Mười chiến dịch hủy diệt chế độ Đức Quốc xã

Chính những chiến dịch quy mô lớn này của quân đội Liên Xô đã quyết định thắng lợi của liên minh chống phát xít trước các nước phe 'Trục' trong Thế chiến II.

Năm 1944, Hồng quân Liên Xô tiến hành 10 chiến dịch tiến công chiến lược lớn, nhờ đó đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Liên bang Xô viết, đánh tan hơn 130 sư đoàn của kẻ địch. Trong khi đó, Bulgaria, Romania và Phần Lan chuyển sang ủng hộ liên minh chống Hitler, còn chế độ Đức Quốc xã đứng bên bờ vực sụp đổ hoàn toàn.

Đặc điểm nổi bật của các chiến dịch này là tốc độ tiến công thần tốc của Hồng quân, sự phối hợp hành động của tất cả các binh chủng lực lượng vũ trang, tính bất ngờ về tác chiến và chiến thuật, cũng như sự chuẩn bị hiệu quả về không quân và pháo binh.

Ngày 4-11-1944 tại Moscow, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 27 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin lần đầu tiên đề cập đến những chiến dịch này, gọi chúng là “những đòn đánh”. Kể từ đó, cách nói “10 đòn đánh của Stalin” bắt đầu trở nên phổ biến. Dưới đây là 10 chiến dịch lớn đó dẫn đến việc Đức Quốc xã bị hủy diệt.

1. Chiến dịch Leningrad-Novgorod (từ tháng 1 đến tháng 3-1944)

Quân đổ bộ tấn công ở khu vực làng Krasnoye. Ảnh: Boris Losin/Sputnik.

Quân đổ bộ tấn công ở khu vực làng Krasnoye. Ảnh: Boris Losin/Sputnik.

Sau khi phá thủng tuyến phòng ngự được chuẩn bị kỹ lưỡng của quân Đức ở ngoại ô Leningrad, quân đội Xô viết đã đẩy lùi kẻ địch ra xa 200-280km về phía Tây, qua đó dỡ bỏ hoàn toàn cuộc phong tỏa thành phố quan trọng thứ hai này của Liên Xô. Các tập đoàn quân số 16 và 18 thuộc Cụm Tập đoàn quân Phương Bắc của phát xít Đức chịu thất bại nặng nề và buộc phải tháo chạy về tuyến phòng thủ Panther nằm trên biên giới Estonia.

2. Chiến dịch Dnepr-Carpath (từ tháng 12-1943 đến tháng 4-1944)

Binh sĩ Phương diện quân số 2 Ukraine kiểm tra trang thiết chiếm được từ quân Đức trong các trận chiến. Ảnh: Israel Ozersky/Sputnik.

Binh sĩ Phương diện quân số 2 Ukraine kiểm tra trang thiết chiếm được từ quân Đức trong các trận chiến. Ảnh: Israel Ozersky/Sputnik.

Trận chiến hữu ngạn Ukraine đã trở thành một trong những trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô (1941-1945). Trong trận này có tới 4 triệu binh sĩ hai bên tham gia. Phần lớn cuộc tấn công của Hồng quân Liên Xô diễn ra trong điều kiện khó khăn, khi mùa Xuân gặp đường lầy lội khó đi do băng tan và thời tiết xấu kéo dài. Mặc dù vậy, quân đội Xô viết đã giải phóng phần lớn Ukraine và một phần ba lãnh thổ Moldova, cũng như tiến đến biên giới với Romania. Vì thất bại trong trận đánh này, Thống chế Erich von Manstein bị cách chức Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân Phương Nam của Đức Quốc xã.

3. Chiến dịch Odessa và Crimea (từ tháng 3 đến tháng 5-1944)

Thành phố Sevastopol sau khi được giải phóng, tháng 5-1944. Ảnh: Mil.ru.

Thành phố Sevastopol sau khi được giải phóng, tháng 5-1944. Ảnh: Mil.ru.

