Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam: Nhìn từ chuyện 'đảo trụ'
Năm 2022, sau những cú sập khiến nhiều 'chứng sĩ' bay mất phần lớn tài khoản, từ đầu quý III/2023 đã có ý kiến lạc quan về một giai đoạn uptrend.
Năm 2022, sau những cú sập cay đắng khiến nhiều "chứng sĩ" bay mất một nửa, thậm chí 3/4 tài khoản, từ cuối quý I và đặc biệt là đầu quý III/2023 đã có những ý kiến lạc quan về một giai đoạn uptrend (xu hướng tăng). Nếu chỉ xét riêng về mặt chỉ số thì đánh giá này không sai vì kết năm 2023, chứng khoán có mức tăng trưởng 12%.
"Xa lắm bờ ơi..."
Một số nhà đầu tư chứng khoán nhỏ lẻ đã đánh giá: Mức tăng trưởng 12% của năm 2023 chỉ là bề nổi.
Bởi nếu theo dõi kỹ thì liên tục trong cả tháng 12, điểm nổi bật của thị trường chỉ là sự "đảo trụ". Nghĩa là nhân tố quyết định bảng điện xanh hay đỏ chỉ luân phiên tập trung vào một vài mã. Còn lại phần lớn là trạng thái lình xình, một phiên xanh không đủ bù lại vài phiên đỏ. Thế nên dù chỉ số VN-Index có tăng thì tâm trạng của nhiều "chứng sĩ" trên các hội nhóm, diễn đàn vẫn là sự ủ ê với tâm trạng "còn xa lắm bờ ơi...".
Tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" của VN-Index khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ ngậm ngùi như trên, có thể tạm lý giải bằng cách nhìn lại một số nét chính của thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2023:
Sự lạc quan quá sớm khi thị trường chứng khoán Việt Nam được cho là bước vào giai đoạn side-way up (đi ngang tích lũy theo xu hướng tăng) từ tháng 3 đến giữa tháng 8/2023. Thời điểm này, trong danh mục của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã có những mã lãi tới gần 20%; số còn lại bình quân cũng "xanh lá" từ 3-5%. Sau những cú sụt giảm theo kiểu "cưa chân bàn" khiến có những trường hợp mất tới 90% tài khoản của năm 2022, tâm lý chung của các nhà đầu tư đều trông đợi vào sự phục hồi của VN-Index, nhất là vào cuối tháng 8/2023, chỉ số đã vượt mốc 1.200 điểm.
Công bằng mà nói, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư lúc đó không phải thiếu cơ sở. Nhất là khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ, nhà đầu tư cá nhân trong nước bắt đầu chuyển sang trạng thái mua ròng từ tháng 4/2023; đồng thời sự phục hồi của thị trường chứng khoán thế giới (đặc biệt là chứng khoán Mỹ) đã kéo chỉ số VN-Index tăng hơn 22% chỉ trong nửa đầu năm 2023. Do vậy, có nhà phân tích còn đưa ra dự báo chỉ số VN-Index sẽ đón một đỉnh sóng lớn, vượt mốc cản 1.300 điểm vào cuối năm 2023.
Nhưng cũng ngay từ lúc ấy, cũng có ý kiến phản biện cho rằng đó là sự "lạc quan tếu". Liệu rằng những tín hiệu tích cực đó có phải đơn thuần do các nhà đầu tư rút tiền từ tiết kiệm ngân hàng chuyển sang chứng khoán hay không?
Và thực tế của chỉ số VN-Index từ tháng 9/2023 đã chứng minh lập luận trên là đúng. Sự ủ rũ, phiền muộn của thị trường còn kéo dài đến những phiên giao dịch sát Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua.
VN-Index sẽ vượt đỉnh trong năm Rồng?
Trái ngược tâm trạng lệt bệt giai đoạn cuối năm 2023, thị trường bước sang năm 2024 trong trạng thái hưng phấn hơn, mặc dù có những đoạn trồi sụt nhưng nhìn chung đà tăng của chỉ số đã được củng cố. VN-Index tăng một mạch từ 1.129,9 điểm phiên cuối của năm 2023 lên 1.284 điểm kết phiên ngày 22/3/2024.
Năm 2024 cũng là năm nhiều nhà đầu tư kì vọng VN-Index vượt được mốc 1.400, thậm chí còn lên 1.500-1.800 điểm. Đặc biệt, khả năng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dần hồi phục từ mức nền thấp năm 2023, giúp P/E thị trường trở nên hấp dẫn hơn (Price to Earning ratio - thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu).
Bên cạnh đó, Chính phủ đang đặt mục tiêu nâng hạng thị trường như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 ngày 28/2/2024; theo đó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nếu được nâng hạng lên nhóm mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, khi hệ thống KRX (Hệ thống hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng và thực hiện mua - bán cổ phiếu trong ngày, hay còn gọi là T+0) được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ lấy lại những gì đã mất trong năm 2022 và 2023.
Nhưng trên các hội nhóm, diễn đàn chứng khoán, đa phần các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng.
Bởi ngay trong quý I/2024 này, chỉ số VN-Index vẫn biến thiên nằm ngoài phần lớn các quy luật. Vẫn có những phiên "tàu lượn" chóng mặt khi sáng đỏ chiều xanh, hay đảo chiều chỉ trong chốc lát ATC cuối phiên. Hoặc có những báo cáo tài chính cho thấy tình hình doanh nghiệp phát triển tốt, có lợi nhuận nhưng cổ phiếu lại giảm liên tục.
Quay trở lại câu chuyện "xanh vỏ đỏ lòng" đã đề cập ở đầu bài viết.
Có một thực tế, đã hơn hai mươi năm từ khi có phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên, cổ phiếu của những doanh nghiệp thuộc các ngành nghề sản xuất - thương mại, dịch vụ, logistic như dệt may, giày dép, thủy hải sản, nông sản, xuất nhập khẩu, điện tử, máy móc, công nghệ, viễn thông, hàng không, năng lượng, y tế, dược phẩm, thực phẩm chế biến, bán lẻ, vận tải... vẫn chưa chiếm ưu thế để dẫn dắt chỉ số VN-Index. Chính vì vậy, mỗi khi thị trường được dự báo có một đợt sóng tăng, các "chứng sĩ" vẫn truyền nhau một quy luật theo thứ tự không đổi "bank, chứng, thép, bất động sản, dầu khí, penny".
Cho nên những nhà đầu tư lớn của nước ngoài muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chỉ có độ vài ba chục doanh nghiệp các ngành nghề để lựa chọn.
Như vậy, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam còn phụ thuộc một phần rất lớn vào trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia niêm yết và hướng tới mục tiêu niêm yết. Chỉ khi các doanh nghiệp chuẩn hóa, minh bạch thông tin, tôn trọng lợi ích của các cổ đông theo nguyên tắc hài hòa lợi ích thì mới giảm thiểu các hiện tượng cổ phiếu A, cổ phiếu B có "đội lái, chơi game" để tăng - giảm theo chủ ý của một nhóm lợi ích nào đó.
Đây có lẽ là một trong những yếu tố cốt lõi để VN-Index thoát dần khỏi tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" hay "đảo trụ", thực sự đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư.