng ngày ở huyện Quảng Điền, Phú Vang, thành phố Huế, khiến nhiều nhà dân bị tốc mái và đã có người bị thương. Để đảm bảo an toàn cho ngư dân, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ra thông báo cấm biển vào sáng cùng ngày.

Tại tỉnh Quảng Nam, Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phát công điện yêu cầu chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn; đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức cấm biển kể từ 7 giờ ngày 25/9 cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh…

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành ỏe miền Trung đang chỉ đạo sát sao công tác rà soát, kiểm tra, khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản. Cùng với đó là tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai đến cộng đồng. Bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện và hạ du, nhất là các thủy điện nhỏ; sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố; bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công; bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Các địa phương và trường học chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ.

Đặc biệt là kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Sẵn sàng lực lượng phương tiện, chủ động hỗ trợ nhân dân đảm bảo an toàn; Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...

Ngô Anh Văn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mua-lon-tren-dien-rong-gay-ngap-nang-duong-pho-mot-so-tinh-mien-trung.htm