Nếu như năm 1941, quân đội Đức Quốc xã mất 250 ngày để chiếm căn cứ chủ lực Hạm đội Biển Đen của Liên Xô là thành phố Sevastopol, thì đến năm 1944, Hồng quân chỉ mất 3 ngày để giành lại nó. Việc giải phóng miền Nam Ukraine và Crimea giúp bảo đảm an toàn cho hai bên sườn của quân đội Xô viết khi đó đang tiến vào Romania, cũng như cho phép các tàu chiến quay trở lại căn cứ của mình trên bán đảo Crimea. Nhờ đó mà chẳng bao lâu sau, Hồng quân đã kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đen.

4. Chiến dịch Vyborg-Petrozavodsk (từ tháng 6 đến tháng 8-1944)

Quân đội Liên Xô tại Vyborg sau khi thành phố này được giải phóng. Ảnh: Yakov Ryumkin/Sputnik.

Quân đội Liên Xô tại Vyborg sau khi thành phố này được giải phóng. Ảnh: Yakov Ryumkin/Sputnik.

Mục đích chính của cuộc tấn công quy mô lớn ở Karelia vào tháng 6-1944 là để kéo Phần Lan ra khỏi cuộc chiến. Mặc dù quân địch đã tập trung hơn 70% lực lượng của mình vào eo đất Karelia, nhưng Hồng quân Liên Xô vẫn phá vỡ được hàng phòng ngự của chúng và chiếm được hai thành phố Vyborg và Petrozavodsk. Trước tình thế quân đội Xô viết tiến sâu vào lãnh thổ nước này, chính phủ Phần Lan bắt đầu tìm kiếm khả năng ký kết thỏa thuận hòa bình với Liên Xô.

5. Chiến dịch Belarus (từ tháng 6 đến tháng 8-1944)

 Chiến dịch mang tên “Bagration”. Ảnh: Arkady Shaikhet.

Chiến dịch mang tên “Bagration”. Ảnh: Arkady Shaikhet.

Trong chiến dịch tiến công Belarus mang tên “Bagration”, Hồng quân đã cho quân đội Đức Quốc xã thấy được thế nào là chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” theo kiểu của Liên Xô. Chiến dịch được chuẩn bị trong điều kiện tối mật đã gây bất ngờ hoàn toàn cho quân phát xít. Chỉ trong hai tháng chiến đấu, quân của ba mặt trận Liên Xô, bằng sự phối hợp hành động nhuần nhuyễn với nhau, đã tiến về phía Tây 600km, đánh tan Cụm Tập đoàn quân Trung tâm và giải phóng lãnh thổ Belarus, miền Đông Ba Lan và một phần khu vực Baltic.

6. Chiến dịch Lvov-Sandomierz (từ tháng 7 đến tháng 8-1944)

Hồng quân Liên Xô trên đường phố Lvov. Ảnh: Arkady Shaikhet.

Hồng quân Liên Xô trên đường phố Lvov. Ảnh: Arkady Shaikhet.

Kết quả của chiến dịch Lvov-Sandomierz là Cụm Tập đoàn quân Bắc Ukraine của Đức Quốc xã chịu thất bại nặng nề, 32 sư đoàn quân phát xít tổn thất tới 70% binh sĩ, 8 sư đoàn bị tiêu diệt hoàn toàn. Hồng quân đã giải phóng hoàn toàn Ukraine và cắt đứt liên lạc giữa Cụm Tập đoàn quân Phương Bắc và Cụm Tập đoàn quân Phương Nam của Đức, buộc kẻ địch lúc này chỉ có thể liên lạc theo đường vòng qua lãnh thổ Hungary và Tiệp Khắc.

7. Chiến dịch Yassy-Kishinev và Bucharest-Arad (từ tháng 8 đến tháng 10-1944)

Xe tăng Liên Xô trên đường phố Bucharest. Ảnh: Evgeny Khaldey/MDF.

Xe tăng Liên Xô trên đường phố Bucharest. Ảnh: Evgeny Khaldey/MDF.

Thất bại chí mạng của quân Đức tại Moldova và cuộc đột kích của Hồng quân vào Romania đã dẫn đến việc ngày 23-8-1944, Nhà vua Romania Mihai I tiến hành đảo chính, bắt giữ Nguyên soái Ion Antonescu và các thành viên chính phủ nước này. Romania sau đó chuyển sang phe liên minh chống Hitler và quân đội nước này đã giúp Phương diện quân số 2 Ukraine của Nguyên soái Rodion Malinovsky giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Romania khỏi quân Đức vào cuối tháng 10-1944.

