Ngành Quan hệ công chúng nhiều năm có điểm chuẩn cao nhất HV Thanh thiếu niên VN

Dự kiến năm 2024, Học viện Thanh thiếu niên VN tuyển sinh 1630 chỉ tiêu. Trong đó, 380 chỉ tiêu cho ngành Luật và 330 chỉ tiêu cho ngành Quan hệ công chúng.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Youth Academy) mang sứ mệnh đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn, cung cấp nguồn cán bộ có chất lượng cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và hệ thống chính trị; đào tạo đại học, sau đại học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội; nghiên cứu, cung cấp các luận cứ về khoa học và thực tiễn cho Trung ương Đoàn quyết định các chủ trương về công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

Tầm nhìn đến năm 2045, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo đại học trong nhóm đầu, có uy tín ở Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn, lãnh đạo trẻ có chất lượng cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hệ thống chính trị và đáp ứng nhu cầu nguồn lực của xã hội; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và tính ứng dụng trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng.

Về lịch sử phát triển, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tiền thân là Trường Huấn luyện cán bộ đoàn được thành lập năm 1956. Năm 1995, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Cán bộ Thanh thiếu niên Trung ương, Viện Nghiên cứu Thanh niên, Phân viện miền Nam để phát triển thành cơ sở giáo dục đại học.

Địa chỉ trụ sở chính của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại số 3, phố Chùa Láng và số 58, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Phân hiệu của học viện ở số 261, đường Hoàng Hữu Nam, phường Tân Phú, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Tiến sĩ Trịnh Minh Thái giữ chức Chủ tịch Hội đồng học viện; Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng giữ chức Giám đốc Học viện.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: T.L

Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh đáng chú ý

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam mở mới nhiều ngành học trong những năm gần đây.

Cụ thể, năm 2017, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bắt đầu đào tạo 3 ngành: Luật, Quan hệ công chúng và Quản lý nhà nước.

Đến năm 2019, học viện bắt đầu tuyển sinh ngành học mới là Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước.

Năm 2020, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bắt đầu đào tạo ngành Tâm lý học. Nhà trường tiếp tục mở thêm ngành Công tác xã hội vào năm 2021.

Từ năm 2022 đến nay, trường duy trì các ngành học hiện có, không mở mới thêm ngành học nào.

Về phương thức tuyển sinh, nhà trường tuyển sinh năm 2020 bằng 2 phương thức, là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; và xét điểm học bạ trung học phổ thông học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.

Đến năm 2021, ngoài 2 hình thức tuyển sinh nêu trên, học viện bổ sung thêm 3 phương thức tuyển sinh: Xét điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; Xét điểm học bạ trung học phổ thông lớp 10 và lớp 11; Xét tuyển thẳng theo quy định của nhà trường.

Sang đến năm 2022, nhà trường không sử dụng phương thức xét tuyển thẳng, chỉ thực hiện tuyển sinh dựa trên 4 phương thức tuyển sinh còn lại.

Năm 2023 và năm 2024, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam xét tuyển dựa trên 03 phương thức:

Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phương thức 2: Xét tuyển theo kết quả học tập học bạ bậc trung học phổ thông.
Phương thức 3: Xét điểm học bạ trung học phổ thông học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.

Biến động về chỉ tiêu và điểm chuẩn những năm qua

Để độc giả có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trong những năm gần đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu của một số ngành học tiêu biểu:

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cùng 2 ngành học có chỉ tiêu cao nhất toàn trường qua các năm

Theo Đề án tuyển sinh của học viện qua các năm, có thể thấy, chỉ tiêu tuyển sinh của trường có sự thay đổi qua các năm học. Cùng với đó, Luật và Quan hệ công chúng là hai ngành học có tổng chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất toàn học viện.

Năm 2020, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam có tổng chỉ tiêu 1200. Ngành Luật và ngành Quan hệ công chúng tuyển sinh 200 chỉ tiêu/ngành.

Năm 2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là 1400 chỉ tiêu, tăng hơn 200 chỉ tiêu so với năm 2020 trước đó. Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Luật và ngành Quan hệ công chúng cùng tăng lên mức 250 chỉ tiêu/ngành.

Sang đến năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của học viện tăng lên 1800 chỉ tiêu. Đồng thời, hai ngành học nêu trên cũng tiếp tục tăng mạnh lên 450 chỉ tiêu/ngành.

Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1580 chỉ tiêu. Chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Luật là 380, cao hơn 50 chỉ tiêu so với ngành Quan hệ công chúng (330 chỉ tiêu).

Dự kiến trong năm học 2024-2025 tới đây, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tuyển sinh tổng cộng 1630 chỉ tiêu. Trong đó, nhà trường dự kiến tuyển sinh 380 chỉ tiêu cho ngành Luật và 330 chỉ tiêu cho ngành Quan hệ công chúng.

Về điểm chuẩn, Luật và Quan hệ công chúng là hai ngành học có điểm đầu vào cao của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trong những năm gần đây.

Dưới đây là biểu đồ thể hiện sự biến động của điểm trúng tuyển giữa của 2 ngành học này qua các năm dựa vào kết quả xét tuyển của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên thang điểm 30, tổ hợp xét tuyển C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).

Điểm chuẩn của một số ngành Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam qua các năm (xét tuyển theo tổ hợp C00 - Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý)

Có thể thấy, năm học 2020, điểm chuẩn ngành Luật và Quan hệ công chúng đều đạt mức 17 điểm.

Năm 2021, điểm chuẩn ngành Luật và Quan hệ công chúng cùng tăng lên 2 điểm so với năm học trước, đạt 19 điểm ở cả hai ngành.

Năm học 2022-2023, điểm chuẩn của ngành Quan hệ công chúng tăng cao, đạt mức 26 điểm. Trong khi đó, ngành Luật tăng nhẹ 1 điểm, tương ứng là 20 điểm.

Trong năm học 2023-2024, điểm chuẩn của ngành Luật là 22 điểm. Ngành Quan hệ công chúng vẫn duy trì vị trí đầu tiên, luôn là ngành học có điểm chuẩn cao nhất học viện, với 24 điểm.

Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê kết quả khảo sát vào năm 2023 về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo một số ngành dưới đây:

Kết quả khảo sát vào năm 2023 về sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2022 được xác định theo một số ngành của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Qua biểu đồ có thể thấy, phần lớn sinh viên tốt nghiệp tại các ngành trong học viện đều có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp trong năm 2022.

Cụ thể, tỷ lệ sinh viên có việc làm của ngành Công tác thanh thiếu niên là 82.41%, tỷ lệ của ngành Quan hệ công chúng là 81.48%, ngành Quản lý nhà nước đạt 88.89%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ có việc làm của sinh viên mới ra trường của các ngành học như Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Công tác xã hội và ngành Luật lần lượt là 75.76%; 76.74% và 75.34%.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-quan-he-cong-chung-nhieu-nam-co-diem-chuan-cao-nhat-hv-thanh-thieu-nien-vn-post242812.gd