Ngán 'nước sạch', nhiều người dân Hải Phòng quay trở lại dùng nước giếng khoan

Mô hình nhà máy nước mini bộc lộ rõ nhược điểm khi chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo, khiến người dân phải chuyển sang dùng nước giếng khoan. Hải Phòng chủ trương chuyển sang nhà máy nước tập trung.

Từ nửa tháng nay, gia đình ông Nguyễn Ngọc Hoán, Trưởng thôn An Tử 2, xã Khởi Nghĩa đã phải chuyển sang sử dụng nước giếng khoan thay vì nước máy được cung cấp bởi một nhà máy nước mini trong xã.

Lo ngại chất lượng nước sinh hoạt của nhà máy nước mini

"Nước cung cấp từ nhà máy nước có màu xanh, hôi. Con cháu tôi sử dụng để tắm mà còn bị mẩn ngứa, thì sao dám dùng ăn uống được. Vì vậy, tôi báo phía nhà máy dừng dùng nước, quay trở lại sử dụng nước giếng khoan cũ của gia đình" – ông Hoán nói.

 Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hoán phải sử dụng nước giếng khoan được bơm lên từ nửa tháng nay do nước sạch nhà máy nước cung cấp không bảo đảm. Ảnh: Ngọc Sơn

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Hoán phải sử dụng nước giếng khoan được bơm lên từ nửa tháng nay do nước sạch nhà máy nước cung cấp không bảo đảm. Ảnh: Ngọc Sơn

Nhiều hộ trong thôn An Tử 2 cũng đang trong tình cảnh như vậy. Trước tình trạng chất lượng nước sạch nông thôn không hề sạch, những nhà chưa có nguồn khác mấy ngày nay phải thuê thợ khoan giếng lấy nước ngầm sử dụng. Chi phí mỗi giếng khoan như vậy gần 5 triệu đồng.

Còn ở thôn Ninh Duy 2, Trưởng thôn Dương Văn Hân cho biết khoảng một nửa trong số 178 hộ thôn của ông đến nay đã dùng nước giếng khoan thay vì nước máy do không bảo đảm chất lượng.

Cũng ở huyện Tiên Lãng, nhiều người dân xã Khởi Nghĩa cũng rơi vào tình cảnh này. Anh Lương Văn Tương, xã Cấp Tiến cho biết các hộ xung quanh anh cũng đều đã quay sang sử dụng nước giếng khoan. "Nước máy có vị mặn và đục. Khi cho nước vào màng bọc một tí là đen. Người dân trên địa bàn xã rất bức xúc vấn đề này" – anh Tương nói.

Chỉ còn 2/20 nhà máy nước hoạt động tạm ổn

Theo báo cáo của UBND Tiên Lãng, trên địa bàn huyện hiện có 20 nhà máy nước mini do 10 công ty, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đầu tư từ nguồn cho đến mạng lưới đường ống phân phối. Mô hình nhà máy nước sinh hoạt mini này được triển khai theo chương trình nước sạch nông thôn của Hải Phòng.

Tuy nhiên đến nay chỉ còn 2 nhà máy đang hoạt động tạm ổn, với chất lượng nước sinh hoạt về đến các hộ gia đình đảm bảo an toàn.

18 nhà máy còn lại thì 13 nhà máy nước chất lượng không ổn định, thường xuyên không bảo đảm theo quy chuẩn; 3 nhà máy đang tạm dừng để lắp đặt bổ sung trạm tăng áp, 2 cơ sở dừng hoạt động hoàn toàn.

 Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tiên Lãng sử dụng nước giếng khoan thay vì nước máy của các nhà máy nước mini trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Sơn

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tiên Lãng sử dụng nước giếng khoan thay vì nước máy của các nhà máy nước mini trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Sơn

Trao đổi với PLO, ông Vũ Hồng Nam, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Lãng cho biết có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này. Đó là cơ sở hạ tầng của nhiều nhà máy xuống cấp, công nghệ xử lý lạc hậu và chất lượng nguồn nước thô đầu vào không bảo đảm.

