Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy tại chỗ

Trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa TP Hà Nội xảy ra 387 vụ cháy gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Với cấu trúc nhà ở đô thị của Hà Nội, khi xảy ra hỏa hoạn, việc người dân chủ động chữa cháy kịp thời tại chỗ sẽ là điều quyết định để vụ cháy không lan rộng trong thời gian chờ lực lượng chức năng ứng cứu.

Một buổi hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH cho thanh thiếu niên. Ảnh: Lê Khánh.

Một buổi hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH cho thanh thiếu niên. Ảnh: Lê Khánh.

Không chủ quan, lơ là

Khoảng 23h ngày 17/5 đã xảy ra đám cháy trong dãy nhà 4 tầng là tổ hợp giải trí bi-a, phòng gym, phòng game, ở nút giao giữa đường Láng với cầu Yên Hòa (gần cửa hàng kinh doanh xăng dầu).

Khi phát hiện có đám cháy, một số người chạy ra ngoài để thoát thân, số khác trèo lên nóc của tòa nhà để đợi lực lượng cứu hộ giải cứu.

Sau khi nhận tin báo, Đội Cảnh sát Phóng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội), phối hợp với lực lượng chức năng điều khoảng nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ tới để dập lửa, tìm kiếm người mắc kẹt. Khu vực đường Láng được phong tỏa để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Một số xe cứu thương cũng được điều động.

Cách thời điểm trên không lâu, tối ngày 14/5, tại ngõ 509 Vũ Tông Phan phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra một vụ cháy nhà dân. Đám cháy được xác định khởi phát từ tầng 3 của ngôi nhà 3 tầng, rất may lực lượng PCCC và CNCH đã khẩn trương chữa cháy, không có thiệt hại về người.

Những vụ hỏa hoạn nêu trên tiếp tục là lời cảnh báo để nhiều hộ gia đình đang sống trong các cụm dân cư đông đúc của thành phố một lần nữa phải nâng cao các kỹ năng, biện pháp PCCC trong gia đình và khu vực mình đang sinh sống.

Theo thông tin của Đại tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TP Hà Nội tại Hội nghị trực tuyến đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác PCCC và CHCN trên địa bàn TP Hà Nội (ngày 8/5), hiện nay, thành phố có 1.429 nhà chung cư; 398 nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) trong đó có 94 nhà cao trên 28m; 31.239 nhà trọ; 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.

Đối với nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ còn 16.733 công trình không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy; 9.704 công trình không đảm bảo về nguồn nước phục vụ chữa cháy; 5.420 công trình không đảm bảo về khoảng cách; 19.420 công trình không đảm bảo về giải pháp ngăn cháy lan; 19.882 công trình không đảm bảo về giải pháp thoát nạn; 8.188 công trình có tồn tại, vi phạm về điện; 2.081 công trình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy...

Đây sẽ là những thách thức không hề nhỏ đối với việc PCCC của Hà Nội, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng và toàn thể người dân.

Luyện tập kỹ năng tại chỗ

Để phòng cháy tối đa các vụ hỏa hoạn có thể xảy ra trong thời gian tới, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 1516/UBND-NC về tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Hà Nội trong mùa nắng nóng. Theo đó, để hạn chế đến mức thấp nhất cháy, nổ xảy ra do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng, cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cơ sở, hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp kinh doanh sản xuất... các biện pháp thoát nạn, phòng ngừa cháy, nổ; cảnh báo những nguy cơ gây cháy, nổ; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC và CNCH để chủ động phát hiện và loại trừ những nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

Bảo đảm đến hết năm 2024, 100% hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy, có ít nhất một người được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH…

Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có từ 2 tầng trở lên, chưa có lối thoát nạn thứ 2 tự mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, CNCH, tham gia đội dân phòng bảo đảm thực chất, hiệu quả, đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”; hướng dẫn, tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về công tác PCCC, CNCH.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn hỏa hoạn phần lớn sẽ nằm ở ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân. Bên cạnh các biện pháp cứng, cần nâng cao kỹ năng xử lý khi có hỏa hoạn xảy ra. Hiện Hà Nội cũng đang tích cực mở các khóa kỹ năng PCCC miễn phí cho người dân.

Ngày 10/5 vừa qua, Công an Hà Nội tổ chức ra mắt và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục cộng đồng về PCCC và CNCH, tại số 166 Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội).

Tại đây, người dân được học miễn phí kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ. Theo đó, Trung tâm sẽ tổ chức cho người dân, học sinh, sinh viên sống, học tập trên địa bàn TP Hà Nội sinh hoạt định kỳ từ 8h30 - 11h30 và từ 14h - 17h vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Công an Hà Nội cho biết, việc ra mắt trung tâm nhằm phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn tại hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, nhà và chung cư cao tầng, nơi tập trung đông người.

Từ đó, hình thành một địa điểm công cộng quen thuộc để người dân, học sinh, sinh viên Thủ đô có thể thường xuyên tiếp cận, nghiên cứu tìm hiểu, học tập các kiến thức, kỹ năng an toàn về PCCC và CNCH.

Việc người dân nâng cao ý thức, tham gia các lớp tập huấn kỹ năng PCCC và CNCH cùng với trang bị đầy đủ các biện pháp, phương tiện PCCC trong mỗi hộ gia đình sẽ là giải pháp tốt nhất giúp người dân đề phòng hỏa hoạn, kịp thời xử lý tình huống khi có đám cháy. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm các vụ hỏa hoạn trên địa bàn thành phố, tránh những thiệt hại đáng tiếc trong tương lai.

Phú Yên phát huy hiệu quả mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy
Ngày 18/5, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” năm 2024. Đây là lần đầu tiên hội thi được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, nhằm nâng cao kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; tuyển chọn đội tuyển dự thi cấp khu vực do Bộ Công an tổ chức trong thời gian tới.
Theo ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức hội thi, Phú Yên đang tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ công nghệ cao, quy mô lớn, khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương; tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng... Đây đều là những ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn, cơ sở tập trung đông người và có nguy cơ cháy, nổ cao.
Bên cạnh công tác huấn luyện nghiệp vụ, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng đến các tầng lớp nhân dân. Những mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng” tại khu dân cư có hiệu quả cần được phát huy, nhân rộng.
T.H

MAI ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nang-cao-y-thuc-phong-chay-chua-chay-tai-cho-10280227.html