Ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa: Nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh

Những năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác y tế. Trong đó, việc đưa 2 bệnh viện mới đi vào hoạt động đã góp phần nâng cao năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng

Sau nhiều năm xây dựng, tháng 2-2023, Bệnh viện Ung bướu tỉnh đi vào hoạt động với quy mô 200 giường bệnh. Sau một thời gian khám và điều trị ngoại trú, cuối tháng 5, bệnh viện triển khai điều trị nội trú. Đến nay, số bệnh nhân nhập viện điều trị chiếm gần 70% số giường bệnh; bệnh viện đã triển khai thành công một số kỹ thuật điều trị bệnh ung thư giai đoạn sớm, đưa máy xạ trị gia tốc tuyến tính vào hoạt động… Bệnh nhân Trần Thị Lang (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Trước đó, tôi điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 1 năm. Do Khoa Ung bướu luôn quá tải nên nhiều khi chúng tôi phải nằm giường xếp, rất mệt mỏi. Ở bệnh viện mới, phòng bệnh rộng rãi, sạch sẽ nên tâm trạng của bệnh nhân thoải mái, nhờ đó tình trạng đau nhức, mỏi mệt cũng giảm bớt”.

Thực hiện ca chỉnh hình nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Thực hiện ca chỉnh hình nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đầu tháng 7, Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang cũng đi vào hoạt động với quy mô 200 giường bệnh. Thời gian đầu, bệnh viện triển khai khám ngoại trú. Sau khi cơ bản đảm bảo đủ các điều kiện, bệnh viện sẽ tiếp nhận khám và điều trị bệnh nhân nội trú, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.

Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, với sự nỗ lực của toàn ngành, đến nay, ngành Y tế tỉnh đã hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng đề ra như: Số bác sĩ/10.000 dân đạt 10,5 người; số giường bệnh/10.000 dân đạt 36 giường; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân là 7,4% (quy định dưới 10%), thể thấp còi 8,5%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 92%... 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện khám bệnh cho hơn 1,4 triệu lượt người (tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2022); điều trị nội trú cho hơn 105.700 lượt người (tăng 24,2%); phẫu thuật hơn 14.850 ca (tăng 19,7%). Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị cho tuyến dưới, như: Hồi sức cấp cứu nhi; phẫu thuật chuyển vạt da có cuống; nội soi cắt túi mật; đặt Catheter tĩnh mạch dưới hướng dẫn siêu âm; nuôi dưỡng đường tĩnh mạch trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân; chọc dò dịch não tủy ở trẻ sơ sinh... qua đó giúp cứu sống nhiều bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện cũng tiếp nhận và triển khai thành công các kỹ thuật tuyến trên, như: Phẫu thuật nội soi khớp gối, khớp vai; điều trị dị tật bẩm sinh hệ vận động; can thiệp mạch máu thần kinh; kỹ thuật cắt đốt điện sinh lý trong can thiệp tim mạch… Song song đó, toàn ngành đã thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia; tiêm chủng mở rộng; phòng, chống bệnh HIV, lao, phong, tâm thần…

Vẫn còn những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Y tế tỉnh đang gặp không ít khó khăn. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Tình - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tuy tình hình dịch bệnh ở người trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, nhưng thời tiết diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao, nhất là sốt xuất huyết và tay chân miệng. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 86%, số ca mắc bệnh tay chân miệng giảm 25% nhưng xuất hiện nhiều ca nặng, trong đó có 1 ca tử vong. Ngoài ra, trong tháng 6, tại xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh ghi nhận chùm ca mắc sốt rét với 31 ca.

Khám bệnh tại Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khám bệnh tại Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Cùng với đó, vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt trần, vượt nguồn kinh phí, vượt tổng mức thanh toán từ năm 2016 đến 2020 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chưa được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thanh toán, với tổng số tiền hơn 284,6 tỷ đồng, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của ngành. Đến thời điểm hiện tại, giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT chỉ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp cũng gây khó khăn cho các cơ sở y tế công lập khi thực hiện chế độ tự chủ tài chính. Bộ Y tế chưa đưa cơ cấu giá dịch vụ mạng Internet, mua phần mềm, chữ ký số... vào dịch vụ khám, chữa bệnh, dẫn đến các cơ sở y tế gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh...

Theo bác sĩ Bùi Xuân Minh, 6 tháng cuối năm, ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; ứng dụng kỹ thuật số trong mọi hoạt động. Sở Y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện dự thảo Đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành bệnh viện tuyến cuối của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025…

CÁT ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202307/nganh-y-te-tinh-khanh-hoa-nang-cao-nang-luc-chat-luong-kham-chua-benh-5e833b4/