Ngành Kỹ thuật địa chất: Học phí thấp, cơ hội việc làm rộng mở

Kỹ thuật địa chất được đánh giá là một trong những ngành học có nhiều triển vọng nghề nghiệp, với đa dạng vị trí việc làm.

Trường Đại học và Tài nguyên môi trường Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục có tuyển sinh, đào tạo ngành Kỹ thuật địa chất. Nhà trường bắt đầu đào tạo ngành học này từ năm 2013.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Khánh Tùng (cựu sinh viên ngành Kỹ thuật địa chất, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện làm việc tại Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển) cho biết, đây là ngành học khá đặc thù, đòi hỏi người học kiên trì, đam mê.

Anh Nguyễn Khánh Tùng chia sẻ: "Sinh viên ngành Kỹ thuật địa chất muốn sau khi tốt nghiệp có thể có được công việc đúng chuyên ngành thì trong quá trình học phải thật sự nghiêm túc, không ngừng trau dồi và bồi dưỡng kiến thức nền tảng, chuyên môn. Bên cạnh đó, người học cũng cần bổ sung kiến thức về tin học, ngoại ngữ và sử dụng thành thạo một số phần mềm hỗ trợ về kỹ thuật địa chất.

Nhân sự cũng cần xác định rằng công tác trong ngành đặc thù này sẽ thường xuyên đi công tác ở các địa phương, có thể đến các vùng sâu vùng xa để làm việc. Ngoài ra, việc có sức khỏe tốt và các kỹ năng mềm cũng sẽ là điểm cộng trong quá trình tuyển dụng".

Theo anh Tùng, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật địa chất có đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập và có nhiều cơ hội xin việc tại các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện nghiên cứu, các trường đại học và các sở ban ngành tại các tỉnh, địa phương. Hoặc các em cũng có thể làm việc trong các doanh nghiệp, đơn vị tư nhân, mức lương dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Sau khi có thâm niên và kinh nghiệm, thu nhập của người lao động sẽ cao hơn.

Còn em Nguyễn Đình Hiếu (sinh viên năm cuối, ngành Kỹ thuật địa chất, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, bản thân lựa chọn ngành học này một phần xuất phát từ sở thích cá nhân, phần nữa là theo định hướng của gia đình.

Đình Hiếu cho biết: "Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật địa chất không chỉ được học tập, trang bị những kiến thức về lý thuyết trên giảng đường mà còn được đi thực tập thực tế, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và các diễn đàn hội thảo chuyên ngành địa chất. Sau khi ra trường em mong muốn có thể làm công việc đúng chuyên ngành đã theo học".

Kỹ thuật địa chất là ngành học có cơ hội việc làm đa dạng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phí Trường Thành - Trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Kỹ thuật địa chất có nhiều điều kiện thuận lợi.

Thứ nhất, với nhận thức ngày càng cao về vấn đề môi trường và tài nguyên, ngành Kỹ thuật Địa chất đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ xã hội, các bộ ban ngành trong việc tuyển sinh, đào tạo và các chính sách với ngành này.

Thứ hai, về tiềm năng việc làm, sau khi tốt nghiệp ngành này người học có cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực như quản lý tài nguyên, môi trường, khai thác khoáng sản, nghiên cứu khoa học, giảng viên... tại các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở khoa học công nghệ các tỉnh, viện nghiên cứu, các trường đại học và có cơ hội học tập nâng cao trình độ tại các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ ba, sự hợp tác với các trường đại học và tổ chức quốc tế trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học có thể giúp cung cấp nguồn lực và kiến thức mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành này.

Dù vậy, thầy Thành cũng bày tỏ, ngành Kỹ thuật địa chất là một ngành hẹp, không phải là ngành được biết đến quá rộng rãi, điều này có thể làm giảm sự quan tâm và hiểu biết của thí sinh về ngành nghề này.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các trường đại học đào tạo nhiều ngành nghề, ngành Kỹ thuật Địa chất đang phải cạnh tranh để thu hút sự chú ý của các thí sinh.

Với thực trạng các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh và điểm trúng tuyển đại học vào các nhóm ngành này không cao đang được dự báo là nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao trong tương lai.

Thầy Thành chia sẻ: "Nhà trường đã nhận thức rõ nguy cơ về thiếu hụt nguồn nhân lực trong các ngành khoa học cơ bản là do khó khăn trong công tác tuyển sinh và do số lượng thí sinh quan tâm đăng ký ít nên điểm trúng tuyển vào ngành không cao. Với mục tiêu là tăng cường sự hấp dẫn và thu hút của ngành, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các ngành này thông qua việc tăng thu hút sự quan tâm và tham gia của thí sinh từ việc tạo điều kiện về chính sách hỗ trợ, miễn phí ở ký túc xá. Đồng thời, nhà trường cũng đang xem xét và thực hiện các biện pháp đổi mới trong phương pháp tuyển sinh như đa dạng tổ hợp xét tuyển, tăng thêm nhiều phương thức tuyển sinh.

