Ngành vật liệu xây dựng hướng tới sản xuất xanh

Sản xuất vật liệu xây dựng là ngành có rất nhiều tiềm năng phát triển khi Việt Nam cũng như thế giới bùng nổ về nhu cầu xây dựng. Một trong những yêu cầu hiện nay của mọi ngành sản xuất, trong đó có sản xuất vật liệu xây dựng là xanh hóa, tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường.

Các doanh nghiệp, khách hàng tham quan Hội chợ SACABUILD Đồng Nai. Ảnh:V.Gia

Thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” là giải pháp để đưa các sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam cũng như ngành xây dựng vươn ra thị trường quốc tế.

Xu hướng sản xuất vật liệu xanh

Xanh hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng là vấn đề không nằm ngoài cuộc đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Bà Võ Thị Liên Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Secoin (Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị chuyên sản xuất gạch ngói dùng cho các công trình xây dựng, chia sẻ sử dụng vật liệu xanh để xây dựng một không gian sống lý tưởng đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Cả người dùng và giới đầu tư bất động sản đều đặt tiêu chí an toàn và bền vững lên hàng đầu. Sự phát triển của kiến trúc hiện đại đã đặt ra nhiều yêu cầu mới về việc sử dụng các loại vật liệu. Sản xuất ra vật liệu xây dựng bền vững, xanh chính là “passport” đưa sản phẩm vật liệu xây dựng Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tương tự, Công ty CP Kết cấu thép GSB là một trong những doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng nhà xưởng công nghiệp, tổng thầu các dự án có năng lực của Đồng Nai. Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch HĐQT công ty, chia sẻ đối với công trình công nghiệp, cấu kiện thép chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong thành phần vật liệu xây dựng và là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến độ “xanh” của công trình. Do vậy, công ty luôn nỗ lực nhằm tìm ra các giải pháp xây dựng tối ưu nhất, vừa giảm thiểu chi phí cho đối tác, vừa hướng tới tạo ra những công trình bền vững, thân thiện với môi trường.

Theo các chuyên gia trong ngành xây dựng, sự đòi hỏi từ thiết kế, kiến trúc cũng góp phần thúc đẩy các nhà cung cấp vật liệu xây dựng cố gắng tạo ra các sản phẩm với nhu cầu thay đổi theo hướng xanh hóa của ngành.

Để làm được điều đó, thời gian qua GSB đã hợp tác chiến lược với đối tác lớn đến từ Australia để có thể tạo ra những công trình, nhà xưởng tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Điều này phù hợp với xu hướng xây dựng của tương lai, khi tất cả đều hướng tới phát triển bền vững. “Đây là minh chứng cho thấy chúng tôi có đầy đủ năng lực để sản xuất cấu kiện thép đáp ứng yêu cầu khắt khe của các dự án cân bằng năng lượng” - ông Lộc khẳng định.

Kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, nhận định kiến trúc xanh đang được sử dụng nhiều trên thế giới cũng như tại nước ta. Xu hướng bền vững, hướng đến thiên nhiên, bảo vệ môi trường đang được đề cao. Tuy nhiên, so với một công trình xây dựng thông thường, việc thiết kế, xây dựng theo xu hướng kiến trúc xanh có chi phí thực hiện cao hơn. Khi có được sự hợp tác, cùng nhìn về một hướng từ nhà sản xuất vật liệu, giới kiến trúc và nhà thi công công trình thì các sản phẩm sẽ được phổ biến và chi phí sẽ giảm, tạo thêm điều kiện cho vật liệu xanh phát triển.

Mở rộng thị trường xây dựng và vật liệu xây dựng

Vừa qua, vào ngày 26-4, tại Đồng Nai có hơn 100 DN với hơn 250 gian hàng đã quy tụ trong Triển lãm SACABUILD chuyên về lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, vật liệu ngành cửa và trang trí nội ngoại thất. Sự kiện do Hiệp hội Xây dựng và vật liệu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (SACA) và Chi hội Ngành cửa Thành phố Hồ Chí Minh (SADOOR) phối hợp tổ chức.

Nhà máy kết cấu thép của Công ty CP Kết cấu thép GSB đang hợp tác với đối tác nước ngoài để xây dựng những công trình xanh theo nhu cầu khách hàng. Ảnh:V.Gia

Triển lãm tại Đồng Nai là sự khởi đầu cho chuỗi triển lãm, sự kiện của ngành xây dựng tại nhiều địa phương trong cả nước. Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Chi hội SADOOR, chia sẻ thông qua chuỗi sự kiện này, các DN kết nối thông tin, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện để các chủ đầu tư, tổ chức tín dụng, nhà thầu xây dựng, các đơn vị tư vấn, DN sản xuất ngành xây dựng và vật liệu xây dựng trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác kinh doanh.

“Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp có thể đón đầu những xu hướng công nghệ và thị trường mới; đồng thời xây dựng, phát triển nhiều mối quan hệ kinh doanh mới” - ông Nguyễn Văn Anh bày tỏ thêm.

Tương tự, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội SACA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu công nghiệp xây dựng ra thế giới. Một thị trường gấp 450 lần so với quy mô thị trường xây dựng Việt Nam. Chỉ cần chiếm 1% thị trường này đã nâng quy mô ngành xây dựng của chúng ta lên gấp 4-5 lần. Và như thế xây dựng sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Khi xây dựng phát triển sẽ kéo theo những ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị thi công và toàn bộ hệ sinh thái trong ngành xây dựng bứt phá mạnh mẽ. Ông Hải lấy ví dụ như thị trường châu Phi, trong thập kỷ tới sẽ bùng nổ về xây dựng, các DN xây dựng và nhà cung ứng vật liệu xây dựng sẽ có rất nhiều tiềm năng ở đây. Điều đó cũng là động lực để các hiệp hội, DN lớn ngành xây dựng tổ chức, triển khai những chương trình, dự án cụ thể, hợp tác, tương trợ lẫn nhau để đưa ngành xây dựng Việt Nam vươn ra thế giới.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/nganh-vat-lieu-xay-dung-huong-toi-san-xuat-xanh-650429f/