Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong phần còn lại của năm nay
Theo một cuộc khảo sát các nhà kinh tế của Reuters, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ duy trì động lực vững chắc trong thời gian còn lại của năm nay và sang năm 2025, bất chấp những dự đoán trước đó về tình trạng suy thoái.
Sự thay đổi trong triển vọng tăng trưởng này mang đến những thách thức riêng cho các ngân hàng trung ương, vốn đã tăng lãi suất liên tiếp để cố gắng đẩy lạm phát xuống mức mục tiêu nhưng giờ đây có thể phải đợi lâu hơn nữa trước khi xem xét giảm lãi suất.
Trong số các nền kinh tế lớn hơn, Mỹ và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều nhất vào sự phục hồi tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu. Cuộc khảo sát của Reuters được thực hiện từ ngày 27/3 đến ngày 25/4 đối với 500 nhà kinh tế tại 48 nền kinh tế đưa ra quan điểm đồng thuận đối với khu vực đồng euro và Trung Quốc cũng không có sự suy giảm tăng trưởng nào.
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo ở mức 2,9% trong năm nay, nhanh hơn so với dự báo 2,6% trong cuộc khảo sát tháng 1; tiếp theo là 3% vào năm 2025 và có khả năng đáng kể là tăng trưởng còn mạnh hơn nữa.
Phần lớn các nhà kinh tế cho biết, nền kinh tế toàn cầu năm nay có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh hơn họ mong đợi hơn là cắt giảm dự báo.
Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Citi cho biết: “Chúng tôi tiếp tục ngạc nhiên trước khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, một phần lý do là chúng tôi bước vào năm nay với những kỳ vọng thấp hơn, thậm chí là đã nghĩ sẽ có sự giảm tốc… Cho đến nay, chúng tôi đã đánh dấu sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu ở một số nơi, bao gồm cả các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, châu Âu ở một mức độ nào đó. Vì vậy, tăng trưởng có vẻ vững chắc”.
Mặt khác, tăng trưởng mạnh được kỳ vọng sẽ giữ lạm phát và lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Bên cạnh đó, hơn 75% số ngân hàng trung ương được khảo sát (16 trong số 21 ngân hàng trung ương) dự kiến vẫn sẽ phải đối mặt với tình trạng lạm phát ở mức cao hơn mục tiêu vào cuối năm nay.
Các nhà kinh tế vẫn kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn sẽ cắt giảm lãi suất trong quý này hoặc quý tới, nhìn chung phù hợp với giá cả thị trường tài chính, nhưng hầu hết hiện nay đều dự báo sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn vào cuối năm do lạm phát vẫn ở mức cao.
Theo cuộc khảo sát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm vào tháng 9 và một lần nữa vào quý IV, muộn hơn nhiều so với thời điểm bắt đầu vào tháng 3 và tổng cộng 6 lần cắt giảm lãi suất mà thị trường tài chính đã định giá vào đầu năm.
Bất chấp mức tăng trưởng GDP quý I mờ nhạt của Mỹ vừa được công bố, rủi ro vẫn xảy ra đối với Fed trong việc cắt giảm lãi suất ít hơn trong năm nay do dữ liệu lạm phát cơ bản đi kèm báo cáo việc làm cho thấy áp lực đang tăng lên chứ không giảm bớt.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 6, tiếp theo là hai đợt nữa vào nửa cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng trong khu vực dự kiến chỉ tăng trưởng trung bình 0,5% vào năm 2024.
Khoảng cách ngày càng lớn đó đã khiến đồng đô la mạnh, tăng hơn 4% trong năm nay so với rổ tiền tệ.
James Rossiter, người đứng đầu chiến lược vĩ mô toàn cầu tại TD Securities cho biết: “Một câu hỏi mà chúng tôi nhận được khá nhiều là liệu châu Âu có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất trước Fed không?...Và tôi sẽ nói... khi chúng ta nhìn lại lịch sử, liệu ECB có bắt đầu vào tháng 6 và Fed bắt đầu vào tháng 9 hay không, tất cả sẽ có vẻ như là một phần của cùng một chu kỳ cắt giảm”.
Cuộc khảo sát cho thấy, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) - ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất vào tháng 12/2021 - dự kiến sẽ hạ lãi suất trong quý tới.