Nga tuyên bố bắn hạ 4 tên lửa tầm xa ATACMS ở Crimea

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay (4-5) tuyên bố bắn hạ 4 tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất trên bán đảo Crimea.

Tuyên bố cho biết đây là tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa mà Washington đã chuyển cho Ukraine trong những tuần gần đây, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Giới chức Nga hôm 30-4 cũng cho biết họ đã bắn hạ 6 tên lửa ATACMS mà Ukraine dùng tấn công Crimea, theo Reuters.

Vụ tấn công mới nhất nhằm vào Crimea diễn ra trong bối cảnh Nga cảnh báo bất kỳ "hành động gây hấn" nào nhằm vào Crimea đều sẽ thất bại và bị "đáp trả thảm khốc".

"Tôi lần nữa cảnh báo Washington, London, Brussels rằng bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea không chỉ chắc chắn thất bại, mà còn dẫn tới đòn đáp trả tàn khốc"- phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong cuộc họp báo hôm 3-5.

Tuyên bố của bà Zakharova được đưa ra sau khi đặc phái viên Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergey Kislitsa đưa ra lời đe dọa ngầm đối với cầu Crimea, ngụ ý rằng công trình này sẽ không còn tồn tại vào cuối năm 2024.

Hình ảnh cây cầu Crimea vốn nhiều lần bị tấn công gây hư hại. Ảnh: Reuters

Trước đó, các quan chức cấp cao của Ukraine cũng nhiều lần tuyên bố việc phá hủy cây cầu bắc qua eo biển Kerch là ưu tiên hàng đầu của Kiev, khẳng định đây là mục tiêu quân sự hợp pháp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng trước đã nói với truyền thông Đức rằng việc phá hủy cầu Crimea là điều mà "chúng tôi rất mong muốn".

Cầu Crimea được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 và là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga. Nga đã sáp nhập bán Crimea vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Bán đảo Crimea cũng là nơi đặt Hạm đội Biển Đen của Nga.

Một quan chức Washington cho biết vào tháng trước rằng Mỹ đã bí mật vận chuyển tên lửa tầm xa tới Ukraine trong những tuần gần đây.

Tên lửa ATACMS, với tầm bắn lên tới 300 km đã được sử dụng lần đầu tiên vào rạng sáng ngày 17-4, nhằm vào một sân bay Nga ở Crimea, cách tiền tuyến Ukraine khoảng 165 km, quan chức này cho biết.

Lầu Năm Góc ban đầu phản đối việc triển khai tên lửa tầm xa vì lo ngại rằng việc lấy tên lửa từ kho dự trữ sẽ làm tổn hại đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.

Bằng Hưng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nga-tuyen-bo-ban-ha-4-ten-lua-tam-xa-atacms-o-crimea-196240504163039232.htm