Mỹ biến chiến trường Ukraine thành 'phòng thí nghiệm' vũ khí mới như thế nào?

Nhiều vũ khí mới do Mỹ sản xuất được trao cho Ukraine để tạo cơ hội 'thử nghiệm chiến đấu thực tế' cho những vũ khí này.

Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) của Mỹ đưa vào thử nghiệm ở chiến trường Ukraine đã bị tác chiến điện tử Nga vô hiệu hóa (Ảnh: Thepaper)

Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) của Mỹ đưa vào thử nghiệm ở chiến trường Ukraine đã bị tác chiến điện tử Nga vô hiệu hóa (Ảnh: Thepaper)

Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ quân sự, hàm lượng khoa học và công nghệ của nhiều loại vũ khí mới liên tục gia tăng. Làm thế nào để kiểm tra chính xác hiệu quả và độ ổn định của chúng trở thành một vấn đề quan trọng mà quân đội các nước phải đối mặt.

Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Mỹ đã tung nhiều loại vũ khí mới vào chiến trường để thử nghiệm trên thực tế, với mục đích thử nghiệm toàn diện khả năng hoạt động, đồng thời cung cấp dữ liệu thực tế quan trọng để cải tiến và hoàn thiện chúng. Chiến trường Ukraine đã trở thành "phòng thử nghiệm tác chiến" cho vũ khí Mỹ.

Mỹ mượn tay quân đội Ukraine thử nghiệm vũ khí

Trên thực tế, việc quân đội Mỹ đưa vũ khí mới vào chiến trường Ukraine để thử nghiệm không còn là điều bí mật. Trong nhiều cuộc chiến tranh cục bộ do Mỹ khởi xướng, quân đội Mỹ cũng có hành động tương tự và đưa nhiều trang thiết bị, công nghệ mới vào chiến trường để thử nghiệm. Đây cũng là cách phổ biến để Mỹ duy trì ưu thế lĩnh vực công nghệ quân sự trước các nước khác.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí hạng nặng mới, bao gồm hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS, xe tăng Abrams M1A1 và các thiết bị khác để thử nghiệm tính năng thực chiến và giá thành bảo trì.

Đồng thời, hệ thống "Starlink" cũng được đưa vào sử dụng trên chiến trường với chức năng được mở rộng để đạt được khả năng định vị, điều hướng, trinh sát, liên lạc…giải quyết vấn đề hiện tại là các vệ tinh quân sự Mỹ không thể bao phủ toàn bộ chiến trường Ukraine.

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS của Mỹ được trang bị cho Quân đội Ukraine (Ảnh: Thepaper).

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đưa các loại vũ khí mới vừa được phát triển và chưa từng sử dụng tới chiến trường Ukraine.

Theo danh sách tài liệu viện trợ quân sự được tiết lộ, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một loại đạn tuần kích (hay bom lảng vảng) có tên là "Phoenix Ghost" do Không quân Mỹ phát triển nhưng chưa được trang bị trên quy mô lớn và chủ yếu được sử dụng để giúp Ukraine ngăn chặn cuộc tấn công của Nga ở khu vực Donbass.

Đồng thời, Mỹ cũng đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mới trên chiến trường Ukraine, giúp nước này sử dụng camera từ máy bay không người lái để xác định mục tiêu trên chiến trường. Công nghệ này thuộc dự án AI có tên "Project Maven" được xây dựng dựa trên một thuật toán mạnh mẽ có thể xử lý hình ảnh từ vệ tinh, radar, thiết bị hồng ngoại và thậm chí cả phương tiện truyền thông xã hội lên một màn hình để giúp nhận dạng con người, thiết bị và hệ thống trên chiến trường. Công nghệ này giúp binh sĩ kết nối với hệ thống nhanh chóng xác định mục tiêu để tấn công.

Ngoài chiến trường Ukraine, Mỹ cũng tận dụng chiến tranh ở Trung Đông làm nơi kiểm định hiệu quả chiến đấu thực tế của vũ khí. Sau khi xung đột Hamas-Israel bùng nổ, quân đội Mỹ đã mạnh mẽ triển khai các tên lửa "SM- 2", " SM-6", "Sea Sparrow" và thậm chí cả tên lửa " SM-3" đánh chặn trên diện rộng từ Biển Đỏ đến Địa Trung Hải.

Tháng 2/2024, quân đội Mỹ đã tiến hành kiểm tra thực chiến tên lửa "SM-6" đánh chặn tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đỏ. Mới đây, trước cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran nhằm vào Israel, quân đội Mỹ đã lần đầu tiên trong lịch sử đưa tên lửa "SM-3" vào chiến đấu thực tế và đánh chặn thành công nhiều tên lửa đang bay tới.

Đạn pháo dẫn đường "Excalibur" từng rất được kỳ vọng nhưng đã bộc lộ hạn chế tại chiến trường Ukraine (Ảnh: Thepaper).

Vũ khí Mỹ thực chiến không như ý

Lầu Năm Góc đã gửi một số lượng lớn vũ khí mới đến chiến trường Ukraine và thông qua chiến đấu thực tế của quân đội Ukraine, họ đã nghiên cứu hiệu suất của các hệ thống vũ khí này khi sử dụng và xác minh khả năng sát thương thực tế cũng như ưu, nhược điểm của chúng.

Ví dụ, Lầu Năm Góc phát hiện ra rằng nhiều loại vũ khí tiên tiến của họ được Ukraine sử dụng trên tiền tuyến thường dễ bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga gây nhiễu và đánh lừa. Các vũ khí này bao gồm đạn pháo dẫn đường "Excalibur", bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) và tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS).

