NASA công bố kế hoạch tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất

Một hình minh họa của NASA mô tả Europa Clipper đang lướt trên bề mặt băng giá, đầy muối của Europa với hậu cảnh là Sao Mộc. Ảnh: NASA

* Tàu thăm dò Rosalind của châu Âu sẽ được phóng lên sao Hỏa vào năm 2028

Ngày 11/4, các nhà nghiên cứu không gian Mỹ công bố tàu vũ trụ Clipper mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) có kế hoạch phóng đến một trong những mặt trăng của Sao Mộc. Đây cũng là một trong những sứ mệnh nhằm tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Tàu vũ trụ có trị giá 5 tỉ USD hiện đang được đặt trong một “phòng vô trùng” tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA để đảm bảo tàu không mang theo vi khuẩn từ Trái Đất đến mặt trăng của Sao Mộc. Theo kế hoạch, trong tháng 10 tới, NASA sẽ phóng tàu Clipper không người lái đến hành tinh Europa - một trong hàng chục mặt trăng quay quanh quỹ đạo của hành tinh lớn nhất Hệ Mặt Trời và ở vị trí gần nhất trong khu vực thiên thể của chúng ta có thể mang lại sự sống.

Dự kiến tới cuối mùa Xuân, tàu Clipper sẽ được đưa đến Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida. Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên sẽ tiến hành những khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi phóng tàu.

Sau khi được phóng đi, tàu vũ trụ sẽ hướng về phía Sao Hỏa và vào tháng 12/2025 tàu sẽ tới vị trí đủ gần Sao Hỏa để có thể tận dụng lực hấp dẫn từ hành tinh này giúp tăng thêm động lượng. Vào năm 2031, tàu sẽ đi vào quỹ đạo quanh Sao Mộc và Europa, bắt đầu nghiên cứu chi tiết về mặt trăng mà các nhà khoa học tin rằng được bao phủ trong nước đóng băng.

Theo NASA, Clipper Europa sẽ phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong hành trình trên, bao gồm những rung lắc dữ dội trong quá trình phóng tên lửa, môi trường nóng, lạnh khắc nghiệt của không gian và bức xạ lớn của Sao Mộc.

NASA cho biết nhiệm vụ chính của Clipper là khám phá Mặt trăng Europa của Sao Mộc để xác định những vị trí có khả năng hỗ trợ sự sống bên dưới bề mặt băng giá của hành tinh này. Theo NASA, mục tiêu của sứ mệnh bao gồm nghiên cứu độ dày lớp vỏ băng giá của Europa, sự tương tác bề mặt với đại dương, thành phần và địa chất của hành tinh này.

* Châu Âu một lần nữa bắt tay vào cuộc thám hiểm hành tinh sao Hỏa. Sứ mệnh ExoMars, bao gồm việc gửi một robot di động đến Hành tinh Đỏ, vừa đạt được dấu mốc quan trọng.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Công ty Thales Alenia Space của Pháp và Ý hôm 9/4 đã công bố việc ký kết hợp đồng trị giá 522 triệu euro để thực hiện sứ mệnh này với mục tiêu phóng tàu thăm dò vào cuối năm 2028.

Hợp đồng khung được Công ty Thales Alenia Space ký kết bao gồm việc phát triển modul cất cánh và hạ cánh, cũng như các hoạt động bảo trì và nâng cấp cho các phương tiện đã được sản xuất cho sứ mệnh năm 2022. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng sẽ hợp tác thực hiện sứ mệnh.

Theo ESA, tàu thám hiểm sẽ di chuyển tự động trên bề mặt sao Hỏa, sẽ khoan và khám phá sâu hơn bất kỳ sứ mệnh nào trước đây trên sao Hỏa. Robot sẽ khám phá bề mặt sao Hỏa để trả lời câu hỏi mà nhân loại đã đặt ra từ lâu: liệu đã từng có sự sống trên hành tinh này?

Được thiết kế để có thể khoan sâu tới 2m dưới bề mặt sao Hỏa, tàu thám hiểm sẽ thu thập và phân tích các mẫu để phát hiện các dấu hiệu của sự sống trong quá khứ hoặc hiện tại.

Ông Daniel Neuenschwander, Giám đốc phụ trách thám hiểm bằng con người và robot tại ESA, cho biết đây là bước quan trọng trong quá trình khám phá sao Hỏa đang tiếp diễn. ExoMars sẽ được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2028 và sẽ đổ bộ xuống sao Hỏa vào năm 2030.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/315306/nasa-cong-bo-ke-hoach-tim-kiem-su-song-ngoai-trai-dat.html