Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội
Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội. Chất lượng của hoạt động giám sát có tác động lớn đến chất lượng của hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, năm 2024 Quốc hội sẽ đặt trọng tâm vào những chuyên đề giám sát gì và có điểm mới nào trong công tác giám sát này? Ngoài ra, theo ông việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về giám sát văn bản quy phạm pháp luật sẽ có tác động thế nào?
Năm 2024, Quốc hội sẽ giám sát 2 chuyên đề giám sát rất quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội.
Thứ nhất, đó là chuyên đề giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”. Việc tổ chức giám sát lại ngay trong quá trình thực hiện Nghị quyết hoặc ngay khi Nghị quyết thực hiện xong là điểm mới trong hoạt động giám sát. Điều đó giúp cho các cơ quan nhìn nhận đầy đủ về hiệu quả và những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết.
Thứ hai là chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Việc tổ chức giám sát trong khi Quốc hội đang xem xét sửa luật liên quan như: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ giúp cho các cơ quan có cách nhìn tổng thể, đánh giá rõ mặt được, mặt chưa được trong chính sách và trong thực thi chính sách pháp luật. Từ đó làm căn cứ quan trọng để đề xuất chỉnh lý, bổ sung dự án Luật.
Tôi nhận thấy, hoạt động giám sát chuyên đề trong thời gian vừa qua đã được chuẩn bị từ sớm, từ xa cùng với nhiều đổi mới trong việc lựa chọn vấn đề giám sát, trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao.
Về hoạt động giám sát giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 560 về hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật là một dấu mốc quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo sự chuyển biến thực chất và tích cực trong hoạt động này.
Đây là hoạt động thường xuyên của các cơ quan của Quốc hội. Qua giám sát, nhiều khoảng trống pháp luật đã được chỉ ra, nhiều bất cập và sự chồng chéo trong chính sách, nhất là các văn bản quy định chi tiết đã được các cơ quan kiến nghị, sửa đổi. Như vậy, các điểm nghẽn sẽ sớm được tháo gỡ. Hơn nữa việc tổ chức giám sát thường xuyên sẽ tránh quá tải cho các cơ quan khi tiến hành giám sát lại vào giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ.
Thưa ông, thành công trong việc giám sát năm 2023 được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao về chất lượng giám sát. Vậy từ bài học kinh nghiệm của năm 2023 sẽ giúp cho việc giám sát năm 2024 như thế nào?
Ngày 17/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Đây là lần thứ ba trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này.
Tôi cho rằng, việc tổ chức hội nghị triển khai mang tính thường xuyên hằng năm như vậy thể hiện sự chủ động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Theo đó, các cơ quan sẽ bám sát kế hoạch, tiến độ thực hiện, làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tổ chức triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và trách nhiệm của các chủ thể giám sát, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, hoạt động giám sát có nhiều nội dung rộng, dẫn tới nội dung giám sát nằm trong nhiều nghị quyết khác nhau của Quốc hội, ví dụ như nghị quyết về kinh tế xã hội, nghị quyết về chất vấn, nghị quyết về giám sát chuyên đề, nghị quyết kỳ họp….
Vì vậy, việc theo dõi, đánh giá và giám sát lại cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội cũng có khó khăn bởi khối lượng công việc lập pháp lớn, trong khi nhân lực mỏng dẫn tới thời gian dành cho hoạt động giám sát không nhiều. Mặt khác, một số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm đóng góp vào hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội không nhiều, nên công việc chủ yếu do Thường trực các cơ quan của Quốc hội đảm nhiệm. Điều này cũng ảnh hưởng chất chất lượng báo cáo và hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Tôi nhận thấy, sau mỗi lần triển khai Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hằng năm, các cơ quan đã bám sát Kế hoạch, chủ động thực hiện các yêu cầu theo chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thành công Chương trình giám sát tại các kỳ họp. Qua đó thể hiện tinh thần Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ đúng như tinh thần Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói giám sát là để kiến tạo và phát triển, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Có như vậy thì chính sách pháp luật mới sớm đi vào cuộc sống, nếu có điểm nghẽn thì kịp thời tháo gỡ, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Tôi hy vọng rằng, sau Hội nghị này sẽ có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm thống nhất, hiệu quả, hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức và các địa phương chịu sự giám sát.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, đại biểu có thể gợi mở một vài giải pháp trong trước mắt và lâu dài?
Để triển khai hiệu quả hoạt động giám sát trong năm 2024, tôi cho rằng cần khắc phục ngay được những tồn tại, bất cập đã được chỉ ra trong thời gian vừa qua. Trong đó, tôi xin nhấn mạnh là cần có sự kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về hoạt động giám sát giữa các cơ quan, cụ thể là cần sớm xây dựng Quốc hội điện tử, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động giám sát của Quốc hội. Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa tới các nội dung thể hiện trong các Nghị quyết, tránh chồng chéo, thuận lợi trong theo dõi và giám sát việc tổ chức thực hiện.
Về giải pháp lâu dài, tôi cho rằng cần sớm sửa Luật hoạt động giám sát và Hội đồng nhân dân cùng một số luật có liên quan. Đây là cơ sở quan trọng để tổ chức có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong thời gian tới.
Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!