Nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt

Xác định hồng không hạt là cây có giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn, đầu tư và khai thác bền vững, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa nội dung này vào nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh. Từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2023, sở đã tuyển chọn nhóm nghiên cứu do Tiến sỹ Lê Thị Mỹ Hà, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm triển khai đề tài 'Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt tại tỉnh Lạng Sơn'.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 giống hồng không hạt chủ yếu là hồng không hạt Bảo Lâm tập trung tại huyện Cao Lộc và hồng không hạt Vành khuyên được trồng nhiều tại huyện Văn Lãng với tổng diện tích khoảng 2.000 ha, trong đó, trên 1.300 ha đang cho quả với sản lượng 7.800 tấn/năm. Quá trình nghiên cứu cho thấy, cây hồng không hạt trên địa bàn tỉnh đã có biểu hiệu già cỗi, thoái hóa, cây phát triển kém, quả nhỏ, chất lượng không ổn định, đặc biệt có hiện tượng ra quả cách năm, rụng quả.

Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng kiểm tra sự phát triển của quả hồng không hạt Vành khuyên

Nông dân xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng kiểm tra sự phát triển của quả hồng không hạt Vành khuyên

Nghiên cứu các biện pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành nhiều thí nghiệm nhằm xác định công thức bón phân thích hợp cho cây. Theo đó, 6 công thức với thành phần là đạm u rê, super lân, kaliclorua, NPK đầu trâu, NPK Lâm Thao được bón cho cây. Bên cạnh các loại phân vô cơ, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng phân hữu cơ, chất giữ ẩm, vôi bột để bón cho cây. Thời điểm bón phân cho cây được thực hiện đồng loạt trước khi cây nảy lộc, khi cây bắt đầu rụng quả sinh lý, khi bắt đầu cho quả và sau thu hoạch. Sau 2 năm nghiên cứu cho thấy, bón phân NPK đầu trâu với khối lượng 3 kg/cây kết hợp với phân bón hữu cơ vi sinh (5 kg/cây) trộn lẫn chất giữ ẩm AMS (0,1 kg/cây) làm tăng tỷ lệ đậu quả, tăng năng suất và chất lượng quả. Cụ thể, năng suất thực thu trung bình đạt 35 – 38 kg/cây, cao hơn 10 kg/cây so với đối chứng.

Để khắc phục tình trạng rụng quả trên cây hồng, nhóm thực hiện đề tài tiến hành các thí nghiệm nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của liều lượng phân bón vi lượng Botrac; GA3 (Gibberellin) và một số chất điều tiết sinh trưởng, phân vi lượng đến khả năng đậu quả, nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt. Cùng đó, nhóm cũng triển khai nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây hồng không hạt. Kết quả cho thấy, phun Botrac không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả hồng, ở nồng độ 25 g/l có tác dụng làm giảm 15% số quả rụng, tăng trên 36% năng suất so với đối chứng. Phun GA3 nồng độ 125 ppm có tác dụng làm giảm 15% số quả rụng, tăng 33 – 30% năng suất. Đối với phân vi lượng, chất điều tiết sinh trưởng theo công thức phun Atonik kết hợp với Can xi Bo cho năng suất cao; công thức Atonik kết hợp với Siêu Kali Bo cho quả có vị ngọt đậm, không chát. Nhờ kết hợp các kỹ thuật canh tác, vệ sinh vườn trồng với phòng trừ bằng thuốc hóa học, sinh học, bẫy bả… các vườn hồng đã làm giảm đáng kể sâu đục cuống, ruồi đục quả, rệp sáp, bệnh thán thư…

Tiến sỹ Lê Thị Mỹ Hà, Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: Sau khi nghiên cứu các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng và phòng trừ sâu bệnh trên cây hồng không hạt, nhóm đã tiếp hành xây dựng 2 mô hình thâm canh tổng hợp tại xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc và xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng với quy mô 2 ha với 10 hộ tham gia. Các mô hình cho năng suất từ 16 đến 18 tấn/ha, tăng 26 đến 32% so với đối chứng.

Ông Hoàng Văn Hậu, thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng cho biết: Gia đình tôi được tham gia đề tài của nhóm nghiên cứu từ năm 2022. Sau 1 năm sử dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: Dọn vườn, tỉa cành; bón phân theo công thức hướng dẫn; phòng trừ sâu bệnh… năng suất chất lượng vườn hồng (200 cây) của gia đình tôi được tăng lên đáng kể. Trước đây, mỗi cây cho thu hoạch hơn 35 kg thì vụ hồng 2022, gia đình tôi thu hoạch trung bình mỗi cây hơn 46 kg. Quả hồng to, đều, vị ngọt đậm, giá bán trung bình đạt 20.000 đồng/kg, cao hơn các hộ trồng khác 2.000 đồng/kg. Trừ các chi phí tôi còn thu được hơn 130 triệu đồng.

Tháng 10/2022, nhóm thực hiện đề tài đã tổ chức hội nghị đầu bờ tại xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc với hơn 30 người tham dự. Cùng đó, nhóm cũng xây dựng bộ tài liệu về kỹ thuật thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt và tổ chức hội nghị phổ biến cho 80 nông dân tại các huyện trồng hồng không hạt. Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nâng cao năng suất, chất lượng hồng không hạt tại tỉnh Lạng Sơn” cho hay: Sau khi triển khai thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình thâm canh cây hồng không hạt đạt năng suất, chất lượng cao, ổn định. Các biện pháp có tính ứng dụng cao, khi đưa vào thực tiễn sản xuất sẽ góp phần giải quyết những vấn đề nông dân đang gặp phải như: thoái hóa giống, tình trạng rụng quả, ra quả cách năm trên cây hồng không hạt, từ đó, làm tăng năng suất, chất lượng quả hồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Với những kết quả mà đề tài đã đạt được, tháng 6/2023, Hội đồng khoa học tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài. Tin rằng thời gian tới, các biện pháp kỹ thuật mà nhóm thực hiện đề tài đưa ra sẽ được nhân rộng và áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/593274-nang-cao-nang-suat-chat-luong-hong-khong-hat.html