Ngày đầu năm mới ở chợ cá Busan

Với những người yêu thích hải sản, chợ cá ở Busan là một điểm dừng chân hấp dẫn khi tới Hàn Quốc. Du khách sẽ thấy hào hứng hơn khi tới thăm khu chợ này vào ngày đầu năm.

 Chợ hải sản là địa điểm dừng chân thú vị khi ghé thăm các thành phố cảng ở Hàn Quốc. Ảnh: C.T.

Chợ hải sản là địa điểm dừng chân thú vị khi ghé thăm các thành phố cảng ở Hàn Quốc. Ảnh: C.T.

Tôi đón năm mới ở Busan, thành phố cảng sôi động nhất Hàn Quốc. Mới mùng Một Tết, mà bến xe điện ngầm đã đông nghịt và các tiệm bán đồ dưới hầm đã lác đác mở hàng. Trời về đêm, ngõ hầu như quá lạnh, song những con ngõ nhung nhúc người đi chơi năm mới ở trung tâm mua sắm Seo-myeon bỗng khiến lòng người ấm sực.

Hàng trăm quán bar, nhà hàng, tiệm bán đồ trang sức, mỹ phẩm đã mở cửa ngay từ ngày đầu tiên của năm. Cả chợ cá Jagalchi cũng không ngoại lệ. Sáng mùng Hai, toàn bộ chợ cá đã hoạt động. Dọc con đường vào chợ các nhà dân mở hết cửa tiệm mặt phố để buôn hải sản.

Những chậu tôm hùm, cua bể, bạch tuộc khổng lồ đang phơi râu đón nắng sớm. Các chủ nhà hàng nhảy ra chèo kéo chúng tôi y như chợ ở quê nhà. Họ đưa ra một thực đơn hấp dẫn, rằng nhà hàng ở ngay trên gác, chúng tôi chọn đồ xong nhà bếp sẽ chế biến ngay cho tươi. Tiện ra phết, ở đây nhà nào cũng vừa bán hải sản tươi sống vừa kinh doanh nhà hàng.

Khách muốn mua về tự làm hay ăn luôn tại chỗ đều được. Tầng trệt cửa hàng, tầng trên nhà hàng, nhất cử lưỡng tiện, cảng thì gần đây, tàu bè từ xa về xuất thẳng tôm cá lên bờ khỏi mất công vận chuyển. Nhưng ngó qua cũng thấy mắc lắm, năm người mà không lận lưng ít nhất ba bốn trăm nghìn Won thì đành ăn phở ngó, chén bánh vẽ.

 Tùy bút ẩm thực Nửa vòng Trái đất uống một ly trà của nhà văn Di Li. Ảnh: W.W.

Tùy bút ẩm thực Nửa vòng Trái đất uống một ly trà của nhà văn Di Li. Ảnh: W.W.

Những người buôn bán nhỏ lẻ thì bày ra dăm thùng nhựa ở góc chợ ngoài trời, bán những thứ hải sản rẻ tiền mà chủ yếu là hàu, sò điệp. Còn nhà buôn nhỡ thì ngồi trong chợ cá.

Jagalchi là một dãy nhà hai tầng dài ngoẵng, trong đó tấp nập người bán, còn kẻ mua thì hôm nay có vãn hơn ngày thường. Tôi hơi giật mình khi nhìn những khay hải sản khổng lồ, đựng toàn các loại sinh vật biển chưa nhìn thấy bao giờ. Chúng xấu xí như một chiếc rễ cây với phần rễ khô xù xì tua rua một đầu, thân trên mọc ra vô số gai nhọn.

Thoạt trông, tôi đinh ninh nó là một loại củ mọc dưới đáy biển, tới gần thấy chúng thở phập phồng thì sợ chết khiếp. Lại có loài trông như buồng gan hay lá phổi vừa được lấy ra từ lồng ngực người sống. Chúng cũng đang thoi thóp thở trên mâm nhôm xâm xấp nước.

[…]

Chợ cá hoạt động tấp nập từ hai giờ sáng đến 10 giờ đêm, ngày nào cũng vậy, có lẽ trừ đêm 30 mà thôi.

Lúc chiều, tôi đã nhìn thấy một nhà hàng hải sản có vẻ ở giữa khu Seo-myeon, thấy quảng cáo có 30.000 Won một người, muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Đến thành phố biển phải chén hải sản là đúng rồi. Không ngờ tới nơi quán đông tới mức phải xếp hàng ngoài cửa. Trước chúng tôi còn có bốn nhóm nữa.

Người ta kê mấy cái ghế nhựa cho khách chờ dưới hiên. Năm cái bụng đói meo ngồi hít gió lạnh, mắt ngẩn ngơ nhìn lũ người sung sướng đang chễm chệ bên trong với nồi hải sản bốc khói nghi ngút trước mặt. Nhưng xếp hàng đông thế này đích thị là ngon, bổ, rẻ rồi. Chúng tôi đợi thêm 45 phút nữa thì tới lượt.

[…]

Người Busan ăn hải sản theo hai cách, một là lẩu, hai là mỗi bàn được phát một khay giấy bạc, có sẵn pho mát. Khi ăn cho hải sản vào tự nướng với hành tây. Sò điệp quyện với pho mát tan chảy ăn béo ngậy.

[…]

Di Li/ Thái Hà Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/ngay-dau-nam-moi-o-cho-ca-busan-post1459684.html