Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai

Do tác động của biến đổi khí hậu, thời gian gần đây, thiên tai ở nước ta diễn ra phức tạp, bất thường. Ðể hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành chức năng và các địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trước xu thế biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng, cực đoan, công tác này bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần có giải pháp nhanh chóng khắc phục nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển bền vững đất nước.

Do tác động của biến đổi khí hậu, thời gian gần đây, thiên tai ở nước ta diễn ra phức tạp, bất thường. Ðể hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, các ngành chức năng và các địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trước xu thế biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng, cực đoan, công tác này bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần có giải pháp nhanh chóng khắc phục nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phát triển bền vững đất nước.

Bài 1: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Từ đầu năm 2020 đến nay, các tỉnh miền núi phía bắc nước ta đã hứng chịu nhiều trận mưa đá, lũ ống, lũ quét, động đất… với tần suất cao gấp hai lần bình quân hằng năm; các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán, xâm nhập mặn. Ðáng chú ý, một tháng qua, các tỉnh miền trung phải ứng phó tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”. Trước diễn biến phức tạp này, các địa phương đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng phục hồi kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu.

Thiên tai phức tạp, khó lường

Ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 6 đến 22-10, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa đo được từ ngày 8 đến 18-10 ở một số điểm lên đến 3.500 mm, gấp 1,6 lần lượng mưa trung bình cả năm của tỉnh. Trong hai ngày 16 và 17-10, nhiều nơi mưa đặc biệt to, lượng mưa đo được ở Hướng Sơn của huyện miền núi Hướng Hóa lên đến 1.049 mm. Mưa lớn làm mực nước các sông vượt đỉnh lũ lịch sử những năm trước. Liên tiếp năm trận lũ trong tháng 10 đã khiến 98 xã, phường, thị trấn, chiếm 79% số xã, phường, thị trấn tỉnh Quảng Trị bị ngập sâu từ 1 đến 4 m và chia cắt thành nhiều vùng. Tại Quảng Bình, tổng lượng mưa cả đợt lên gần 3.000 mm, gây ra trận lũ đặc biệt lớn, ngập sâu trên diện rộng. Mưa lũ kéo theo bốn vụ sạt lở đất, làm sáu người chết, đứt gãy đường 12A lên miền tây Quảng Bình và nối sang Lào, gây ách tắc giao thông.

Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía bắc nước ta từ đầu năm 2020 đến nay chịu ảnh hưởng nhiều loại hình thiên tai, chủ yếu là rét hại, mưa đá, lốc xoáy và lũ quét, với tần suất gấp hai lần so với mọi năm. Trong đêm Giao thừa và ngày mồng 1 Tết Canh Tý (ngày 24 và 25-1-2020), dông lốc và mưa đá đã làm tốc mái, vỡ, thủng tấm lợp, ngói của 3.280 hộ dân ở 21 xã thuộc năm huyện: Ngân Sơn, Chợ Ðồn, Chợ Mới, Bạch Thông và Na Rì (Bắc Kạn) và 10 huyện, thành phố thuộc tỉnh Lạng Sơn. Hậu quả là hơn năm nghìn hộ gia đình hai địa phương này bị thiệt hại lên đến hơn 35 tỷ đồng. Tại Lào Cai, chỉ trong chín tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 32 đợt thiên tai. Ðiển hình như trận mưa lớn từ ngày 16 đến 20-8, với lượng mưa gần 350 mm xảy ra ở thị xã Sa Pa, các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, làm bảy người chết, 11 người bị thương, 5.630 nhà ở bị hư hỏng... Tại Sơn La, từ cuối tháng 7 đến tháng 8 liên tục xảy ra hàng chục trận động đất với dư chấn lớn, khiến người dân bất an. Năm 2020, bảy tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn với nồng độ 4‰, dẫn đến hàng chục nghìn héc-ta lúa bị mất trắng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân.