Trong hai nguyên nhân chính thì nước thô là nguyên nhân khách quan vì thường các thời điểm cuối năm và đầu năm, lượng mưa ít, các kênh thủy lợi là nguồn nước cho các nhà máy nước mini bị xâm nhập mặn. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm tại một số khu vực kênh thủy lợi cũng khiến nguồn nước bị ảnh hưởng.

Để giải quyết vấn đề chất lượng nước thô, UBND Tiên Lãng đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiên Lãng dọn vệ sinh tuyến kênh trục 212, thay đảo nước thường xuyên khi có điều kiện. Tuy nhiên, Tiên Lãng đánh giá đây chỉ là giải pháp tình thế.

Mô hình nhà máy nước mini không còn phù hợp

Theo ông Phạm Xuân Hòa, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, trước thực trạng nguồn nước sinh hoạt cho người dân không bảo đảm, đầu tháng 5, Chủ tịch UBND Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã chủ trì họp với các sở ngành cũng như đại diện huyện Tiên Lãng.

Kết luận đưa ra là UBND huyện Tiên Lãng chỉ đạo các xã, các cơ quan chức năng của huyện tuyên truyền, vận động chủ 8 nhà máy nước mini được đánh giá có chất lượng nước sinh hoạt kém nhất trên địa bàn chuyển nhượng vùng cấp nước cho đơn vị cấp nước có đủ năng lực, chất lượng nước cấp bảo đảm theo quy định. Việc này phải hoàn thành trong tháng 6 tới.

Các nhà máy nước này nằm ở 8 xã Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Vinh Quang, Bạch Đằng, Cấp Tiến, Đoàn Lập, Kiến Thiết.

 Chất lượng nguồn nước tại các kênh thủy lợi trên địa bàn huyện Tiên Lãng ảnh hướng tới nguồn nước máy sinh hoạt của người dân. Ảnh: Ngọc Sơn

Chất lượng nguồn nước tại các kênh thủy lợi trên địa bàn huyện Tiên Lãng ảnh hướng tới nguồn nước máy sinh hoạt của người dân. Ảnh: Ngọc Sơn

Đối với 10 nhà máy không bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt còn lại thì vận động chủ các nhà máy chuyển nhượng vùng cấp nước cho đơn vị cấp nước có đủ năng lực, chất lượng nước cấp bảo đảm theo quy định cho người dân, hoàn thành trong tháng 8.

Chủ tịch Hải Phòng cũng yêu cầu sau khi chủ nhà máy nước mini đồng thuận với chủ trương của thành phố thì UBND huyện Tiên Lãng phối hợp đơn vị cấp nước mới xác định lộ trình dừng nhà máy nước mini, vận động nhân dân hỗ trợ kinh phí cho các chủ nhà máy nước mini.

Chuyển sang nhà máy nước tập trung quy mô lớn

Đơn vị cấp nước có đủ năng lực, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt đến nay được xác định là các công ty cấp nước lớn chứ không phải là các nhà máy nước mini như trước nữa. Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng cho biết, huyện đã làm việc với Công ty CP Cấp nước Hải Phòng để nghiên cứu tiếp quản mạng lưới cấp nước cho các xã trên địa bàn.

Trước mắt, đôi bên đã thống nhất lộ trình đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến ống D400 cấp nguồn khu vực phía Tây của huyện.

Huyện cũng đang vận động chủ đầu tư các nhà máy nước mini chuyển đổi vùng cấp nước cho đơn vị mới. Theo đó,huyện đã thành lập 3 tổ công tác kiểm kê hiện trạng, giá trị tài sản hạ tầng của các đơn vị cấp nước báo cáo Sở NN&PTNT, Sở Tài chính thành phố làm căn cứ thực hiện việc chuyển nhượng kinh doanh vùng cấp nước.

“Phương án tìm nguồn nước sinh hoạt bảo đảm chất lượng, ổn định thay thế đã có. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là việc thanh toán chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra để đầu tư các nhà máy nước, trong đó là vận động nhân dân hỗ trợ kinh phí như thế nào cho các chủ nhà máy nước" – ông Hòa nói.

NGỌC SƠN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ngan-nuoc-sach-nhieu-nguoi-dan-hai-phong-quay-tro-lai-dung-nuoc-gieng-khoan-post790751.html