Nâng chất nguồn nhân lực

Quý 1-2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam có việc làm đạt khoảng 51,3 triệu người, trong đó có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo. Điều này cho thấy thách thức trong việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế.

Thiếu nhân lực chất lượng cao

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), tình hình lao động trong nước quý 1-2024 có những chuyển biến tích cực, như số lượng người lao động (NLĐ) trong độ tuổi tăng, thu nhập bình quân của NLĐ cũng tăng so với cùng kỳ năm 2023. Lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm.

Tuy nhiên, hiện nay lực lượng lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, cả nước vẫn còn 37,8 triệu NLĐ chưa qua đào tạo.

Trong khi đó, Việt Nam đang trải qua quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất lớn. Do đó, yêu cầu đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng của NLĐ đang là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhân viên Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi sản xuất tại nhà máy tại huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: HƯNG VƯỢNG

Phân tích sâu về tình hình lao động trong nước hiện nay, các chuyên gia cho rằng, thị trường lao động đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ, trình độ thấp sang chất lượng cao. Tuy nhiên, qua khảo sát, có đến 51% NLĐ không thực sự tự tin vào kỹ năng công nghệ của bản thân.

Ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi, cho hay, việc tuyển nhân lực có trình độ chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là chất lượng đào tạo ở các trường chưa cao, đa số sinh viên vẫn học lý thuyết, trong khi kiến thức trong sách vở đã lạc hậu, không còn phù hợp ứng dụng trong thời đại công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ. Đa phần kiến thức trong trường chỉ trang bị ở mức độ cơ bản, kỹ năng cũng chỉ được đào tạo một chiều. Khá lớn người học đang làm theo “bài toán mẫu, bài văn mẫu”, nên khi gặp thực tế không áp dụng được.

Phối hợp đào tạo nhân lực

Cũng theo ông Lê Mai Hữu Lâm, để giải bài toán thiếu kỹ năng, kinh nghiệm của NLĐ mới ra trường và phục vụ nhu cầu phát triển, các doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với nhà trường để đào tạo nhân lực. Ví dụ như Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi đã ký kết hợp tác với hơn 20 trường đại học, cao đẳng để sinh viên thực tập tại công ty.

Bên cạnh đó, công ty cũng “tự cứu mình” bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ của nước ngoài để đào tạo nâng cao trình độ của đội ngũ NLĐ. Công ty là một trong những doanh nghiệp nhận được gói hỗ trợ trị giá 150.000 USD của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để tái cấu trúc, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tới các quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Cùng với đó là sự hỗ trợ của Tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) trong đào tạo đội ngũ quản lý, ban giám đốc về quản trị doanh nghiệp, quản lý sản xuất để nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thế giới...

Những cánh tay robot đang dần thay thế sức lao động con người tại các nhà máy. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tổng quan về thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho biết, yêu cầu của nhân lực hiện tại và tương lai chính là chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp theo xu hướng từ nhóm nghề giản đơn sang những nghề đòi hỏi trình độ, kỹ năng và tay nghề cao hơn.

Điều này đòi hỏi thị trường lao động phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động phù hợp với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong làn sóng ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo. Thực tế, tại các ngày hội việc làm vừa được tổ chức, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực công nghệ rất lớn, và 68% việc làm trong thời gian tới sẽ gắn liền với chuyển đổi số.

Có thể khẳng định, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trí thức đối với hoạt động của các trường đại học, giáo dục nghề nghiệp là phù hợp với phát triển thị trường lao động theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa sự gắn kết “3 nhà” (gồm: Nhà nước, nhà trường và nhà tuyển dụng) một cách thực chất để thu hút các nguồn lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

* Ông ĐỖ THANH VÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi):

Thu hút tư nhân đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội

Thực trạng thị trường lao động đang mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và nhân lực trình độ lành nghề; vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất - kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp đặt ra nhiều tiêu chí quan trọng trong việc tuyển dụng lao động, như các tiêu chí về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm…

Vì vậy, việc tham gia đồng bộ của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, trường đào tạo và xã hội để từng bước nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng là điều hết sức cần thiết. Phải đẩy mạnh chuyển dịch lao động dư thừa từ nông nghiệp, không có nghề, khu vực phi chính thức sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch chuyển lao động có tay nghề chuyên môn trung bình lên bậc cao, trình độ cao.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo; thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động; phát triển các chương trình nghiên cứu về chính sách thị trường lao động, chính sách đào tạo; chú trọng thu hút khu vực tư nhân tham gia các hoạt động đào tạo theo nhu cầu xã hội; tạo sự phối hợp chặt chẽ từ trách nhiệm các cơ quan nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp, người học và xã hội.

* Bà TRẦN THỊ THU DIỄM, người lao động, ngụ quận Bình Tân, TPHCM:

Nghề nào cũng phải cập nhật kiến thức công nghệ

Lĩnh vực giúp việc nhà cũng cần thích nghi dần với công nghệ. Để tìm việc, tôi phải cập nhật kiến thức về công nghệ, tìm việc online. Mong muốn sớm kiếm được việc làm giúp việc theo giờ, có thêm thu nhập, qua một ứng dụng tìm việc trên điện thoại thông minh, tôi đăng ký tài khoản và làm các bài kiểm tra năng lực trên ứng dụng này. Sau khi phỏng vấn và hồ sơ được xét duyệt, tôi tham gia khóa đào tạo thực hành để nắm sơ bộ cách vận hành một số vật dụng hiện đại mà các gia đình đang sử dụng.

Công nghệ phát triển nên đòi hỏi về thị trường lao động giúp việc cũng khác trước. Ngoài các yêu cầu vốn có, chúng tôi phải tiếp cận công nghệ tốt, thành thạo tương tác qua ứng dụng để tiếp nhận, xử lý công việc.

NGÔ BÌNH - THÁI PHƯƠNG ghi

NGÔ BÌNH - THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-chat-nguon-nhan-luc-post737840.html