Theo thống kê của Tổng cục PCTT, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều địa phương của nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, gồm: 10 cơn bão trên Biển Ðông; 263 trận dông, lốc, mưa lớn; 101 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 82 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long,… Tính đến ngày 6-11, thiên tai đã làm 340 người chết, mất tích; 3.276 nhà sập, 280.766 nhà bị hư hại, tốc mái; 414.451 nhà bị ngập; 171.337 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; gần 50 nghìn con gia súc, hơn 3,3 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; 550 km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 115 km bờ biển, sông bị sạt lở, ước tính thiệt hại hơn 33.449 tỷ đồng. Riêng các tỉnh miền trung, từ giữa tháng 9 đến nay, thiên tai đã làm 243 người chết, mất tích; 232.886 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; 464.634 nhà bị ngập; 39.500 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại..., ước tính thiệt hại hơn 28.797 tỷ đồng.

Phải sẵn sàng “bốn tại chỗ”

Trước xu thế biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, cực đoan, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng, yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, ngày 24-3-2020, Ban Bí thư T.Ư Ðảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về công tác phòng chống thiên tai, trong đó đã đề cập toàn diện các hoạt động từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và đặt yêu cầu ở một tầm cao mới. Cho đến nay, các địa phương đã quán triệt và triển khai nghiêm túc Chỉ thị này. 60 tỉnh, thành phố và 12 bộ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả những nội dung liên quan.

Việc quán triệt và triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư tại các địa phương đã góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản trước các đợt thiên tai. Tại Quảng Bình, với phương châm “bốn tại chỗ”, các huyện đã thành lập những đội cứu hộ theo từng xã, làng để chủ động nắm tình hình và tổ chức cứu hộ khi cần thiết. Trong trận lũ vừa qua, vai trò chỉ huy và tổ chức thực hiện phương án ứng phó lũ lụt của ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đã phát huy hiệu quả, nhất là ở cơ sở. Tại xã An Thủy (huyện Lệ Thủy), Chủ tịch UBND xã, kiêm trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã Nguyễn Thanh Quyết đã phân công công việc cụ thể cho từng thành viên bám từng thôn, từng nhóm dân cư để ứng cứu kịp thời. Bản thân Chủ tịch UBND xã cũng chỉ huy một thuyền cứu hộ, bơi vào vùng ngập lụt sâu nhất là các thôn Tân Lệ, Phú Thọ để cứu người. Ở các vùng được mệnh danh là “rốn lũ” ở Hà Tĩnh và Nghệ An, chính quyền và người dân đã làm tốt công tác “bốn tại chỗ”. Ông Bùi Xuân Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết: Ngay khi nước sông Lam tràn bờ, các gia đình đã đưa người già và trẻ nhỏ ở những nơi có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn. Lực lượng cứu hộ hỗ trợ các gia đình neo người chuyển tài sản lên cao để hạn chế thiệt hại… Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có 43 xóm của 10 xã với hơn 4.500 hộ bị ngập sâu từ 1 đến 2 m. Các địa phương tổ chức sơ tán hơn 600 hộ ở vùng ngập lụt và vùng sạt lở. Nhờ chủ động ứng phó, cho nên đã bảo đảm an toàn về người và hạn chế thiệt hại về tài sản. Mới đây nhất, từ ngày 28 đến 30-10 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa to trên diện rộng. Tại khu vực tái định cư xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (huyện Lương Sơn) xuất hiện vết nứt tại chân đồi, nguy cơ sạt lở khoảng 45 nghìn m3 đất, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản 24 hộ dân. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã phối hợp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kiểm tra hiện trường rồi thực hiện gấp phương án triển khai. Ðồng chí Ðinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo trực tiếp các ngành chức năng liên quan, công an, quân đội lập phương án và khẩn trương triển khai di dời các hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm. Sáng 31-10, công tác di dân được thực hiện, chỉ trong một ngày, 106 nhân khẩu của 24 hộ dân được đưa đến nơi an toàn.

