Ngày này năm xưa: 20/5

Ngày 20/5/1947, Bác Hồ về ATK Định Hóa - Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chính từ đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để chỉ đạo cuộc kháng chiến kiến quốc, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'.

Sự kiện trong nước

- Ngày 20/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời căn dặn anh chị em giáo viên bình dân học vụ”. Đây là những lời Bác tự tay viết vào đầu cuốn sách Phương pháp và cách thức dạy chữ vỡ lòng quốc ngữ do Nha Bình dân học vụ xuất bản năm 1946. Nội dung như sau: “Anh chị em giáo viên bình dân học vụ cố gắng đọc kỹ sách này, rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.266)

- Ngày 20/5/1947, Bác Hồ về ATK Định Hóa - Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. ATK Định Hóa có vị trí đặc biệt quan trọng đối với công cuộc kháng chiến. Nằm ở vị trí trung tâm của Căn cứ địa Việt Bắc, Định Hóa có địa thế hiểm trở, núi rừng bạt ngàn, phía tây có dãy núi Hồng án ngữ, tạo nên bức tường thành kiên cố. Nối liền các xã là những con đường mòn nhỏ hẹp, kín đáo. ATK Trung ương ở Định Hóa chủ yếu thuộc địa phận các xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại ATK Định Hóa quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (từ trái qua phải: đ/c Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đ/c Trường Chinh, đ/c Võ Nguyên Giáp) (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại ATK Định Hóa quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (từ trái qua phải: đ/c Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đ/c Trường Chinh, đ/c Võ Nguyên Giáp) (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tuy nằm trên địa phận nhỏ hẹp ở Định Hóa và một số huyện khác nhưng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của ATK Định Hóa không giới hạn trong phạm vi không gian tồn tại của nó, mà rộng khắp cả nước. Chính từ ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đặc biệt, ngày 6/12/1953 tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ.

Trong những năm kháng chiến, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã hết lòng bảo vệ An toàn khu Trung ương, chở che cho cán bộ cách mạng, cùng bộ đội chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương. Hiện 128 điểm di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã được bảo tồn, tạo thành một quần thể di tích lịch sử. Năm 2012, ATK Định Hóa đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ công nhận là Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

- Ngày 20/5/1948: Diễn ra Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ tư (miền Bắc Đông Dương). Dự Hội nghị có đông đảo cán bộ các tỉnh, thành ở miền Bắc Việt Nam. Hội nghị thảo luận và quyết định những vấn đề về kế hoạch quân sự mùa hè; vấn đề cải thiện dân sinh; cuộc vận động “thi đua ái quốc”; công tác vùng địch tạm chiếm; công tác Việt Minh và Liên Việt; vấn đề tổ chức trong Đảng. Hội nghị đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo quan trọng thúc đẩy hơn nữa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện trong cả nước. (Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.272-274, NXB Chính trị Quốc gia, 2008)

- Ngày 20/5/1951, trong thư cảm ơn gửi tới các cơ quan, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã chúc mừng sinh nhật, Bác bày tỏ: “Tuổi tuy hơi già, nhưng vì nước ta trẻ, dân ta trẻ, cho nên tinh thần và lực lượng tôi vẫn trẻ. Để báo đáp lòng yêu mến của đồng bào, tôi xin hứa rằng: Với sự giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ, với sự đôn đốc và ủng hộ của toàn dân, với ý chí kiên quyết thi hành mệnh lệnh của cán bộ và bộ đội, tôi quyết đưa cả tinh thần và lực lượng để phụng sự Tổ quốc, và hướng dẫn đồng bào cùng bộ đội đi đến: Kháng chiến thắng lợi, Kiến quốc thành công. Và góp phần vào sự nghiệp giữ gìn dân chủ, hòa bình thế giới”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tập 7).

Cùng ngày, Bác viết trên Báo Nhân Dân bài “Tự phê bình” (bút danh C.B) mở đầu bằng câu: “Dao có mài, mới sắc/Vàng có thôi, mới trong/Nước có lọc, mới sạch/Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”.

Bài báo dài với nhiều điều sâu sắc: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn. Những người cách mạng càng phải kiên quyết thực hành tự phê bình. Không thực hành tự phê bình, thì không xứng đáng là người cách mạng...”.

“Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ, cho nên phải thật thà, phải triệt để, mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức, thì vô ích”.

“Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin dạy chúng ta rằng: "Tự phê bình là một thứ vũ khí sắc bén nhất của cách mạng". Làm cách mạng mà không dùng cái vũ khí sắc bén nhất của cách mạng, hoặc chỉ dùng nó một cách qua loa, thì cách mạng thế nào?'”(Hồ Chí Minh toàn tập – Nxb Chính trị quốc gia, tập 7, trang 80-81).

- Ngày 20/5/1963: Trường sĩ quan Công an nhân dân vũ trang đã khai giảng khóa đào tạo đầu tiên. Sự kiện lịch sử đó đã đánh dấu sự hình thành và phát triển vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là lực lượng Bộ Đội Biên phòng). Cũng từ đó, ngày 20/5 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của Học viện Biên phòng.

Trải qua 60 năm, Học viện đã đào tạo được hàng vạn cán bộ, sĩ quan cho lực lượng Bộ đội Biên phòng; hàng trăm cán bộ cho quân đội các nước bạn Lào, Campuchia; hàng nghìn cán bộ, sĩ quan là con, em các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, hải đảo. Nhiều thế hệ cán bộ ra trường đã gắn bó cả cuộc đời mình với biên cương xa xôi hẻo lánh, vượt lên gian khổ và trưởng thành, nhiều người đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

 Cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Biên phòng duyệt đội ngũ tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống. Ảnh: Chu Anh

Cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Biên phòng duyệt đội ngũ tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống. Ảnh: Chu Anh

Sự kiện quốc tế

- Ngày 20/5/1990: Kính thiên văn vũ trụ Hubble chụp tấm ảnh đầu tiên gửi về Trái Đất. Kính thiên văn Hubble là một công cụ nghiên cứu vũ trụ hiện đại do NASA thiết kế và được mang tên của nhà thiên văn học nổi tiếng người Mỹ Edwin Powell Hubble. Kính Hubble được nghiên cứu từ thập niên 1970 và phóng lên không gian tháng 4/1990. Bức ảnh được Kính thiên văn vũ trụ Hubble chụp ngày 20/5/1990 gửi về Trái Đất là bức ảnh đầu tiên về vùng trời xung quanh ngôi sao HD96755 trong cụm sao NGC 3532 thuộc chòm sao Carina. Kính Hubble tạo ra bước đột phá quan trọng trong quan sát thiên văn trong phổ quang học, tử ngoại và hồng ngoại của thời kỳ này, nhờ vào ưu điểm là quan sát các thiên thể mà không bị ảnh hưởng bởi khí quyển Trái Đất./.

PV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/ngay-nay-nam-xua/ngay-nay-nam-xua-20-5-665256.html