Ngày này năm xưa 10/12: Khởi công chế tạo Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05

Ngày này năm xưa 10/12: Khởi công chế tạo Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05; ký biên bản thỏa thuận về Kết thúc đàm phán Hiệp định FTA - Hàn Quốc.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 10/12 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 10/12.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Từ ngày 10/12/1951 đến ngày 25/12/1952, quân đội ta đã mở chiến dịch Hòa Bình nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng thị xã Hòa Bình, phá phòng tuyến sông Đà và tạo điều mở rộng chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ.

Ta đã loại khỏi vùng chiến đấu 22.000 tên Pháp - Ngụy, bức hàng, bức rút hơn 1.000 đồn bốt, tháp canh, bắn rơi 3 máy bay, bắn đắm 23 tàu chiến và canô, phá hủy 17 xe tăng và bọc thép của địch, giải phóng hơn 2 triệu dân.

Ngày 10/12/1967, Công nhân Lưu Thị Xuân cùng tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ.

Ngày 10/12/2013, Khởi công chế tạo Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 do Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu. Đây là giàn khoan tự nâng thứ hai do PV Shipyard chế tạo và cũng là công trình cơ khí lớn nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này. Giàn khoan được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Friede and Goldman (Hoa Kỳ), tổng khối lượng 18.000 tấn, có thể hoạt động ở độ sâu nước biển 120 m (400 ft) và khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9 km. Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị trên 200 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành sau 32 tháng thi công.

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05

Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05

Việc đóng mới và đưa vào hoạt động giàn khoan Tam Đảo 05 có ý nghĩa quan trọng, giúp tiết giảm ngoại tệ, tăng cường năng lực và tạo thế chủ động cho Vietsovpetro trong công tác khoan thăm dò, khoan khai thác không những tại các vùng nước hiện tại mà còn ở các vùng nước sâu hơn, độ nghiêng lớn hơn, khó hơn trong tương lai.

Ngày 10/12/2014, tại Busan, Hàn Quốc và Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận về Kết thúc đàm phán Hiệp định FTA - Hàn Quốc. Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được khởi động từ tháng 8/2012, sau 8 phiên đàm phán chính thức và 8 phiên họp giữa kỳ, hai bên đã đi đến thống nhất Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích.

Trong Hiệp định này, phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông nghiệp, thủy hải sản chủ lực, công nghiệp dệt may, sản phẩm cơ khí và tạo cơ hội cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực.

Phía Việt Nam cũng dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp, nguyên phụ liệu dệt, may, nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, sắt thép, dây cáp điện, góp phần đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một vài nước.

Ngày 10/12/2015, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 45/2015/TT-BCT quy định việc quản lý Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao Thông tư quy định việc quản lý và tổ chức thực hiện một số nội dung của Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao theo Quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 22/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Thông tư áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện và quản lý Chương trình, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Ngày 10/12/2019, Nghị định số 78/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 148/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường có hiệu lực. Ngày 14/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 148/2016/NĐ-CP ngày 04/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường. Theo đó, sửa đổi quy định về người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra theo hướng chi tiết hơn.

Ngày 10/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 40/2019/TT-BCT hướng dẫn thi hành công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương Thông tư bao gồm 7 chương, 31 điều, hướng dẫn thi hành công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Công Thương, bao gồm: tổ chức phong trào thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định, trao tặng; hồ sơ xét khen thưởng; quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; Hội đồng Thi đua - Khen thưởng; Hội đồng Sáng kiến; lưu trữ hồ sơ khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể; tước và phục hồi danh hiệu thi đua. Cơ quan Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc ngành Công Thương trong việc triển khai thực hiện Thông tư; căn cứ tình hình thực tiễn phong trào thi đua hằng năm để nghiên cứu, đề xuất số lượng và tỷ lệ khen thưởng trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định. Thủ trưởng các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Thông tư và cụ thể hóa các tiêu chuẩn phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị.

Từ ngày 10 đến ngày 11/12/2023 Việt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác năng lượng, công nghiệp và thương mại. Tại Kỳ họp, hai Bộ trưởng trao đổi các giải pháp đảm bảo duy trì, không gián đoạn hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.

 Giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp đến từ Thành phố Daegu và từ Tỉnh Gyeongbuk, Hàn Quốc với các nhà nhập khẩu Việt Nam.

Giao thương trực tiếp giữa doanh nghiệp đến từ Thành phố Daegu và từ Tỉnh Gyeongbuk, Hàn Quốc với các nhà nhập khẩu Việt Nam.

Hai Bộ trưởng thống nhất thông qua và ký kết Kế hoạch hành động triển khai mục tiêu kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 100 tỉ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2023. Bản Kế hoạch hành động vạch ra lộ trình thực hiện các hoạt động hợp tác trong các năm tiếp theo dựa trên 4 định hướng chính gồm: Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu sang Hàn Quốc; hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng tiềm năng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông thủy sản và thực phẩm chế biến; tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật từ Hàn Quốc để nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp ôtô, dệt may, hóa chất, cơ khí - chế tạo và linh kiện của Việt Nam.

Ngày 10/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BCT về quản lý sử dụng biểu mẫu trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.

Thông tư số 22/2021/TT-BCT có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022 và thay thế Thông tư số 26/2013/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về mẫu biên bản, quyết định sử dụng trong hoạt động kiểm tra và xử phạt VPHC của Quản lý thị trường và Thông tư số 08/2018/TT-BCT ngày 02 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi bổ sung quy định về mẫu biên bản, quyết định sử dụng trong hoạt động kiểm tra và xử lý VPHC của Quản lý thị trường.

Sự kiện quốc tế

Ngày 10/12 được tôn vinh là Ngày Nhân quyền quốc tế hay Ngày quốc tế Nhân quyền. Mục tiêu nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ nhất các quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Quan điểm, tư tưởng đúng đắn, tiến bộ và hệ thống pháp luật về quyền con người của Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Người dân đã và đang được thụ hưởng quyền con người trên mọi lĩnh vực theo tinh thần các công ước quốc tế, phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Ngày 10/12/1983, Tổng thống Raul Alfonsin lên nắm quyền, Argentina trở lại nền dân chủ sau 7 năm bị thống trị bởi chế độ độc tài.

Sau 9 năm nghiên cứu, ngày 10/12/1998, các nhà khoa học đã hoàn thành bản sơ đồ gen của loài vật.

Ngày 10/12/2009, Avatar - bộ phim khoa học viễn tưởng phá vỡ kỷ lục phòng chiếu Titanic đã giữ trong 12 năm được công chiếu tại Luân Đôn (Anh).

Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 10/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về Tổng tuyển cử, đưa ra đề nghị tập trung bàn về các nội dung: Làm thế nào để các ủy ban làng tổ chức cuộc bầu cử cho đúng? Làm thế nào để các cử tri biết cách bỏ phiếu? Làm thế nào để cử tri đi bỏ phiếu thật đông?

Ngày 10/12/1951, đáp lại thư của các chiến sĩ báo công thắng trận, Bác viết “Thư trả lời chiến sĩ” động viên: “Luôn luôn giữ vững tinh thần khắc khổ, tinh thần quyết chiến quyết thắng. Luôn luôn giúp đỡ nhân dân, đi sát với nhân dân. Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch. Với lính Pháp và ngụy binh ta bắt được, đối đãi họ tử tế và thuyết phục họ. Mong các cháu cố gắng để thắng nhiều trận nữa”.

Cùng ngày, Bác viết “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa 1951” nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh... Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dựng phương pháp tự phê bình và phê bình. Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Tiền đồ dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi. Chúc anh chị em mạnh khỏe, tiến bộ, thành công”.

Ngày 10/12/1954, dự họp Bộ Chính trị ngay sau ngày Thủ đô giải phóng, bàn về khôi phục kinh tế, Bác phát biểu: “... mấy năm kháng chiến, ta chỉ có nông thôn, bây giờ mới có thành thị... Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là Mácxít... Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng”.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-1012-khoi-cong-che-tao-gian-khoan-tu-nang-tam-dao-05-290578.html