Hiệu quả chiến đấu của nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác này đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Tháng 3/2024, Tiến sĩ Daniel Patt, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Hudson của Mỹ, đã tiết lộ trong văn bản gửi lên Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng đạn pháo dẫn đường chính xác "Excalibur" khi lần đầu được đưa vào sử dụng ở Ukraine có tỷ lệ bắn trúng 70%. Tuy nhiên, sau 6 tuần lễ, do quân đội Nga điều chỉnh hệ thống tác chiến điện tử để can thiệp nên tỷ lệ bắn trúng giảm xuống chỉ còn 6%.

Nguyên nhân là do "Excalibur" dựa vào GPS để cải thiện độ chính xác; sau khi quân đội Nga gây nhiễu và đánh lừa tín hiệu GPS ở các khu vực liên quan, hiệu quả bắn trúng của đạn pháo đã giảm mạnh.

Ngoài ra, bom dẫn đường JDAM-ER của Mỹ cũng bị thiết bị tác chiến điện tử của Nga can thiệp. Loại bom này cũng sử dụng dẫn đường GPS nên rất dễ bị quân đội Nga gây nhiễu.

Nhiều loại máy bay không người lái do Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng dễ bị Nga can thiệp điện tử, đặc biệt là đạn tuần kích "Switchblade-300", đã được chứng minh là kém hiệu quả hơn mong đợi trong chiến đấu thực tế. Những sai sót chết người này bộc lộ qua thử nghiệm chiến đấu thực tế đã trở thành cơ sở quan trọng để quân đội Mỹ tối ưu hóa và cải tiến vũ khí trong tương lai.

Xe phóng và đạn của hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) lần đầu được sử dụng ở chiến trường Ukraine (Ảnh: Thepaper).

Vũ khí không phải “chìa khóa vạn năng” giải quyết chiến tranh

Qua chiến trường Ukraine, quân đội Mỹ đã nhận ra rằng dù vũ khí dẫn đường chính xác dù có hiện đại đến đâu, nếu không khắc phục được vấn đề chí mạng là dễ bị gây nhiễu điện tử thì sẽ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều này cho thấy không có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ chiến thắng trong các cuộc xung đột khu vực trong tương lai.

Bởi vậy, Mỹ đã bắt đầu đẩy mạnh việc "vá sửa" dựa trên những sai sót, điểm yếu mà các loại vũ khí mới này bộc lộ trên chiến trường. Theo Defense News, Lầu Năm Góc gần đây đã phân bổ số tiền khổng lồ để phát triển thiết bị tác chiến điện tử tiên tiến và thiết bị chống nhiễu, bao gồm cả việc ký kết thỏa thuận mã hóa quân sự GPS trị giá 318 triệu USD với BAE Systems và mua một hệ thống định vị và dẫn đường chiến trường cầm tay thế hệ mới của công ty TRX Systems.

Đồng thời, Lục quân Mỹ cũng đang phát triển một loại thiết bị gây nhiễu mới có thể lắp trên xe bọc thép "Stryker" hoặc mang trên lưng binh sĩ để giải quyết vấn đề gây nhiễu điện tử.

Không quân Mỹ cũng đang tích cực mua sắm thiết bị mới, trong đó có một thiết bị bổ sung cho phép bom JDAM-ER chống lại hiện tượng gây nhiễu GPS. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng đang bổ sung các tổ hợp tác chiến điện tử mới cho các tàu chiến không người lái trên mặt nước để đối phó với môi trường chiến trường ngày càng phức tạp.

Ngoài các loại vũ khí và thiết bị đã được đưa vào sử dụng trên chiến trường Nga-Ukraine, Mỹ cũng đang phát triển mạnh mẽ các loại vũ khí khái niệm mới như nhiều loại robot chiến đấu tự hành và máy bay không người lái mới, đồng thời có nhu cầu cấp thiết về kiểm nghiệm thực chiến các loại vũ khí liên quan. Nếu không được thử nghiệm qua chiến đấu thực tế, những loại vũ khí này sẽ không thể đưa vào sản xuất hàng loạt.

Đạn tuần kích "Switchblade" nhanh chóng bị rút khỏi chiến trường do hiệu quả không như kỳ vọng (Ảnh: Thepaper).

Nhìn chung, việc quân đội Mỹ đưa vũ khí mới vào chiến trường đã trở thành một cách quan trọng để họ kiểm tra hiệu suất vũ khí và cải thiện khả năng tác chiến. Điều này có tác động mạnh mẽ đến chiến tranh, công nghệ và quan hệ quốc tế trong tương lai.

Tuy nhiên, vũ khí mới không phải là "chìa khóa" để giải quyết các vấn đề chiến tranh. Chiến tranh không phải là cuộc cạnh tranh đơn giản giữa vũ khí và công nghệ mà bản chất là đấu tranh giành lợi ích và giải quyết xung đột, liên quan đến chiến lược, chiến thuật, nhân sự, vật liệu...Nếu bỏ qua những lý do cơ bản đằng sau chiến tranh và chỉ dựa vào vũ khí, công nghệ để giải quyết vấn đề, cuối cùng có thể rơi vào những rắc rối sâu sắc hơn.

Theo Thepaper

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/my-bien-chien-truong-ukraine-thanh-phong-thi-nghiem-vu-khi-moi-nhu-the-nao-post175071.html