Năm 2023 thế giới mất đi diện tích rừng rộng bằng nước Bhutan

Mỗi phút trong năm 2023, thế giới mất đi một diện tích rừng nguyên sinh tương đương 10 sân bóng đá, một nghiên cứu toàn cầu công bố ngày 4.4 nêu.

Tổng diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh bị mất trong năm 2023 là 3,7 triệu ha. Ảnh: AFP

Tổng diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh bị mất trong năm 2023 là 3,7 triệu ha. Ảnh: AFP

Những con số đáng báo động

Tổng cộng, trong năm 2023, diện tích rừng nhiệt đới nguyên sinh bị mất là 3,7 triệu ha, tương đương diện tích của Bhutan. Con số này giảm 9% so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao và tương đương với con số của năm 2021 và 2019. Rừng nguyên sinh được định nghĩa là rừng còn tồn tại ở trạng thái ban đầu.

Nghiên cứu của Global Forest Watch của Viện Tài nguyên Thế cho thấy, diện tích rừng giảm đáng kể ở Brazil và Colombia, được bù lại bằng sự gia tăng diện tích rừng ở Indonesia, Lào và Bolivia, cùng các quốc gia khác.

Con số trên thực sự đáng báo động vì rừng nhiệt đới nguyên sinh được coi là lá phổi sống quan trọng của thiên nhiên, hấp thụ một lượng lớn carbon dioxide (CO2) – loại khí thải là tác nhân gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Rừng rậm nhiệt đới cũng đóng vai trò điều hòa khí hậu khu vực và địa phương. Ngoài ra, rừng còn cung cấp nguồn lương thực và sinh kế cho hàng triệu người và là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho các dòng sông.

Bất chấp nhiều lợi ích, những khu rừng này đang bị chặt phá ở mức báo động để phục vụ mục đích nông nghiệp, khai thác mỏ, đường sá và đô thị hóa. Điều này bất chấp cam kết của hơn 140 quốc gia vào năm 2021 nhằm ngăn chặn tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030.

Nghiên cứu hàng năm sử dụng dữ liệu vệ tinh để tính toán tình trạng rừng bị tàn phá do phát quang, cháy rừng hoặc các nguyên nhân khác. Các nhà khoa học liên quan chủ yếu tập trung vào việc mất rừng nguyên sinh nhiệt đới vì hầu hết nạn phá rừng đều diễn ra ở vùng nhiệt đới.

2,4 tỷ tấn carbon không được hấp thu

Bà Mikaela Weisse, Giám đốc của Global Forest Watch, phát biểu trong một cuộc họp báo: “Những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới đại diện cho một số hệ sinh thái quan trọng nhất cần bảo vệ nhằm giảm thiểu phát thải carbon và mất đa dạng sinh học”. Bà cho biết với diện tích rừng nguyên sinh bị mất trong năm 2023, có khoảng 2,4 tỷ tấn CO2, đã bị thải vào không khí, tương đương gần một nửa lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch của Hoa Kỳ. Điều này làm nổi bật yếu tố khí hậu trong việc bảo vệ rừng nhiệt đới.

Rừng đóng vai trò như lá phổi xanh hấp thu lượng lớn khí CO2. Ảnh: S.Y. Maezumi

Rừng đóng vai trò như lá phổi xanh hấp thu lượng lớn khí CO2. Ảnh: S.Y. Maezumi

Brazil ghi nhận tỷ lệ mất rừng nguyên sinh giảm 36% kể từ khi Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva lên nắm quyền. Ông Lula đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ rừng, công nhận các vùng lãnh thổ bản địa mới và tăng cường việc thực thi quy định về bảo vệ rừng.

Ở Colombia, tỷ lệ mất rừng nguyên sinh đã giảm 49%. Bà Weisse chỉ ra rằng các cuộc đàm phán hòa bình của Tổng thống Gustavo Petro với các nhóm vũ trang khác tập trung vào bảo tồn rừng là một mục tiêu rõ ràng.

