Nâng cao kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước dịp Hè cho trẻ em vùng biên

Những ngày nắng nóng kéo dài trên diện rộng vừa qua đã gây ra sự ngột ngạt khó chịu nên hoạt động bơi lội tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, đặc biệt ở trẻ em. Nhằm góp phần phòng, tránh tai nạn đuối nước, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, trang bị kỹ năng an toàn phòng, tránh đuối nước cho trẻ em trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạch Kèn trang bị kỹ năng an toàn khi bơi lội cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Minh Toàn

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạch Kèn trang bị kỹ năng an toàn khi bơi lội cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Minh Toàn

Đuối nước-nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 10 năm trở lại đây, đã có 2,5 triệu người trên toàn thế giới tử vong do gặp phải tai nạn đuối nước. Hơn 90% trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi trên thế giới.

Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra trên cả nước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này. Hiện, gần 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm. Các vụ trẻ em đuối nước thường xảy ra vào những tháng Hè, đặc biệt khi các em chuẩn bị nghỉ Hè. Đuối nước xảy ra nhiều ở các vùng nông thôn quê, xa xôi, hẻo lánh, nơi có nhiều ao, hồ, sông suối và ít người qua lại, hoặc ở bãi biển, khu du lịch.

Tai nạn đuối nước ở trẻ em đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ quan là các em nhỏ, đặc biệt ở vùng nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa không được trang bị kỹ năng an toàn, phòng, tránh đuối nước. Trẻ em hầu hết đều hiếu động, chủ quan, ham vui, thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn khi bơi lội, chưa biết quan sát, phát hiện khu vực nguy hiểm nên sẽ dễ xảy ra tai nạn đuối nước.

Nhằm tạo môi trường an toàn, giảm thiểu tai nạn đối với trẻ em, đặc biệt là đuối nước, Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 lấy chủ đề xuyên suốt là “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/6/2023, Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 có mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em.

Các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em 2023 chú trọng đến xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em để phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, tai nạn giao thông; đặc biệt là thông điệp “Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước”.

Trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ em

Đứng chân trên địa bàn biên giới, thường xuyên bám dân, bám địa bàn, những người chiến sĩ Biên phòng luôn quan tâm, chăm lo cho trẻ em ở nơi đây. Để chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em, thời gian qua, các đơn vị BĐBP đã triển khai nhiều cách làm hay nhằm trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ em trên địa bàn. Tiêu biểu như trên tuyến biên giới Sơn La, vừa qua, Đồn Biên phòng Mường Lèo, Đồn Biên phòng Mường Lạn đã phối hợp với các trường học trong khu vực đơn vị đóng quân tổ chức hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho học sinh ở khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh hướng dẫn động tác bơi cho trẻ em. Ảnh: Phước Trung

Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh hướng dẫn động tác bơi cho trẻ em. Ảnh: Phước Trung

Các em học sinh được những người lính Biên phòng giới thiệu về các trường hợp đuối nước, kỹ năng, cách phòng tránh đuối nước; các loại thương tích của học sinh trong nhà trường; cách phòng tránh tai nạn thương tích; hướng dẫn kỹ năng sơ cứu ban đầu khi trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước.

Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều em học sinh. Đứng chân trên địa bàn, Đồn Biên phòng Lạch Kèn đã phối hợp với Trường Tiểu học Xuân Thành và Khách sạn Mường Thanh Luxury Xuân Thành tổ chức tuyên truyền phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích, các kỹ năng thoát hiểm cho học sinh. Với hình thức tuyên truyền lôi cuốn, hấp dẫn, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạch Kèn đã làm mẫu và phân tích từng tình huống cụ thể như: Nguyên nhân và những nguy cơ tiềm ẩn đuối nước; những nguyên tắc an toàn khi bơi; kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, chống thương tích...

Qua các buổi tuyên truyền của các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới cho các em học sinh đã từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Qua đó, góp phần hình thành thói quen, kỹ năng, tính chủ động trong phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho các em học sinh và phong trào tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân trước tai nạn đuối nước.

Cùng với đó, việc tổ chức dạy bơi an toàn là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả để phòng tránh đuối nước ở trẻ em. Hiện nay, ở nước ta, các trường học, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện vật chất, nhân lực để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Trẻ em ở khu vực biên giới thường tập trung ra sông, hồ vui chơi, tắm, bơi lội, dẫn đến nhiều trường hợp các em không biết bơi đã xảy ra tai nạn đuối nước đáng tiếc. Nắm bắt được thực tế đó, ngay đầu Hè, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Xy, Đoàn Thanh niên xã Xy (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước và dạy bơi cho 100 học sinh trên địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với các thầy giáo của nhà trường hướng dẫn các em về kỹ năng nhận biết khu vực nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước và kỹ năng phòng tránh; phương pháp kiểm soát và điều chỉnh hơi thở; hướng dẫn tình huống giả định, các động tác thực hiện phương pháp bơi, một số kỹ thuật bơi có thể giúp người không biết bơi thoát hiểm; các phương pháp giải cứu, sơ cứu nạn nhân bị đuối nước như kỹ thuật hà hơi thổi ngạt, ấn tim...

Những hành động cụ thể đó là minh chứng cho tình thương và trách nhiệm của người lính Biên phòng với trẻ em ở khu vực biên giới, góp phần tạo môi trường an toàn cho trẻ em phát triển, đảm bảo nguồn nhân lực cho tương lai.

Tuấn Khang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-ky-nang-phong-tranh-tai-nan-duoi-nuoc-dip-he-cho-tre-em-vung-bien-post462169.html