Ngày thơ trên quê hương núi Ấn - sông Trà

Qua nhiều lần tổ chức, Ngày thơ trên quê hương núi Ấn - sông Trà đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu thơ.

Sau 5 lần vừa tổ chức, vừa rút kinh nghiệm, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 6 - Mậu Tý (2008) tại Quảng Ngãi có chủ đề “Tổ quốc và Thơ” là một Ngày thơ gây được tiếng vang lớn. Nhiều tờ báo lúc bấy giờ trên cả nước viết bài ca ngợi và gọi Ngày thơ ở Quảng Ngãi là “Ngày thơ lạ” với một chủ đề đặc biệt. Ai cũng xúc động khi lá cờ Thơ được kéo lên song song cùng lá cờ Tổ quốc trong tiết tấu nhạc và nhịp đọc trầm hùng hai bài thơ “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt và “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau phần nghi thức kéo cờ Thơ, người tham dự đã được lắng nghe những bài thơ nổi tiếng, đặc biệt là lần đầu tiên công chúng được nghe “Bài thơ của một người yêu nước mình” của thi sĩ Trần Vàng Sao: “Yêu một giọng hát hay/ Có bài mái đẩy thơm hoa dại/ Có sáu câu vọng cổ chứa chan/ Có ba ông táo thờ trong bếp/ Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen/ Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em...”, bên cạnh những thi phẩm của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Thanh Thảo...

Sông Trà Khúc (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Sông Trà Khúc (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Ngày thơ lần thứ 8 - Canh Dần (2010) giới thiệu chương trình thơ - nhạc đặc sắc của chính các văn nghệ sĩ Quảng Ngãi mang chủ đề về biển, đảo. Ngoài “slogan” là câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo: “Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến” trong trường ca “Những người đi tới biển” được nhạc sĩ Đinh Thiên Vương phổ thành bài hát “Về với biển”, các tác phẩm thơ - nhạc của Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Ngọc Hưng, Phạm Đương, Trần Xuân Tiên, Văn Phượng... làm thành một Ngày thơ đầy ắp niềm tự hào về biển, đảo quê hương và lòng tự hào về non sông, đất nước.

Ngày thơ lần thứ 9 - Tân Mão (2011) có chủ đề là “Những dòng sông quê hương” lấy bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh làm chính. Ngày Thơ lần thứ 11 - Quý Tỵ (2013) cũng để lại ấn tượng sâu sắc khi trở lại với chủ đề “Tổ quốc nơi đầu sóng”: “Thân còn sót đoạn xương thừa/ Cũng mài vào đá mà thưa cùng người/ Đây là cương thổ muôn đời/ Sóng làm lưỡi kiếm vạch trời đất ghi...” (Khao lề thế lính Hoàng Sa - Lý Văn Hiền). Đặc biệt là, thi phẩm “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến, cùng bản nhạc phổ thơ rất hào hùng từ bài thơ này “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” của Văn Phượng và nhạc phẩm “Lá cờ” của Tạ Quang Thắng do các em học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết thể hiện. Ngày thơ lần 17 - Kỷ Hợi (2019) diễn ra đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày nổ ra chiến tranh biên giới phía bắc nên chủ đề là “Hướng về biên cương Tổ quốc”. Đây là Ngày thơ đặc biệt dành riêng cho các tác phẩm của các tác giả đã từng tham gia trực tiếp trong cuộc chiến tranh biên giới: “Viếng bạn bao lần lòng đã khóc/ Đã khóc mười năm giữa đất này/ Bạn đi ngày ấy chiều biên giới/ Tiếng súng ngang trời mây trắng bay”(Viếng bạn - Lê Thanh Phách)...

Với chủ đề “Nhịp điệu mới trên quê hương núi Ấn - sông Trà”, Ngày thơ lần 21 - Quý Mão (2023) được tổ chức gồm các tác phẩm của các tác giả trong tỉnh thể hiện nhịp sống mới trên quê hương sau những tháng năm đại dịch. Ngày thơ lần thứ 22 - Giáp Thìn (2024) năm nay với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, ngoài tiết mục mở màn “Sông núi nước Nam”, giao lưu với nhà thơ Thanh Thảo, là 6 tiết mục thơ và 3 tiết mục nhạc được thể hiện bởi văn nghệ sĩ trong tỉnh và các em học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn.

MAI BÁ ẤN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/van-hoa/202402/ngay-thotren-que-huong-nui-an-song-tra-b1b132b/