Ngày Tết, uống rượu ở mức vừa phải được hiểu thế nào?

Uống nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến lá gan mà còn dẫn đến các nguy cơ ung thư, viêm tụy…

Trong những ngày Tết, việc uống rượu bia là điều khó tránh khỏi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo để hạn chế tác hại rượu bia thì nên uống ít nhất có thể.

Theo PGS.TS. BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. HCM, uống rượu ở mức vừa phải được định nghĩa là 1 đơn vị cồn ở nữ và 2 đơn vị cồn ở nam. Một đơn vị cồn tương đương một lon bia 355ml, 1 ly rượu vang 148ml, 1 ly rượu mạnh (40% cồn) 44ml.

Uống rượu nhiều được định nghĩa là nhiều hơn 3 đơn vị cồn trong ngày hoặc hơn 7 đơn vị cồn trong tuần ở nữ và nam trên 65 tuổi; hơn 4 đơn vị cồn trong ngày hoặc hơn 14 đơn vị cồn trong tuần ở nam từ 65 tuổi trở xuống.

Uống rượu nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe.

Uống rượu nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe.

Uống rượu nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe, hệ lụy trước mắt là tình trạng say (ngộ độc). Người uống rượu sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau đầu… Uống rượu khiến cho hệ thần kinh bị ảnh hưởng, có thể xảy ra tai nạn nếu tham gia giao thông.

BS.Lâm Vĩnh Niên cũng cho biết, uống rượu nhiều dẫn đến các nguy cơ như : Ung thư (ung thư vú, miệng, họng, thực quản, gan…), viêm tụy, đột tử nếu có bệnh tim mạch kèm, tổn thương cơ tim (bệnh cơ tim do rượu) dẫn đến suy tim.

Ngoài ra uống rượu nhiều dẫn đến nguy cơ đột quỵ, tăng huyết áp, bệnh gan, tai nạn nghiêm trọng, tử vong do tai nạn…

Với nhiều nguy cơ như đã nêu, chuyên gia y tế cho rằng uống ít rượu để giảm các tác hại của rượu bia chính là cách để bảo vệ chức năng gan. Bên cạnh đó, có thể kết hợp ăn uống để giảm bớt chất độc trong bia rượu theo nguyên tắc:

Uống nhiều nước. Rượu làm cơ thể mất nước, do đó sau khi uống rượu nên uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất.

Ăn nhiều trái cây, rau xanh: Giúp cung cấp các vitamin tan trong nước, là các vitamin dễ bị mất trong quá trình mất nước do rượu, và cũng cần thiết cho các hoạt động chuyển hóa rượu của cơ thể.

Ăn thực phẩm giàu protein như: Trứng, đậu, thịt, cá để hỗ trợ quá trình chuyển hóa cồn trong cơ thể. Tránh các thực phẩm chế biến sẵn. Đồng thời, cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao, ăn uống điều độ và tránh thức quá khuya.

Bộ Y tế đề nghị tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người.

Bộ Y tế đề nghị tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người.

Trước đó, tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và để tăng cường các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ hội năm 2024, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai một số nội dung.

Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông đồng thời tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông hiệu quả, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các ngày lễ, ngày hội trong năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tập trung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình và cộng đồng, để bảo đảm an toàn giao thông, trật tự và an toàn xã hội; tuyên truyền quy định về những hành vi bị nghiêm cấm…

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngay-tet-uong-ruou-o-muc-vua-phai-duoc-hieu-the-nao-a649452.html