Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch 196-KH/TU, ngày 7-3-2024 thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 25-12-2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ảnh minh họa: Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và nhánh nối TP. Phú Quốc (Kiên Giang).

Ảnh minh họa: Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và nhánh nối TP. Phú Quốc (Kiên Giang).

Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân, nhất là người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, qua đó góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị; gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm chất lượng, hiệu quả; huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, mua sắm, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình về thực hành tiết kiệm chống lãng phí bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng lĩnh vực then chốt như năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước, tài sản công. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định về đấu giá, đấu thầu, mua sắm tài sản công, xây dựng và sử dụng trụ sở làm việc, tổ chức hội nghị, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.

Chính quyền các cấp tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; quản lý thu, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, trốn thuế, thu hồi nợ thuế. Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong triển khai nhiệm vụ, dự án, đề án. Tăng cường quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm theo quy hoạch được phê duyệt…

Tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát cộng đồng dân cư ở cơ sở; kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát…

Tin và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xay-dung-dang/nang-cao-trach-nhiem-cua-nguoi-dung-dau-trong-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-19511.html