Nâng chất nguồn nhân lực dân tộc thiểu số

Bình Phước là tỉnh miền núi với 19,67% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). So với mặt bằng chung của tỉnh, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, tốc độ phát triển kinh tế… vùng DTTS còn nhiều hạn chế. Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bình Phước đã triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thể lực nâng cao

Dù nguồn nhân lực y tế còn thiếu ở tất cả các tuyến, nhất là tỷ lệ bác sĩ/vạn dân chưa đạt nhưng mạng lưới y tế cơ sở được phủ kín đến tận xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài tuyến tỉnh, 10 cơ sở tuyến huyện, 111 cơ sở tuyến xã thì còn có mạng lưới y tế ngành cao su, lực lượng vũ trang và cơ sở y tế tư nhân. Toàn tỉnh có 4.400 cán bộ, nhân viên y tế công, tư; 838 nhân viên y tế thôn, bản và 1.658 cộng tác viên dân số với tỷ lệ 8,6 bác sĩ/vạn dân (năm 2022). Ngoài 31 trạm y tế tuyến xã chỉ thực hiện chức năng dự phòng, số còn lại đều đã có bác sĩ. Qua đó, đảm bảo công tác dự phòng và khám, chữa bệnh cho nhân dân mọi lúc, mọi nơi.

Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ và chăm sóc sức khỏe cho trẻ... được giám sát, hỗ trợ chặt chẽ. Qua đó, tỷ lệ tử vong bà mẹ người DTTS/100.000 trẻ sơ sinh sống hiện không còn xảy ra.

Bệnh viện Quân dân y 16, Binh đoàn 16 khám, phát thuốc miễn phí cho đồng bào DTTS huyện Bù Đăng

Các hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng, cân, đo để theo dõi tăng trưởng hằng tháng, quý đối với trẻ dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi được giám sát chặt chẽ. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ (%) suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ DTTS dưới 5 tuổi và tỷ suất (‰) trẻ tử vong dưới 1 tuổi người DTTS đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nâng cao chất lượng dân số trong cộng đồng DTTS thông qua việc cung ứng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên; khuyến khích sinh từ 1-2 con, không phân biệt giới tính và mang thai trong độ tuổi sinh đẻ; vận động phụ nữ DTTS đến cơ sở y tế khám thai định kỳ và không sinh con tại nhà… được thực hiện đồng bộ. Mặt khác, nhằm đảm bảo phát triển thể chất người DTTS, ngành y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi người DTTS năm 2020 là 0,25‰, đến năm 2022 là 0,00‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ DTTS dưới 5 tuổi là 9,8% vào năm 2020 và 9,3% vào cuối năm 2022; tuổi thọ bình quân của người DTTS năm 2020 là 73,9 và đến năm 2022 là 74. Tất cả chỉ số nêu trên đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Dân trí phát triển

Song song với y tế, mạng lưới giáo dục được quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS khó khăn. Hiện toàn tỉnh có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT); trong đó, giai đoạn 2016-2022 đã xây mới và thành lập Trường phổ thông DTNT THCS huyện Bù Đốp, chuyển địa điểm và xây mới Trường phổ thông DTNT THCS huyện Lộc Ninh theo hướng chuẩn quốc gia.

Công tác tuyển sinh được tỉnh quan tâm thực hiện đảm bảo tỷ lệ của từng thành phần DTTS và theo địa bàn. Riêng đối với học sinh THPT tuyển sinh trong toàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS. Tỷ lệ lên lớp thẳng của học sinh khối 6, 7, 8, 10, 11 học tại các trường phổ thông DTNT hằng năm đạt 98,7% trở lên; tỷ lệ tốt nghiệp THCS&THPT hằng năm đạt 100%.

Việc thực hiện chính sách cử tuyển được tỉnh quan tâm. Trong quá trình bố trí, sử dụng cán bộ, các cấp ủy đảng luôn chú ý đến đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Từ năm 2016 đến nay, căn cứ kết quả tốt nghiệp đại học ra trường của sinh viên người DTTS diện cử tuyển, UBND tỉnh bố trí công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện cho 152 người thuộc các chuyên ngành đúng vị trí việc làm; trong đó, nhiều cán bộ trẻ người DTTS được quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Học sinh Trường phổ thông DTNT THCS&THPT Bù Gia Mập nhận học bổng dịp khai giảng năm học 2018-2019

Những năm qua, Bình Phước thực hiện nhiều chính sách đặc thù như: ưu đãi đối với các trường chuyên, trường phổ thông DTNT, hỗ trợ học sinh, sinh viên người DTTS thuộc hộ nghèo, cận nghèo; tổ chức họp mặt trao kinh phí cho sinh viên DTTS… Qua đó đã góp phần không nhỏ giúp người dân vùng DTTS và miền núi từng bước tiếp cận, nâng cao và thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh.

Để phát triển toàn diện nguồn nhân lực các DTTS, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ có liên quan. Theo đó, giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh có 108 lượt cán bộ, công chức, viên chức DTTS được tỉnh cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đã thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.479 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Từ những chính sách thiết thực, giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh đã đào tạo 77.786 người, đạt 173% so với kế hoạch đề ra; trong đó 10.243 người DTTS có bằng cấp, chứng chỉ; số người DTTS được giải quyết việc làm chiếm 15,95%/tổng số người được giải quyết việc làm toàn tỉnh.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng việc thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2022 trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đặc biệt, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở một số cơ quan, đơn vị từ cấp xã đến cấp tỉnh chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở giáo dục; tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng tuổi bậc tiểu học, THCS; tỷ lệ sinh viên DTTS học đại học, cao đẳng và sau đại học đều chưa đạt theo kế hoạch...

Những năm qua, mạng lưới giáo dục được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khó khăn - Trong ảnh: Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Bù Đốp trong một giờ học

Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực DTTS thời gian tới, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Bố trí biên chế để thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, tuyển dụng, bố trí người DTTS tốt nghiệp đại học công tác trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ tỷ lệ. Đảm bảo tất cả trạm y tế tuyến xã có bác sĩ làm việc thường xuyên hoặc tăng cường, luân phiên từ tuyến trên về tuyến dưới và ngược lại để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Qua đó, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, giúp người DTTS, người nghèo, các đối tượng chính sách được tiếp cận đầy đủ dịch vụ y tế chất lượng.

Đồng thời quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phát triển mạng lưới trường, lớp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đưa trẻ đến trường, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng mới số phòng học còn thiếu tại các thôn, xã khu vực đặc biệt khó khăn, vùng DTTS. Phối hợp với công ty, xí nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt nhu cầu tuyển lao động và tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp để tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp học nghề, cung cấp thông tin thị trường, tổ chức sàn giao dịch việc làm, hỗ trợ tìm việc làm cho người DTTS. Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nghề phù hợp với người DTTS.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/145235/nang-chat-nguon-nhan-luc-dan-toc-thieu-so