Hơn nữa, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động về địa chất khoáng sản trong việc phát triển chương trình đào tạo và quan tâm tới quá trình học tập của từng sinh viên với hy vọng đảm bảo rằng người học được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Nhà trường khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, các khóa học và các sự kiện liên quan đến các ngành Kỹ thuật địa chất nhằm trang bị kỹ năng thực tế và kỹ năng mềm cho các em".

Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng

Theo Trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật địa chất được xây dựng theo định hướng ứng dụng với hai chuyên ngành chính là Địa chất khai thác mỏ và Quản lý tài nguyên khoáng sản. Chương trình đào tạo được thiết kế với thời lượng khoảng 70% khối kiến thức lý thuyết và 30% khối kiến thức thực hành - thực tập cho mỗi học phần.

"Để đáp ứng được mục tiêu nêu trên, công tác đào tạo nói chung và thực hành - thực tập nói riêng luôn được nhà trường chú trọng đầu tư. Hiện, Khoa Địa chất đang phụ trách 1 phòng thực hành - thực tập với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, Khoa Địa chất cũng đã ký biên bản ghi nhớ với một số đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để cho sinh viên đến thực hành - thực tập như Cục Địa chất Việt Nam, Cục Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và doanh nghiệp bên ngoài là công ty EGS thuộc tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực địa chất và địa vật lý...", thầy Thành thông tin thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phí Trường Thành khẳng định, đội ngũ giảng viên hỗ trợ phát triển ngành Kỹ thuật Địa chất được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, với lực lượng gồm: 1 phó giáo sư, 9 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, trong đó có 4 giảng viên đang là nghiên cứu sinh. Ngoài ra, hàng năm nhà trường và khoa cũng mời thêm các chuyên gia đầu ngành đến làm việc và thỉnh giảng.

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chú trọng thực hiện nhiều chính sách nhằm thu hút sinh viên theo học ngành Kỹ thuật địa chất.

Thầy Thành thông tin: "Học phí ngành Kỹ thuật địa chất đang ở mức thấp, chỉ 351.900 đồng/ tín chỉ. Sinh viên cũng luôn được tạo điều kiện tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án cùng với các thầy cô trong khoa để các em có cơ hội tiếp cận thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, nhà trường còn miễn phí toàn bộ chỗ ở tại ký túc xá đối với sinh viên theo học ngành Kỹ thuật địa chất trong 4 năm học tập".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phí Trường Thành cũng nêu một số kiến nghị để có thể tạo điều kiện thuận lợi trong tuyển sinh, đào tạo ngành Kỹ thuật địa chất.

Đầu tiên, cần có sự hỗ trợ trong việc tăng cường thông tin chi tiết và đầy đủ về ngành học này đến các thí sinh, phụ huynh, bao gồm cơ hội nghề nghiệp và tiềm năng phát triển trong tương lai đối với ngành.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ban ngành tiếp tục tạo điều kiện để ngành Kỹ thuật địa chất có nhiều chính sách thuận lợi trong việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp nhằm cung cấp thêm nhiều cơ hội thực hành - thực tập và làm việc cho sinh viên, từ đó giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm và kiến thức thực tế.

Hơn thế nữa, nhà nước cần có các chính sách đặc thù ngành tạo điều kiện, khuyến khích để thu hút giảng viên và sinh viên được tham gia vào các đề tài nghiên cứu, các dự án đối với ngành Kỹ thuật địa chất và các ngành khoa học cơ bản nói chung để từ đó tạo ra những đóng góp mới nhằm nâng cao uy tín của ngành học trong cộng đồng nghiên cứu và doanh nghiệp.

Theo thông báo tuyển sinh đại học chính quy năm 2024 của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trường tuyển 3.350 chỉ tiêu. Trong đó, tại trụ sở chính ở Hà Nội tuyển 3.280 chỉ tiêu. Tại phân hiệu Thanh Hóa, nhà trường chỉ tuyển 70 chỉ tiêu.

Năm nay, nhà trường tuyển 40 chỉ tiêu ngành Kỹ thuật địa chất. Các tổ hợp xét tuyển gồm: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); D15 (Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh).

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-ky-thuat-dia-chat-hoc-phi-thap-co-hoi-viec-lam-rong-mo-post242317.gd