Xã Cường Lợi (huyện Na Rì, Bắc Kạn) thường xuyên phải ứng phó tình trạng mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất… Vì vậy, xã đã sớm thành lập các đội xung kích phòng, chống thiên tai (XKPCTT) ở các thôn, bản. Ðây là lực lượng tuyến đầu, xử lý hiệu quả và kịp thời nhất trong ứng phó, ứng cứu, xử lý sự cố thiên tai ở cơ sở. Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Nghĩa cho biết, tất cả 10 thôn, bản đều đã thành lập đội XKPCTT, mỗi đội có hơn 70 người. Ban Chỉ huy PCTT của xã được kiện toàn, thường xuyên theo dõi, nắm thông tin về diễn biến thời tiết, kịp thời dự đoán, chỉ đạo các đội XKPCTT sẵn sàng ứng phó, ứng cứu. Khi thiên tai xảy ra, phương châm “bốn tại chỗ” được thực hiện hiệp đồng bài bản, vì vậy, những năm qua, trên địa bàn xã chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào do thiên tai gây ra. Phó Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn Ðới Văn Thiều cho biết, đến nay, tỉnh đã có 97 trong số 108 xã, phường, thị trấn thành lập, kiện toàn đội XKPCTT, dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành việc thành lập ở các xã, thị trấn còn lại.

Nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu

Bên cạnh việc nhanh chóng, kịp thời xử lý, khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra, các địa phương chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa thiên tai như nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Tỉnh Lào Cai đã đầu tư 50 trạm quan trắc, cảnh báo và dự báo thời tiết, thiên tai; trong đó có bốn trạm khí tượng, năm trạm thủy văn, ba hệ thống cảnh báo lũ, 33 trạm đo mưa tự động, hai hệ thống cảnh báo cháy rừng, hai trạm cảnh báo lũ sớm, một trạm cảnh báo lũ bùn đá. Tỉnh Yên Bái đã xây dựng 38 hệ thống đo mưa tự động, lắp đặt một trạm đo nước sông Hồng, hai hệ thống cảnh báo sớm trên suối Nung, suối Thia của vùng Mường Lò, qua đó có số liệu chính xác về lượng nước mưa, nước lũ để sớm đưa ra phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Các địa phương đã đa dạng hóa việc huy động nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân trước tình trạng xâm nhập mặn, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng bờ bao, đê bao ngăn lũ cho vùng cây ăn trái tập trung ở các cù lao trên sông Tiền, sông Hậu và vùng sản xuất ba vụ lúa. Giai đoạn năm 2010-2016, mỗi năm tỉnh đầu tư 350 đến 400 tỷ đồng/năm, thực hiện khoảng 400 công trình/năm. Giai đoạn 2017-2019, mỗi năm tỉnh đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, hình thành hệ thống thủy lợi quy mô và tương đối hoàn chỉnh. Ðến nay, Vĩnh Long có 409 tuyến đê bao dài 3.642 km, 14.638 m kè chống sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu, hơn 5.700 cống, đập kiên cố, 17 trạm bơm điện, các tuyến sông, rạch tự nhiên, kênh được nạo vét, cải tạo kết hợp sử dụng làm công trình thủy lợi. Tỉnh có 112.855 ha đất (chiếm 94,24% diện tích đất sản xuất nông nghiệp) được khép kín bằng hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu, hơn 3.240 km đê có khả năng ngăn lũ ở mức báo động III.

Ðồng thời, các địa phương đẩy mạnh việc di dời người dân sinh sống ở khu vực tiềm ẩn rủi ro thiên tai về các khu tái định cư bảo đảm an toàn. Năm 2016, xã Nặm Păm, huyện Mường La nằm bám dưới chân đèo Sam Xíp và con suối Chiến bị một trận lũ quét tàn phá, biến toàn bộ diện tích đất đai, ruộng vườn của người dân thành những bãi đá cuội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức cuộc họp bất thường ngay trong vùng lũ để tìm phương án di chuyển gần 800 hộ dân của tám bản ra khỏi vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của người dân, đồng thời để tìm một địa điểm tái định cư với số hộ dân lớn như vậy không dễ, tỉnh quyết định để người dân ở lại. Ðể người dân ổn định đời sống, tỉnh bố trí hơn 85 tỷ đồng triển khai năm dự án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế. Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai dự án trồng 145 ha cây ăn quả, gồm: xoài, nhãn, bưởi da xanh, với giống tốt, quy trình trồng bài bản, khi cây phát triển tốt mới bàn giao cho dân chăm sóc theo hướng dẫn của phòng nông nghiệp huyện. Vụ thu hoạch vừa qua, nhân dân Nặm Păm đã xuất khẩu được hơn ba tấn xoài sang Trung Quốc, bưởi da xanh bán ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, sắn.

