Nâng cao giá trị, định vị thương hiệu mận hậu Sơn La

Ngày 19/5, tại huyện Mộc Châu, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức khởi hành đưa hơn 20 tấn mận hậu Mộc Châu vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc.

Việc đưa quả mận hậu vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc là kênh rất quan trọng để sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, nâng cao giá trị, định vị thương hiệu mận hậu Sơn La.

Lễ cắt băng khởi hành đưa hơn 20 tấn mận hậu Mộc Châu vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc.

Lễ cắt băng khởi hành đưa hơn 20 tấn mận hậu Mộc Châu vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết: Tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển cây ăn quả. Từ năm 2017 đến nay, diện tích đất trồng cây ăn quả và sản lượng trái cây của tỉnh liên tục tăng cao. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt gần 82.000 ha, sản lượng quả dự kiến đạt trên 378.000 tấn. Một số cây ăn quả có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La mong muốn Saigon Co.op tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm nông sản để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị của đơn vị.

Cùng với đó, hệ thống của Saigon Co.op tại 43 tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ truyền thông về các mặt hàng nông sản thế mạnh, giới thiệu doanh nghiệp tham gia hợp tác, tiêu thụ nông sản của tỉnh tại các siêu thị, cửa hàng. Sơn La cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận tiện, hỗ trợ cao nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là đơn vị tham gia đầu tư sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biên, bảo quản, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Saigon Co.op hiện là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng có hệ thống phân phối đa dạng và sâu rộng nhất trên thị trường bán lẻ nội địa hiện nay. Saigon Co.op đã phát triển hơn 800 điểm bán, bao gồm siêu thị Co.opmart cùng các thương hiệu khác trong hệ sinh thái bán lẻ như Co.opXtra, Co.opFood, Co.opSmile, SenseMarket… phủ kín tất cả các phân khúc thị trường, hiện diện tại 43/63 tỉnh, phố.

Tại buổi lễ, ông Võ Trần Ngọc, Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op thông tin: Đơn vị dự kiến tiêu thụ 100 tấn mận hậu Sơn La được thu hoạch từ huyện Mộc Châu, Yên Châu có mặt trên hệ thống với giá ưu đãi tốt nhất kết hợp với các hoạt động dùng thử và trưng bày sản phẩm tại 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra. Đây là hoạt động thiết thực, gắn kết chặt chẽ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Sơn La, giữa nhà nước - nhà phân phối và nhà nông để cùng nâng tầm giá trị quả mận, một sản phẩm đặc biệt của Sơn La.

Đưa hơn 20 tấn mận hậu Mộc Châu vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc.

Đưa hơn 20 tấn mận hậu Mộc Châu vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op trên toàn quốc.

Ngay tại kễ khởi hành, hơn 20 tấn mận hậu Mộc Châu được xe container đưa vào hệ thống Saigon co.op trên toàn quốc. Dự kiến sáng 20/5/2024, mận hậu Sơn La sẽ chính thức có mặt trên kệ hàng nông sản an toàn của Saigon Co.op để phục vụ khách hàng.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu chia sẻ: Sự kiện mận hậu Mộc Châu, Sơn La được đưa vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op diễn ra đúng dịp huyện tổ chức Ngày hội hái quả đã góp phần quảng bá, giới thiệu, đưa thương hiệu mận hậu Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Sơn La hiện có hơn 12.400 ha mận hậu, sản lượng ước đạt 78.200 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại huyện Mộc Châu, Yên Châu, thành phố Sơn La. Trong đó, Mộc Châu có diện tích mận hậu lớn nhất của cả nước với 3.500 ha. Cây mận hậu được các hộ dân, hợp tác xã trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP, quy trình hữu cơ an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Quả và các sản phẩm chế biến từ mận hậu đang ngày càng được du khách trong nước và bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.

Tin, ảnh: Quang Quyết (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nang-cao-gia-tri-dinh-vi-thuong-hieu-man-hau-son-la-20240519130722211.htm