Ngành Tâm lý học: 'Thoát vai' bác sĩ cảm xúc, 'bật đèn xanh' nhóm nghề mới mẻ
Khi sức khỏe tinh thần ngày càng được quan tâm ở xã hội hiện đại, Tâm lý học đang 'lội ngược dòng' trở thành ứng cử viên sáng giá trên đường đua ngành nghề hot trong tương lai.
Ngành Tâm lý đang “lấy đà” trong thị trường việc làm
Không ít người cho rằng đây là ngành khó phát triển hay “kiếm cá” tại Việt Nam vì người Việt ít có nhu cầu được tham vấn tâm lý như ở nước ngoài. Nhưng trên thực tế, cô Nguyễn Thị Ngọc Vui (Thạc sĩ, Giảng viên ngành Tâm lý học, ĐH KHXH&NV, TP.HCM) cho biết Tâm lý học đang phát triển mạnh, nhiều ngành nghề mới được sinh ra và Tâm lý cũng có chỗ đứng quan trọng trong những nghề mới. Trải qua giai đoạn COVID-19, phải đối mặt với tình trạng lo âu, căng thẳng, khủng hoảng, sức khỏe tinh thần đã trở thành ưu tiên của nhiều người hơn. Vì vậy, nhu cầu xã hội cho Tâm lý học dự kiến sẽ tăng mạnh. Theo cô Vui, qua số liệu trường khảo sát cho thấy, sinh viên ngành Tâm lý ra trường thường làm công việc tham vấn trị liệu và tổ chức nhân sự. “Hiện tại, khi ngành Giáo dục đang hướng tới mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc thì mảng tâm lý học đường cũng được các trường quan tâm và đầu tư”, cô Vui chia sẻ.
Để theo đuổi ngành Tâm lý, những bạn có các tố chất như sự đam mê, cống hiến xã hội, kỹ năng lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu và phản hồi... sẽ là rất phù hợp.
Học Tâm lý không chỉ có mỗi việc “đọc vị” người khác
Tường Vi (Sinh viên Tâm lý học, ĐH KHXH&NV, TP.HCM) cho biết, đúng là ngành này cần học nhiều lý thuyết vì sẽ phải học cách “gọi được tên” của những hành vi, suy nghĩ và cách phản ứng của con người trước vấn đề nào đó. “Hiểu được các khái niệm trong Tâm lý học là một chuyện, nhưng chúng mình còn phải có đủ kiến thức, trải nghiệm đời sống thực tiễn để kết hợp với lý thuyết. Người học tâm lý cần khả năng tinh nhạy “đọc vị” được vấn đề của người khác. Nhưng “nhạy” ở đây là khả năng chúng ta thấu cảm, thấu hiểu cho những vấn đề mà người khác đang trải qua”.
“Hơn nữa, học Tâm lý không phải chỉ học để hiểu hơn về người khác hay hỗ trợ sức khỏe tinh thần cộng đồng, mà còn là hành trình giúp chúng ta thấu hiểu và khai phá bản thân”, Vi bộc bạch.
Với trải nghiệm là sinh viên ngành Tâm lý, Mỹ Châu (ĐH KHXH&NV, TP.HCM) chia sẻ mình đã học được rất nhiều điều thú vị để trước hết áp dụng vào đời sống của mình. Học ngành này sẽ biết mình là kiểu người gắn bó như thế nào và bản thân sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi tương tác với người khác. Nhờ vậy, chúng ta sẽ thay đổi hành vi của mình để mình có thể cải thiện được mối quan hệ đó. “Bản thân mình tự thấy mình có thói quen xấu là hay cáu gắt, hay mắng vô cớ và quạo với mọi người khi đang bị deadline dí. Từ khi học Tâm lý mình mới tự ý thức được và để ý hành động đó để điều chỉnh”, Châu phân tích.
Ngoài ra, cái hay của học Tâm lý là nó còn giúp người học tự nhận ra được giới hạn áp lực mà mình có thể chịu đựng. Như khi cảm thấy cơ thể có những phản ứng như người nóng ran lên, đó là lúc não đang “báo động”, Châu sẽ biết điểm dừng và đi nghỉ ngơi, thư giãn để quay trở lại công việc sau đó hiệu quả hơn.
Phát triển lộ trình sự nghiệp ở nhiều ngách
Thực tế không phải học Tâm lý học là bạn sẽ đi tư vấn tâm lý. Có rất nhiều cơ hội mới trong các lĩnh vực việc làm liên quan đến con người như:
Nhà tâm lý học, chuyên viên tham vấn tâm lý: Có thể làm việc ở các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học cao đẳng, làm công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách liên quan đến tâm lý ứng dụng đa lĩnh vực, hoặc làm việc tại các trung tâm tư vấn, tổ chức phi chính phủ. Trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, nhà tâm lý số và các ứng dụng tâm lý số sẽ trở nên phổ biến để giúp mọi người tiếp cận dịch vụ tâm lý học một cách dễ dàng.
Nhà tư vấn tuyển dụng: Lên kế hoạch và thực hiện phỏng vấn tuyển dụng các ứng viên. Các bạn tốt nghiệp ngành Tâm lý có thể làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp, giúp các nhà quản lý doanh nghiệp đánh giá nhu cầu nhân lực của tổ chức, nghiên cứu để xác định các yêu cầu của vị trí tuyển dụng, từ đó giúp doanh nghiệp “quẹt phải” được ứng viên ưng ý.
Giảng dạy, nghiên cứu: Nếu đam mê công việc liên quan đến học thuật, muốn giảng dạy hoặc nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề thuộc ngành Tâm lý, bạn có thể lựa chọn làm việc tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu. Kiến thức tâm lý được mài giũa trên ghế nhà trường sẽ giúp người học phát huy tối đa khả năng truyền đạt và áp dụng những phương pháp dạy phù hợp nếu trở thành giảng viên.
Truyền thông, Quảng cáo, Marketing: Thật bất ngờ khi Tâm lý học có thể rẽ nhánh sang truyền thông nhưng khả năng nắm bắt, thấu hiểu của ngành Tâm lý sẽ rất phù hợp để tìm trúng insight khách hàng, thúc đẩy các chiến dịch truyền thông thêm thành công và bứt phá. Mỹ Châu còn chia sẻ, sinh viên Tâm lý học có thế mạnh trong việc nghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách hàng, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp thu thập được data, giúp cho giai đoạn khảo sát mua sắm được đẩy nhanh hơn.