Ngành Công thương nỗ lực chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp

BHG - Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), Sở Công thương đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp CĐS trong hoạt động của ngành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác quản lý, điều hành; khuyến khích người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng CĐS trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến xây dựng môi trường CĐS toàn diện.

Điển hình như Sở Công thương đã ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và CĐS và thông tin truyền thông của Sở. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các kế hoạch của UBND tỉnh, các nhiệm vụ CĐS trong hoạt động thương mại. Phát động phong trào thi đua CĐS đến toàn thể cán bộ, công nhân viên trong cơ quan. Duy trì trang thông tin điện tử của Sở, đáp ứng nhu cầu đăng tải, khai thác thông tin của người dân và doanh nghiệp. Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành Công thương gắn với hoạt động CĐS bảo đảm cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời các hoạt động của ngành. Sở cũng áp dụng các nền tảng số, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh triển khai để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước như tiếp nhận, chuyển xử lý và ban hành văn bản điện tử; gửi liên thông văn bản đến các cơ quan, đơn vị qua hệ thống VNPT iOffice.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên điện thoại thông minh thông qua mã QR code.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên điện thoại thông minh thông qua mã QR code.

Thực hiện CĐS gắn với cải cách hành chính, Sở Công thương đã thực hiện cung cấp dịch vụ trực tuyến, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Đến hết năm 2023, ngành Công thương có tổng số 146 thủ tục hành chính; trong đó cấp tỉnh 127 thủ tục, cấp huyện 17 thủ tục và cấp xã 2 thủ tục. Đối với hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đã được số hóa 100% đến kết quả giải quyết. Quá trình giải quyết thủ tục đều đảm bảo tính năng động, linh hoạt, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Một điểm nhấn CĐS trong hoạt động của ngành Công thương thời gian qua đó là hỗ trợ doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại với nhiều hoạt động thiết thực như: Tập huấn, hướng dẫn đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử; phối hợp với các đơn vị (Tập đoàn FPT, Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Giang…) hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX mở gian hàng trực tuyến trên các sàn giao dịch điện tử như Sendo, Voso, Postmart; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX áp dụng các giải pháp công nghệ số (mã QR code) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm; xây dựng và duy trì hoạt động sàn thương mại điện tử tỉnh (dacsanhagiang.net) để quảng bá các sản phẩm nông sản của địa phương tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Chị Lý Mùi Mương, Phó Giám đốc HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) cho biết: Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều đợt tập huấn đến tận các huyện. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX nắm vững quy trình, cách khởi tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng phát sinh. Hướng dẫn cài đặt phần mềm ứng dụng và tài khoản bán hàng trên điện thoại thông minh; cách chụp ảnh, quay video clip, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức đóng gói, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm; các kỹ năng quảng bá, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản thông qua sàn thương mại điện tử như: Postmart, Sendo, Voso... Giúp chúng tôi nâng cao kỹ năng bán hàng, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm của HTX tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn.

Cùng với đó, ngành Công thương cũng tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thực hiện hiệu quả công tác CĐS trên địa bàn. Từ tháng 6.2022, tỉnh ta bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình chợ 4.0 tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang. Sau một thời gian ngắn, mô hình này đã được áp dụng rộng rãi tại các huyện, thành phố. Các đơn vị liên quan đã phối hợp hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng Viettel Money trên điện thoại di động và tạo mã QR cho các tiểu thương. Tính hết năm 2023, toàn tỉnh có gần 30.000 điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; tăng trưởng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 177%; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt hơn 80%.

Ngoài ra, để thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực của ngành, Sở Công thương đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu khai báo thủ tục hải quan, khai báo thuế, kiểm dịch động, thực vật theo hình thức điện tử. Duy trì và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đảm bảo cho các hoạt động lãnh đạo, điều hành của Sở được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại, phấn đấu đạt mục tiêu 50% hàng hóa của tỉnh được chứng nhận OCOP, chỉ dẫn địa lý có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 30% doanh nghiệp, HTX thuộc lĩnh vực Công thương được hỗ trợ thực hiện CĐS.

Bài, ảnh: YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/cong-thuong-ha-giang/202405/nganh-cong-thuong-no-luc-chuyen-doi-so-phuc-vu-nguoi-dan-doanh-nghiep-5fe3c7e/