8. Chiến dịch Baltic (từ tháng 9 đến tháng 11-1944)

Thành phố Riga sau khi được giải phóng. Ảnh: Nikolai Petrov/TASS.

Thành phố Riga sau khi được giải phóng. Ảnh: Nikolai Petrov/TASS.

Mặc dù sau chiến dịch tiến công Belarus mang tên “Bagration”, các binh sĩ Cụm Tập đoàn quân Phương Bắc đóng tại vùng Baltic đứng trước nguy cơ bị cô lập khỏi các lực lượng nòng cốt của Đức, nhưng Hitler vẫn ra lệnh giữ vững khu vực này đến cùng. Trong những trận đánh ác liệt, Hồng quân Liên Xô đã vượt qua các tuyến phòng thủ được bố trí sâu của đối phương, đặc biệt là ở khu vực Riga và trên các đảo thuộc quần đảo Moonsund. Ngày 10-10-1944, khi đưa quân đến bờ biển Baltic ở phía nam thành phố Klaipeda của Litva, quân đội Liên Xô đã chặt đứt Cụm Tập đoàn quân Phương Bắc của Đức Quốc xã ở phía Tây Latvia. Bị Hồng quân bao vây tại Courland, cụm quân địch chỉ còn tồn tại cho đến khi nước Đức đầu hàng và được các binh sĩ Liên Xô đặt cho một biệt danh hài hước là “trại tù binh vũ trang”.

9. Chiến dịch Đông Carpath và Belgrad (từ tháng 9 đến tháng 10-1944)

Cuộc tiến công của binh sĩ Phương diện quân số 3 Ukraine vào Belgrade. Ảnh tư liệu.

Cuộc tiến công của binh sĩ Phương diện quân số 3 Ukraine vào Belgrade. Ảnh tư liệu.

Đầu tháng 9-1944, Hồng quân Liên Xô đã phải tấn công vào dãy núi Carpath một cách vội vã và không có sự chuẩn bị thích hợp. Bởi khi đó, những người tham gia cuộc nổi dậy nổ ra ở Slovakia vào cuối tháng 8 đã đề nghị giúp đỡ. Mặc dù quân đội Xô viết không thể tiến đến và tiếp cận quân nổi dậy, nhưng vẫn đánh bại Cụm Tập đoàn quân Heinrici và chiếm được miền Đông Slovakia. Đồng thời, binh sĩ Phương diện quân số 3 Ukraina của Nguyên soái Fyodor Tolbukhin đã phối hợp với các binh đoàn của Quân Giải phóng Nhân dân Nam Tư đánh bật kẻ địch ra khỏi phần lớn lãnh thổ Nam Tư và ngày 20-10-1944 thì tiến vào Belgrade.

10. Chiến dịch Petsamo-Kirkenes (từ tháng 10 đến tháng 11-1944)

Quân đổ bộ vào thị trấn Pechenga ở vùng Murmansk. Ảnh: Robert Diament/MDF.!

Quân đổ bộ vào thị trấn Pechenga ở vùng Murmansk. Ảnh: Robert Diament/MDF.!

Tại vùng Cực Bắc của Liên Xô, quân Đức đã không thể giành được thắng lợi đáng kể nào trong suốt cuộc chiến. Tuy nhiên, đầu tháng 10-1944, chúng vẫn kiểm soát lãnh thổ của Liên Xô ở khu vực phía Tây Murmansk, nơi có con đường dẫn đến các mỏ đồng, niken và molypden tại những vùng phía Bắc của Na Uy và Phần Lan. Những mỏ quặng này là vô cùng quan trọng đối với Đức Quốc xã. Vượt qua các tuyến phòng ngự kiên cố của đối phương trong điều kiện địa hình hiểm trở, binh sĩ Phương diện quân Karelia của Tướng Kirill Meretskov, với sự hỗ trợ của các tàu chiến Hạm đội Phương Bắc và quân đổ bộ đường biển, đã giải phóng khu vực này khỏi kẻ địch và đến cuối tháng 10-1944 thì tiến vào lãnh thổ Na Uy.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/muoi-chien-dich-huy-diet-che-do-duc-quoc-xa-671868