Sơn Lương là xã vùng cao của huyện Văn Chấn (Yên Bái) bị thiệt hại nặng nề do lũ quét năm 2018. Chủ tịch UBND xã Hà Văn Hưng cho biết: Lũ quét làm 15 nhà trong xã bị trôi sập, 24 hộ bị mất hết tài sản, 73 hộ có nguy cơ sạt lở buộc phải di dời. Nhờ có quỹ đất dự phòng rộng 3,5 ha ở khu vực đồi chè, xã đã đưa 51 hộ dân định cư tại hai khu: Noong My và Bản Tủ, hơn 70 hộ bố trí đất ở xen ghép, đến nay người dân đã ổn định cuộc sống. Các diện tích lúa, công trình thủy lợi bị đất đá vùi lấp cơ bản đã được cải tạo, cấy được hai vụ lúa. Khu tái định cư Noong My đã có đường bê-tông, điện lưới, các hộ dân được cấp đất ở từ 150 đến 200 m2, nhiều nhà vay tiền ngân hàng xây được nhà khang trang. Ở huyện Bát Xát (Lào Cai), tháng 8-2016, trận lũ quét cướp đi sinh mạng của ba người, cuốn phăng các căn nhà, đất đá chôn vùi tài sản, ruộng vườn của 19 hộ người Dao ở bản Sùng Hoảng 2, xã Phìn Ngan. Huyện đã quyết định di chuyển toàn bộ dân bản Sùng Hoảng 2 xuống lập bản mới trên mỏm đồi Van Hồ, bảo đảm an toàn địa chất và thuận tiện giao thông, sản xuất. Tỉnh cấp kinh phí san gạt mặt bằng, xây dựng hạ tầng điện, nước, đường giao thông, hỗ trợ tiền giúp đồng bào định cư tại nơi ở mới. Mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà ở; 30 hộ bị lũ quét sạch tài sản được các tổ chức xã hội quyên góp, ủng hộ gần 500 triệu đồng, cùng nhiều vật dụng sinh hoạt. Ngân hàng Chính sách xã hội khoanh giãn nợ, đồng thời cho mỗi hộ vay mới 25 triệu đồng với lãi suất thấp, trả chậm trong vòng 10 năm, để khôi phục, phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm, mở rộng các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn đã phối hợp các địa phương triển khai mô hình sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến - SRI tại các huyện Chợ Ðồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Na Rì, Pác Nặm, Ba Bể và Chợ Mới. Ngoài ra, còn một số mô hình khác như: Phát triển cây khoai tây thích ứng rét; chăn nuôi thích ứng rét; dong riềng chống chịu hạn trên đất lúa một vụ...Tỉnh Vĩnh Long thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo được nhiều mô hình thành công như: Trồng lúa nuôi tôm, chuyển đổi ba vụ lúa sang hai vụ lúa và một vụ màu, giúp được nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, ổn định sinh kế, thích ứng biến đổi khí hậu. Một số mô hình chuyển đổi đất lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình luân canh cây hằng năm trên nền đất lúa với vùng sản xuất bắp nếp tại các huyện Trà Ôn và Tam Bình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 13 tấn/ha, lợi nhuận 39,9 triệu đồng/ha; vùng sản xuất khoai ở huyện Mang Thít theo hướng VietGAP, năng suất đạt 32 đến 35 tấn/ha. Mô hình trồng đậu nành rau huyện Bình Tân, năng suất đạt 8 đến 12 tấn/ha; mô hình trồng dưa gang huyện Long Hồ đạt năng suất 41 tấn/ha, lợi nhuận 36 triệu đồng/ha…

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nang-cao-nang-luc-ung-pho-thien-tai-624144/