Mỹ sắp tổ chức thượng đỉnh ba bên, sẽ có thêm một thế 'kiềng ba chân' trong quan hệ quốc tế?

Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Philippines sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Mỹ vào giữa tháng 4 này. Có nhiều ý nghĩa đằng sau sự kiện lần đầu tiên này, đặc biệt nó kết nối lợi ích quan trọng của cả ba bên ở thời điểm hiện tại.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ với Nhật và Philippines sẽ được tổ chức vào ngày 11/4 tại Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Biển Đông là một điểm nhấn

Theo tờ Nikkei Shimbun ngày 20/3, Nhật Bản, Mỹ và Philippines sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên vào ngày 11/4 tới nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tập trận chung.

Chính phủ các nước Nhật-Mỹ-Philippines công bố nội dung trên vào ngày 19/3. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ và tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Joe Biden tại Washington vào ngày 10/4. Ông Biden sẽ mời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và lãnh đạo của ba nước nói trên gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 11/4.

Nikkei Shimbun nhận định việc xây dựng một “nhóm có cùng chí hướng” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với cốt lõi là liên minh Nhật-Mỹ và “không thể lay chuyển” ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền là rất cần thiết vào lúc này, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những động thái hung hăng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong một tuyên bố ngày 18/3 (theo giờ Mỹ), Thư ký báo chí Nhà trắng Jean Pierre nhấn mạnh: “Ba nước sẽ thúc đẩy hợp tác dựa trên tầm nhìn chung và cam kết mạnh mẽ đối với các giá trị chung của nền dân chủ”.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nêu rõ trong cuộc họp báo ngày 19/3 rằng: “Việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các quốc gia có cùng quan điểm như Philippines với liên minh Nhật-Mỹ làm nòng cốt, là điều cần thiết để duy trì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực”.

Theo Nikkei Shimbun, tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, ba nước dự kiến trao đổi quan điểm về việc tăng cường tập trận chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với quân đội Mỹ và Philippines, củng cố chuỗi cung ứng các vật liệu quan trọng cũng như hợp tác trong lĩnh vực khử carbon.

Ngoài ra, ba nước cũng chú ý đến tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Ba nước tổ chức cuộc gặp cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tại Tokyo vào ngày 21/3 để hoàn thiện chương trình nghị sự.

Nikkei Shimbun nhận địnhrằng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Biden đã thiết lập một khuôn khổ hợp tác, có thể gọi là “tiểu đa phương” với các lãnh đạo của một số ít quốc gia đồng minh. Theo đó, hệ thống hợp tác sẽ được thiết lập trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, an ninh kinh tế, quản lý các nguồn tài nguyên khan hiếm và ứng phó trước các cuộc tấn công mạng.

Vào tháng 8/2023, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã được mời tới khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ (Trại David) để dự hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ-Hàn. Bên cạnh cơ chế hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn, còn có một số cơ chế hợp tác khác như Nhóm Bộ tứ (Mỹ-Nhật-Ấn-Australia), AUKUS (Mỹ-Anh-Australia) hay khuôn khổ hợp tác ba bên Nhật-Mỹ-Australia cũng đã và đang được củng cố.

Theo Nikkei Shimbun, Hội nghị thượng đỉnh ba bên Nhật-Mỹ-Philippines tới đây sẽ là một phần mở rộng của “vòng tròn các quốc gia có cùng chí hướng”. Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh của Mỹ và được định vị là những quốc gia có cùng chí hướng, trong đó Mỹ đóng vai trò trung tâm.

Siết chặt những vòng tay

Nhật Bản, Mỹ và Philippines đã thúc đẩy các cơ hội đối thoại khi cuộc họp của ngoại trưởng ba nước được tổ chức vào tháng 7/2023 và hai tháng sau đó (tháng 9/2023), Thủ tướng Kishida, Tổng thống Marcos Jr. và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Indonesia.

Thủ tướng Nhật Bản đã đến thăm Philippines vào tháng 11/2023 và hội đàm với Tổng thống Marcos Jr. nhằm tăng cường hợp tác. Nhật Bản đã quyết định cung cấp radar giám sát bờ biển miễn phí cho Philippines thông qua chương trình Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA). Tiếp đó, hai bên đã nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao-Quốc phòng (Đối thoại 2+2) vào năm 2024.

Tổng thống Marcos Jr. đã đến thăm Australia vào tháng 2/2024 và hội đàm với Thủ tướng Anthony Albanese. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia, ông Marcos Jr. nhấn mạnh “Philippines kiên quyết phản đối và chống lại những hành động phá hoại hòa bình, làm xòi mòn sự ổn định và đe dọa tới thành công của khu vực”. Ngoài cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng Australia-Philippines được tổ chức hằng năm, bốn quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Australia và Philippines cũng tổ chức cuộc họp bộ trưởng quốc phòng đầu tiên trong năm 2023.

Nikkei Shimbun cho rằng, mặc dù nhiệm kỳ của Tổng thống Marcos Jr. kéo dài đến năm 2028, nhưng ở trong nước ông vẫn phải đối mặt với một số khó khăn nội bộ. Trong khi đó, Mỹ cũng đang trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 với cuộc tái đấu giữa đương kim Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Nếu ông Trump giành chiến thắng, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Biden có nguy cơ bị đảo ngược.

Trong bối cảnh Mỹ đang phải tập trung ứng phó với cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình hình “có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát” ở Trung Đông, một số người lo ngại rằng “khoảng trống quyền lực” có thể sẽ được tạo ra ở khu vực châu Á.

Nikkei Shimbun trích phát biểu của một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản trước báo giới: “Chúng ta cần mở rộng hợp tác với các quốc gia có chung các giá trị”. Như vậy, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là phải khẩn trương xây dựng một cơ chế để duy trì sự hợp tác giữa các đồng minh và các nước có cùng chí hướng ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền.

"Cam kết sắt đá"

Theo AFP, trong bối cảnh căng thẳng Manila-Bắc Kinh ở Biển Đông gia tăng, Mỹ tái khẳng định cam kết bảo vệ Philippines theo hiệp ước phòng thủ chung.

"Chúng tôi sát cánh cùng Philippines và tuân thủ các cam kết sắt đá của mình, trong đó có nghĩa vụ theo Hiệp ước Phòng thủ chung", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo tại Manila ngày 19/3.

Ông Blinken cho biết, Mỹ và Philippines chia sẻ quan ngại về các hành động của Trung Quốc "đe dọa tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", trong đó có khu vực Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho rằng các hành động gần đây của Trung Quốc như xịt vòi rồng, cho tàu chạy cắt mặt, bám sát tàu công vụ Philippines ở Biển Đông đã "vi phạm luật quốc tế cùng các quyền của Philippines".

Ngoại trưởng Blinken cho hay theo Hiệp ước Phòng thủ chung năm 1951, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Philippines nếu quân nhân, tàu hay phi cơ của nước này bị tấn công vũ trang ở bất cứ khu vực nào trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ-Philippines mô tả liên minh theo hiệp ước giữa hai nước đang trên đà phát triển, nhưng thừa nhận cần hành động nhiều hơn. Hai nước khẳng định việc tăng cường quan hệ quốc phòng không nhằm mục đích chống lại bất kỳ quốc gia nào.

(theo Nikkei Shimbun)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-sap-to-chuc-thuong-dinh-ba-ben-se-co-them-mot-the-kieng-ba-chan-trong-quan-he-quoc-te-265056.html