Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở

Tính đến 31/12/2023, mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh có 1.360 người làm việc tại 225 trạm y tế (TYT) tuyến xã, 2.328 nhân viên y tế thôn bản (100% các khu dân cư). Công tác khám, chữa bệnh tại các TYT xã có nhiều tiến bộ rõ rệt, hàng năm, các thầy thuốc TYT xã được luân phiên thực hành nâng cao năng lực tại Trung tâm Y tế tuyến huyện. Một số TYT xã vùng núi, vùng xa, vùng khó khăn đã được cung cấp nhiều trang, thiết bị như máy siêu âm, máy xét nghiệm, máy điện tim...

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại Trạm y tế xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại Trạm y tế xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn.

TS.BS Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Nhìn chung, TYT tuyến xã trên địa bàn tỉnh đang từng bước khẳng định uy tín và gây dựng niềm tin đối với người dân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, xứng đáng với vị trí tuyến đầu, là “người gác cổng” của hệ thống y tế. Năm 2023, có 483.022 lượt người khám, chữa bệnh tại TYT tuyến xã (chiếm 18,5% tổng lượt khám chữa bệnh toàn tỉnh). Đặc biệt, nhiều năm nay không xẩy ra các sự cố y khoa tại TYT tuyến xã.

Trong giai đoạn từ 2016 tới nay, mặc dù không còn các chương trình, dự án đầu tư mang tính tập trung, song tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được quan tâm phát triển bài bản, đồng bộ, có chiều sâu bằng cách huy động từ các nguồn lực xã hội hóa. UBND cấp huyện luôn quan tâm bố trí ngân sách phù hợp, tích cực vận động các nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, cải tạo, nâng cấp, cung cấp trang, thiết bị thiết yếu cho các TYT xã. Định kỳ hàng năm, các Trung tâm Y tế huyện đều rà soát, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, mua sắm bổ sung một số dụng cụ, trang, thiết bị thiết yếu để phục vụ công tác phòng bệnh, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Thời gian qua, Sở Y tế đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển toàn diện hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, trong đó xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của y tế cơ sở để đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển theo hướng toàn diện, vừa đảm bảo tính bền vững, vừa tạo đột phá về chất lượng.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, mỗi TYT có ít nhất 1 bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn; sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được BHYT chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm/lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân... theo Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới (Chỉ thị 25), Sở Y tế phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 25; tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, thay đổi hành vi của toàn xã hội trong tích cực chung tay cùng ngành Y tế chăm lo sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, tiếp tục củng cố, phát triển 4 “trụ cột” nền tảng của y tế cơ sở, gồm: Nguồn nhân lực; cơ sở vật chất, trang thiết bị; đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý, phương thức điều hành và thực hiện chuyển đổi số. Ngành Y tế tỉnh tiếp tục rà soát kỹ thực trạng, nhu cầu thực sự của tuyến y tế cơ sở để xây dựng kế hoạch nhằm đầu tư phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí; thu hút, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, nâng cao năng lực để y tế cơ sở đảm bảo vai trò là “người gác cổng” của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế.

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-y-te-co-so-211810.htm