Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường học

Ngoại ngữ được ví là “chìa khóa vàng” để hội nhập quốc tế. Thành phố đã đầu tư cho các đơn vị trường học trang bị thiết bị dạy học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên ngoại ngữ theo hướng chuẩn hóa, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo môi trường học tập để học sinh phát huy khả năng sử dụng ngoại ngữ.

Triển khai Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 29/3/2018 của UBND tỉnh Sơn La về thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2018-2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trường học rà soát điều kiện thực tiễn đội ngũ giáo viên ngoại ngữ để tham mưu bổ sung biên chế giáo viên môn tiếng Anh; xây dựng kế hoạch mở rộng triển khai chương trình tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2, tăng cường tiếng Anh cho các khối lớp 3, lớp 4, lớp 5 ở các trường đủ điều kiện và chương trình dạy, học ngoại ngữ cho học sinh cấp THCS.

Hàng năm, thành phố bổ sung biên chế giáo viên tiếng Anh cho các trường đáp ứng điều kiện tổ chức dạy và học ngoại ngữ. Tổ chức các lớp tập huấn và tạo điều kiện cho giáo viên tiếng Anh tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ. Hiện nay, Thành phố có 78 giáo viên tiếng Anh cơ bản đáp ứng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn. Trong đó, tỷ lệ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định đạt 97,7%.

Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Chiềng Đen, Thành phố.

Một tiết học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Chiềng Đen, Thành phố.

Từ năm 2022 đến nay, Trường tiểu học Chiềng Đen được bổ sung 2 biên chế giáo viên tiếng Anh. Cô giáo Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Nhà trường phân công giáo viên dạy ngoại ngữ cho trên 300 học sinh khối lớp 3, lớp 4 đảm bảo số tiết, kiến thức truyền tải. Năm học tới, nhà trường mở rộng đối tượng học tiếng Anh đối với học sinh lớp 5.

Các nhà trường ưu tiên bố trí, sắp xếp bổ sung phòng học tiếng Anh, huy động các nguồn lực xã hội hóa nâng cấp, mua sắm thiết bị hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ. Đến nay, 100% các trường có cấp tiểu học và trường có cấp THCS bố trí phòng học tiếng Anh, trang bị máy chiếu, tivi thông minh, thiết bị âm thanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy; 3 trường THCS được trang bị phòng học tiếng Anh đa phương tiện (MULTIMEDIA).

Phòng học tiếng Anh của Trường tiểu học Chiềng Lề trang bị màn hình tương tác thông minh.

Phòng học tiếng Anh của Trường tiểu học Chiềng Lề trang bị màn hình tương tác thông minh.

Năm học 2023-2024, Trường tiểu học Chiềng Lề đưa vào sử dụng 2 phòng học tiếng Anh và đầu tư mới 1 phòng học tiếng Anh thông minh. Cô giáo Phạm Vân Anh chia sẻ: Phòng học chức năng được trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ cơ bản, nên giáo viên không còn phải vất vả chuẩn bị và mang theo nhiều thiết bị hỗ trợ việc giảng dạy như trước. Đồng thời, giúp giáo viên dễ dàng xây dựng bài sinh động, đa dạng, tăng khả năng tương tác giữa cô và trò.

Năm học 2022-2023, Thành phố có tỷ lệ học sinh học tiếng Anh ở tất cả các cấp học đều tăng so với năm học trước. Cụ thể, học sinh lớp 1, lớp 2 học tiếng Anh tự chọn tăng 26,6%; học sinh lớp 3 học tiếng Anh bắt buộc tăng 100%; học sinh lớp 4, lớp 5 học tiếng Anh bắt buộc tăng 44,7%; học sinh lớp 6, lớp 7 học tiếng Anh bắt buộc tăng 100% và học sinh lớp 8, lớp 9 học tiếng Anh hệ 10 năm tăng 21,7% so với năm học 2021-2022. Chất lượng dạy và học ngoại ngữ nâng lên, thể hiện qua các cuộc thi trên Internet, kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Ngoại khóa tiếng Anh cho học sinh Trường tiểu học Ngọc Linh, Thành phố

Ngoại khóa tiếng Anh cho học sinh Trường tiểu học Ngọc Linh, Thành phố

Việc dạy, học ngoại ngữ trong các nhà trường còn nhận được sự đồng thuận của đa số phụ huynh học sinh trong việc xã hội hóa, phối hợp với các Trung tâm Anh ngữ được cấp phép trên địa bàn tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh và dạy học tăng cường tiếng Anh trong nhà trường. Năm 2022, Thành phố có 33/45 trường phối hợp, liên kết với các trung tâm ngoại ngữ triển khai chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh; triển khai môn tiếng Anh tự chọn đối với lớp 1, lớp 2; tổ chức các sân chơi tiếng Anh; tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Anh cho học sinh...

Ông Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, cho biết: Phòng đang chỉ đạo các trường học rà soát, đề xuất tham mưu bổ sung giáo viên tiếng Anh còn thiếu, mua sắm bổ sung các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ưu tiên bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho giáo viên tiếng Anh. Khuyến khích các đơn vị trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa cho trẻ mầm non được làm quen với tiếng Anh, học sinh lớp 1, lớp 2 được học tiếng Anh tự chọn.

Việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thu hút sự quan tâm của các cấp quản lý, cha mẹ học sinh và sự tham gia tích cực của học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, Thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, truyền thông, hợp tác, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, phát động phong trào giáo viên, học sinh cùng học và sử dụng ngoại ngữ.

Bài, ảnh: Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-ngoai-ngu-trong-truong-hoc-TIXGl7nSR.html