Mỹ giáng đòn chí mạng, một nguồn thu của Nga điêu đứng

'Pháo đài kinh tế' của Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể trước sự tấn công dữ dội của các lệnh trừng phạt của phương Tây. Hơn hai năm sau khi Điện Kremlin đưa quân tới Ukraine, nước này vẫn có khả năng tiếp tục tài trợ cho một cuộc chiến tốn nhiều tiền bạc. Tuy nhiên, một lĩnh vực then chốt của Nga được cho là khó có thể trụ vững trước những đòn giáng của Mỹ và đồng minh.

Mỹ quyết tâm triệt hạ LNG của Nga

Nga từ lâu đã tìm cách tăng thị phần khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu, với tham vọng tăng sản lượng LNG lên gấp ba lần vào năm 2030 và tăng thêm ít nhất 35 tỷ USD doanh thu hàng năm.

Nga hiện là nước xuất khẩu LNG lớn thứ tư trên toàn cầu với dự án khí tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 ở Bắc Cực là một phần quan trọng trong kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu để bổ sung tiền cho ngân khố. Dự án dự kiến sẽ sản xuất 19,8 triệu tấn LNG mỗi năm khi cả ba dây chuyền hóa lỏng đi vào hoạt động.

Các biện pháp trừng phạt LNG được thiết kế để ngăn chặn hoạt động kinh doanh sinh lợi của Moscow, giúp vận chuyển hàng hóa năng lượng của nước này đi khắp thế giới.

Tuy nhiên, những hạn chế gần đây của Mỹ đối với Arctic LNG 2 đang cản trở tham vọng tiến xa hơn của nước này. Hiện mới chỉ có dây chuyền đầu tiên với công suất 6,6 triệu tấn/năm được hoàn thành, nhưng vì thiếu tàu chở LNG phá băng do tác động của các lệnh trừng phạt, khiến hoạt động sản xuất gần như dừng lại vào tháng 2.

Theo những người am hiểu chiến lược, Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng bắt đầu chuyển sự chú ý sang việc làm tê liệt các kế hoạch mở rộng LNG của Nga vào năm 2023. Các quan chức của hội động đã hợp tác với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ để chọn mục tiêu, cuối cùng tập trung vào dự án LNG 2 ở Bắc Cực.

Giờ đây, như một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm ngăn chặn Nga phát triển bất kỳ dự án năng lượng mới nào có thể đóng góp doanh thu đáng kể, Mỹ muốn đảm bảo liên doanh ở Bắc Cực “chết chìm trong nước”, như ông Geoffrey Pyatt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Tài nguyên Năng lượng, đã phát biểu tại một hội nghị vào tháng trước.

Có nhiều lý do chính đáng để các quan chức Nhà Trắng nhắm mục tiêu vào cơ sở do chính phủ Nhật Bản, các công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc và TotalEnergies của Pháp đồng sở hữu. Mặc dù chắc chắn sẽ khiến các đồng minh quan trọng khó chịu, nhưng việc đóng băng LNG 2 ở Bắc Cực vừa có thể khiến Moscow thiệt hại trong khi chỉ gây ra những gợn sóng hạn chế trên thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu.

Ông Malte Humpert, người sáng lập Viện nghiên cứu Bắc cực tại Washington, nhận định: “Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang hoạt động hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên. Họ thực sự đang đi trước xu hướng. Họ đã chặn LNG 2 của Bắc Cực trước khi nó bắt đầu sản xuất, chặn các tàu trước khi chúng có thể được giao”.

Châu Âu hưởng ứng

Giờ đây, ngay cả Liên minh châu Âu (EU), vốn phụ thuộc vào LNG của Nga, cũng sắp giáng đòn trừng phạt triệt để vào khí LNG của Nga. Châu Âu không hoàn toàn cấm nhiên liệu, nhưng các cuộc thảo luận của khối báo hiệu rằng khí đốt không còn nằm ngoài giới hạn trừng phạt khi chiến sự đã bước sang năm thứ ba.

Các nguồn thạo tin cho hay Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng ban hành lệnh cấm đối với các cảng EU bán lại LNG của Moscow. Điều đó quan trọng vì các nhà máy LNG của Nga ở khu vực Bắc Cực đặc biệt xa xôi nên nhiên liệu thường được chuyển đến Bỉ hoặc Pháp trước tiên để tái xuất khẩu sang châu Á hoặc một cảng châu Âu khác. Việc hạn chế hoạt động này sẽ đẩy đội tàu vận tải của Nga gặp khó khăn trong khâu vận chuyển.

Ủy ban cũng sẽ yêu cầu hạn chế đối với ba dự án LNG sắp tới của Nga. Các biện pháp này sẽ là một phần của gói trừng phạt thứ 14 của EU lên Nga kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.

Cho đến nay, Ủy ban đã chống lại việc xử phạt LNG bất chấp các yêu cầu liên tục từ các nước vùng Baltic và Ba Lan. Tuy nhiên, đề xuất mới dường như đang nhanh chóng nhận được sự ủng hộ chính trị. Áp lực cũng đang gia tăng đối với các nước EU trong việc thắt chặt các hình phạt đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Nga loay hoay ứng phó

Nga nắm giữ thị phần khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, với khoảng 20% trữ lượng đã được chứng minh, nhưng nước này cần biến số năng lượng này thành doanh thu. Khi các đường ống mới không được xây dựng đủ nhanh để định tuyến lại hoạt động bán hàng, chỉ còn lại LNG là thứ mà chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác định là tương lai của nhiên liệu.

Arctic LNG 2 không phải là dự án đầu tiên bị hạn chế và các hạn chế về chuyển giao công nghệ và thiết bị thăm dò hydrocarbon từ năm 2014 đã thúc đẩy một số giải pháp thay thế tại Nga.

Tuy nhiên, ngay cả chính phủ Nga cũng đang bắt đầu nhận ra quy mô của thách thức khi các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng và cần nhiều thời gian để nhân rộng công nghệ.

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt lệnh trừng phạt đối với cơ sở LNG 2 ở Bắc Cực vào năm ngoái, người mua ở Trung Quốc và Ấn Độ, những nơi đã mua và giao dịch dầu của Nga, đã từ chối mua LNG ngay cả khi giá giảm.

Ngay cả các công ty đóng tàu cũng đang gặp khó khăn, với những con tàu trị giá hàng trăm triệu USD hiện đang mắc kẹt tại các bến tàu ở Hàn Quốc. Không ai có thể mua hoặc thuê chúng. Trong khi đó, khí LNG vẫn bị mắc kẹt tại cơ sở sản xuất.

Không giống như xuất khẩu dầu, vốn vẫn tiếp tục được lưu chuyển bất chấp giá trần và những hạn chế khác với sự trợ giúp từ một “hạm đội bóng tối”, việc vận chuyển LNG yêu cầu nhiều yếu tố khắt khe hơn do công nghệ phức tạp để vận chuyển loại siêu nhiên liệu này.

Theo Financial TImes

Các biện pháp trừng phạt LNG được thiết kế để ngăn chặn hoạt động kinh doanh sinh lợi của Moscow, giúp vận chuyển hàng hóa năng lượng của nước này đi khắp thế giới.

Mộc An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/my-giang-don-chi-mang-mot-nguon-thu-cua-nga-dieu-dung-d110349.html