Nam Định: Sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng trưởng

Từ đầu năm tới nay, Nam Định luôn nằm trong top tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước.

Tăng trưởng 2 con số

Số liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 của Nam Định tăng 6,76% so với tháng trước và tăng 12,39% so với cùng kỳ năm 2023.

So với tháng trước, ngành khai khoáng tăng 3,20%; ngành chế biến, chế tạo tăng 6,87%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,55%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,55%.

4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ 2019 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,57%, đóng góp 13,17 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,78%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,84%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 13,75%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm.

Một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,92%; dệt tăng 12,00%; sản xuất trang phục tăng 8,79%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,15%; chế biến gỗ và sản xuất sản xuất từ gỗ, tre, nứa tăng 15,77%.

Một số ngành công nghiệp của Nam Định có mức tăng khá trong 4 tháng đầu năm 2024

Số liệu thống kê cũng cho thấy, một số sản phẩm 4 tháng đầu năm có khối lượng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Vải các loại tăng 16,57%; quần áo may sẵn tăng 9,16%; giày, dép tăng 21,28%; sản phẩm mây tre đan các loại tăng 11,92%; sản phẩm in tăng 26,37%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 14,67%.

Tỷ lệ thuận với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, chỉ số tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp của Nam Định cũng khá ổn.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2024 tăng 1,40% so với tháng trước và tăng 6,91% so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng: Sản xuất trang phục tăng 8,84%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 93,89%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/4/2024 tăng 14,48% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 25,74%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân ngành giảm 42,45%.

Cùng đó, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 7,44% so với cùng kỳ năm 2023. 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Loại hình doanh nghiệp nhà nước giảm 21,14%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,14% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,61%.

Chủ động hoàn thiện hạ tầng công nghiệp

Được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp trong quá khứ, Nam Định có nền tảng tốt cho phát triển các ngành công nghiệp, trong đó dệt may, cơ khí là những điển hình. Để tiếp tục phát huy truyền thống này, Nam Định đã có những định hướng cụ thể trong việc lựa chọn thu hút đầu tư các dự án công nghiệp với công nghệ tiên tiến, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, đảm bảo môi trường, an sinh xã hội…

Đặc biệt, Nam Định đang tích cực phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng 6 khu công nghiệp trên địa bàn gồm: Khu công nghiệp Hải Long, huyện Giao Thủy; khu công nghiệp Thịnh Tân, huyện Giao Thủy; khu công nghiệp Nam Hồng, huyện Nam Trực; khu công nghiệp Thượng Thành, huyện Xuân Trường; khu công nghiệp Minh Châu, huyện Nghĩa Hưng; khu công nghiệp Lạc Xuân, huyện Giao Thủy.

Liên quan đến 6 khu công nghiệp này, trước đó, UBND tỉnh Nam Định cũng có văn bản gửi Sở Xây dựng và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh về việc lập quy hoạch xây dựng 6 khu công nghiệp. Trong đó, khu công nghiệp Hải Long quy mô khoảng 1.100ha, khu công nghiệp Thịnh Tân quy mô khoảng 400ha, khu công nghiệp Nam Hồng quy mô khoảng 200ha, khu công nghiệpThượng Thành quy mô khoảng 395 ha, khu công nghiệp Minh Châu quy mô khoảng 300ha và khu công nghiệp Lạc Xuân, quy mô khoảng 210ha. Nguồn vốn lập quy hoạch từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc lập quy hoạch xây dựng 6 khu công nghiệp này là nhằm từng bước cụ thể hóa thực hiện quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các bộ, ngành để hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ nhằm kiến tạo thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là khu kinh tế được định hướng phát triển trở thành khu vực tạo động lực thúc đẩy, mang tính đột phá của tỉnh Nam Định và vùng Đồng bằng sông Hồng theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, gồm: Khu đô thị, khu công nghiệp, khu cảng, khu dịch vụ hậu cần cảng, khu du lịch.

Bên cạnh việc phát triển khu công nghiệp với các dự án quy mô lớn, phát triển cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sản xuất cho tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cũng là công tác được Nam Định chú ý.

Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, thu hút dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, bà Vũ Thị Kim- Giám đốc Sở Công Thương Nam Định đã đề nghị: Bộ Công Thương sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về Quản lý phát triển cụm công nghiệp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư.

Ngoài ra, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể về việc bàn giao tài sản cụm công nghiệp được làm từ ngân sách Nhà nước cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để quản lý sửa chữa phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp”, bà Kim cho hay.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-dinh-san-xuat-cong-nghiep-tiep-da-tang-truong-317408.html