Nghệ An: Quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địạ bàn

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND để tiếp tục chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hai do cháy rừng gây ra.

Thời gian qua, tình hình nắng nóng gay gắt đã diễn ra ở nhiều địa phương, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 370C đến 390C, có nơi trên 420C; trên địa bản tỉnh đã xảy vụ cháy từ ngày 30/4 đến 1/5 tại xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương và lan sang thị trấn Nam Đan và xã Nam Thái, huyện Nam Đàn. Tổng diện tích bị cháy khoảng 18,1 ha, trong đó: Diện tích đất có rừng bị thiệt hại khoảng 5,9ha, đối tượng rừng trồng chủ yếu các loài cây Thông, Keo, Bạch Đàn; 12,2 ha diện tích đất không có rừng, trạng thái thực bì, trảng cỏ, lau lách, cây bụi, …

Vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa huyện Thanh Chương và Nam đàn xảy ra ngày 30/4 và 1/5/2024

Vụ cháy rừng xảy ra tại khu vực giáp ranh giữa huyện Thanh Chương và Nam đàn xảy ra ngày 30/4 và 1/5/2024

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 16-20/5, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng trở lại, nguy cơ xảy ra cháy rừng vẫn ở mức cao.

Để tiếp tục chủ động các biện pháp PCCCR, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 61, công điện số 13 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; công điện số 13 của UBND tỉnh về chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR trên địa bản tỉnh Nghệ An; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhất là trong thời kỳ cao điểm về nắng, nóng.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như: Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý về công tác PCCCR, tăng cường kiểm tra, giám sát PCCCR từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trong công tác PCCCR, đồng thời kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương rẫy, tạm dừng việc dung lửa để xử lý thực bì, xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng; chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án PCCCR trên địa bàn với phương châm “bốn tại chỗ”, bố trí lực lượng, phương tiện, kinh phí phục vụ công tác PCCCR; Có phương án, kế hoạch di dời người dân, tài sản nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức theo dõi tình hình diễn biến thời tiết; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác PCCCR; khi có cháy rửng xảy ra, chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ. Đồng thời hướng dẫn các lực lượng và nhân dân tham gia chữa cháy rừng.

Lực lượng chức năng đang dập lửa tại vụ cháy rừng ở 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn vừa qua

Lực lượng chức năng đang dập lửa tại vụ cháy rừng ở 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn vừa qua

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh; sở tài chính; đài phát thanh và truyền hình tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Nghệ An tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao để phối hợp thực hiện tốt công tác PCCCR.

Trần Tình

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nghe-an-quyet-liet-trien-khai-co-hieu-qua-cac-bien-phap-phong-chay-chua-chay-rung-tren-dia-ban-88144.html