Tuy nhiên, những tiến bộ này phần nào đã bị lu mờ bởi tình trạng mất rừng ở những nơi khác, diện tích rừng bị tàn phá tăng 27% ở Bolivia, quốc gia ghi nhận tỷ lệ mất rừng nguyên sinh cao thứ ba trong năm 2023. Hỏa hoạn và mở rộng nông nghiệp là những nguyên nhân chính.

Tại Lào, diện tích rừng nhiệt đới bị mất đã tăng 47%, lên 136.533 ha vào năm 2023 từ mức 93.089 ha vào năm 2022.

Bà Elizabeth Goldman, giám đốc nghiên cứu cấp cao của Global Forest Watch, cho biết: “Mất rừng nguyên sinh ở Lào chủ yếu là do mở rộng diện tích đất nông nghiệp, một phần là do nhu cầu và đầu tư vào nông nghiệp của Trung Quốc”.

Nông nghiệp và khai thác mỏ cũng là nguyên nhân một phần gây ra tình trạng mất rừng nhiệt đới ở Indonesia tăng 27% lên chỉ hơn 290.000ha, gấp 4 lần diện tích Singapore.

Ông Rod Taylor, giám đốc lâm nghiệp tại Viện Tài nguyên Thế giới, nói với The Straits Times: “Khoảng 15% diện tích rừng bị mất ở Indonesia vào năm 2023 là trên các khu đất rộng hơn 100ha cùng với các đồn điền trồng dầu cọ và gỗ làm bột giấy hiện có”.

Ông nói: “Tuy nhiên, phần lớn thiệt hại xảy ra ở những khu vực nhỏ hơn, nơi rất khó xác định nguyên nhân duy nhất”. Ông nói thêm rằng mặc dù là năm El Nino nhưng các vụ cháy rừng chỉ gây ra 5% diện tích rừng nguyên sinh bị mất ở Indonesia trong năm 2023.

Tuy nhiên, trong tương lai, có những lo ngại rằng trọng tâm của chính quyền sắp tới của ông Prabowo Subianto là thúc đẩy sản xuất dầu diesel sinh học và mở rộng các khu vực nông nghiệp thực phẩm có thể dẫn đến việc giải phóng mặt bằng nhiều hơn, một số nhà bình luận cho biết.

Trên toàn cầu, tỷ lệ mất độ che phủ của cây tăng 24% vào năm 2023 so với năm 2022 do cháy rừng lớn ở Canada. Nếu không tính Canada, tỷ lệ mất độ che phủ cây toàn cầu đã giảm 4%.

Canada đã mất 7,8 triệu ha diện tích cây xanh do cháy rừng vào năm 2023, gấp ba lần so với bất kỳ năm nào trước đó, phần lớn là do hạn hán gay gắt và nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu.

Làm thế nào để giảm tỷ lệ mất rừng

Điểm mấu chốt của dữ liệu năm 2023 có nghĩa là “các quốc gia có thể giảm tỷ lệ mất rừng khi họ tập trung được ý chí chính trị để làm điều đó”, ông Taylor nói trong cuộc họp báo. Nhưng tiến bộ có thể bị đảo ngược khi làn gió chính trị thay đổi.

Ông nói: “Vì vậy, để bảo đảm duy trì tỷ lệ mất rừng thấp, nền kinh tế toàn cầu cần tăng giá trị của rừng so với lợi ích ngắn hạn từ việc phá rừng làm trang trại, hầm mỏ hoặc đường sá mới”.

Theo ông, chính sách này phải đi kèm với các biện pháp khen thưởng thành tích bảo vệ và phục hồi rừng bằng cách định giá rừng dựa trên lượng carbon mà hấp thu, nguồn nước mà chúng điều tiết hoặc sự đa dạng sinh học của chúng, đồng thời đảm bảo quyền của người dân bản địa và cộng đồng địa phương sống trong và xung quanh rừng.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, các nhóm bản địa là những người bảo vệ rừng thành công.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nam-2023-the-gioi-mat-di-dien-tich-rung-rong-bang-nuoc-bhutan-i365232/