Nghệ nhân Nguyễn Trọng Cẩm: Nặng tình với nhà gỗ cổ truyền

'Nghề nào cũng tốt, nghề nào cũng có sự thăng hoa. Chỉ cần yêu nghề thì bất kỳ nghề nào cũng dẫn tới thành công.'- đó là những chia sẻ của Nghệ nhân Nguyễn Trọng Cẩm (thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) với gần 40 năm kinh nghiệm và thành công với nghề chế tác, làm nhà gỗ cổ truyền. Với tinh thần 'dám nghĩ, dám làm', kiên trì với đam mê của mình, ông Cẩm đã trở thành người thợ nổi tiếng trong nghề dựng nhà gỗ cổ. Các ngôi nhà gỗ do ông thực hiện đều được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao về thẩm mỹ.

Đam mê với nghề từ khi còn nhỏ

Sinh ra và lớn lên tại thôn Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội – cái nôi của nghề mộc, từ nhỏ ông Nguyễn Trọng Cẩm đã được tiếp xúc với những thanh gỗ và chiếc dùi, đục và tiếng máy cắt xẻ… Chứng kiến những người thợ trạm trổ những hoa văn đặc sắc và dựng những ngôi nhà gỗ cổ, ông Cẩm bắt đầu “nhen nhóm” đam mê với nghề và quyết tâm theo nghề truyền thống cha ông để lại.

Chia sẻ hành trình đến với nghề làm nhà cổ, ông Cẩm cho hay, sau khi học xong phổ thông, ông đã xin theo những bậc tiền bối làm nghề trong làng để học nghề mộc. Với ông Cẩm, việc học nghề không chỉ đơn giản là biết cầm dùi, cầm đục hay trạm khắc hoa văn mà phải hiểu sâu về những nét văn hóa đặc trưng của nhà gỗ cổ. Tùy từng vùng, kiến trúc nhà gỗ có sự khác biệt, người thợ phải nắm rõ để thiết kế phù hợp; cùng đó, với mỗi loại gỗ, khi làm cũng phải có cách xử lý tinh tế, làm bật lên vẻ đẹp cho ngôi nhà gỗ.

Với niềm đam mê nghề, tài năng dựng nhà gỗ cổ truyền của ông Nguyễn Trọng Cẩm ngày càng được nhiều khách hàng biết tới.

Với niềm đam mê nghề, tài năng dựng nhà gỗ cổ truyền của ông Nguyễn Trọng Cẩm ngày càng được nhiều khách hàng biết tới.

Theo ông Cẩm, nhà gỗ của làng nghề Phù Yên có nhiều nét đặc biệt mà các làng nghề khác không có. Đặc điểm chính của làng nghề gỗ thôn Phù Yên là giữ được bản sắc văn hóa, nét cổ của nhà gỗ Bắc Bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung; tiếp đến là độ chắc và độ kỹ (phần gỗ tỉ lệ cân đối, không bị rực; đục, chạm vẫn giữ được lề lối truyền thống). Bên cạnh đó, những người thợ cũng luôn có sự sáng tạo trong quá trình làm nghề. Từ nét cổ truyền của cha ông, những người thợ với đôi bàn tay tài hoa tiếp tục rèn giũa, chỉnh trang thêm để hoàn chỉnh thêm cho phù hợp với kiến trúc tổng thể của ngôi nhà.

Cũng bởi tình yêu với nghề quá sâu đậm nên ông Cẩm vẫn kiên trì, gắn bó với nghề dù gặp nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là tiềm lực kinh tế eo hẹp; tiếp đến là thị trường chưa rộng và cuối cùng là chưa có mặt bằng làm xưởng. Thế nhưng, những khó khăn đó đã được ông Cẩm giải quyết bằng chính những nỗ lực trong quá trình làm nghề.

Sau hơn 40 năm gắn bó, dành trọn tâm huyết với nghề làm nhà gỗ cổ, ông Cẩm đã tạo được chỗ đứng trong nghề. Không chỉ có thị trường miền Bắc, hàng chục năm trở lại đây, xưởng gỗ của ông đã dựng nhiều ngôi nhà gỗ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ; Đông Nam bộ và các tỉnh miền Trung… Với 2 xưởng gỗ quy mô khoảng hơn 2.000m2, mỗi năm, nghề làm nhà gỗ cổ đã mang lại thu nhập ổn định cho cả gia đình. Ngoài ra, xưởng gỗ của ông cũng đem lại thu nhập ổn định cho 20 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ với mức lương trung bình từ 14 - 15 triệu đồng/tháng.

Mong muốn đưa nghề truyền thống ngày càng phát triển

Càng đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều khách hàng, ông Cẩm lại thấy rằng, thị trường của nhà gỗ hiện nay rất rộng, có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên với ông, để tồn tại được với nghề thì chữ “tâm” phải được đặt lên trên hết. Ví như làm một ngôi nhà gỗ cổ, có những nhà gỗ làm chỉ khoảng 300 - 400 triệu hay có những ngôi nhà 30 - 40 tỷ tùy thuộc vào kinh tế của khách hàng. Tuy nhiên, với bất cứ sản phẩm nào ông Cẩm cũng dành trọn tâm huyết của mình vào từng chi tiết để mang tới sự hài lòng cho khách hàng. “Nghề nào cũng tốt, nghề nào cũng có sự thăng hoa. Chỉ cần yêu nghề thì bất kỳ nghề nào cũng dẫn tới thành công.”- ông Cẩm nói.

Một trong những sản phẩm do nghệ nhân Nguyễn Trọng Cẩm thực hiện.

Một trong những sản phẩm do nghệ nhân Nguyễn Trọng Cẩm thực hiện.

Cùng đó, trước nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi cao về thẩm mỹ của những ngôi nhà gỗ, ông Cẩm đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào sản xuất. Theo đó, các loại máy móc như: máy cẩu, máy đục, chạm… sẽ giúp giảm nhân công, giảm sức lao động cho người thợ. Tuy nhiên, với một số chi tiết, ông Cẩm vẫn kết hợp đục trạm truyền thống thủ công, qua đó, đưa hồn của người thợ vào trong sản phẩm để tạo nét riêng cho ngôi nhà cổ.

Theo ông Cẩm, hiện nay, nghề làm nhà gỗ thôn Phù Yên đang ngày càng được nhiều khách hàng biết tới, do đó, để nghề tồn tại và ngày càng phát triển thì đội ngũ kế cận đóng vai trò quan trọng. Nếu không có những người trẻ học và làm nghề thì nghề truyền thống của thôn sẽ bị thất truyền. Cũng chính từ những “trăn trở” này, ông Cẩm đã nghiên cứu tổ chức các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho những người thợ cùng chung đam mê, từ đó, giúp họ có thêm những kiến thức, kinh nghiệm để đưa thương hiệu của làng nghề đi xa hơn nữa. Chia sẻ về những định hướng về nghề, ông Cẩm cho biết, thời gian tới, ông sẽ tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề làm nhà gỗ. Đặc biệt là giữ được lề lối truyền thống, kỹ mỹ thuật để đảm bảo thị hiếu của thị trường để nghề tồn tại và phát triển lâu dài.

Để tạo nơi thư giãn cho người dân địa phương, ông Nguyễn Trọng Cẩm đã tạo dựng sân chơi thể thao miễn phí ngay trên đất của gia đình.

Để tạo nơi thư giãn cho người dân địa phương, ông Nguyễn Trọng Cẩm đã tạo dựng sân chơi thể thao miễn phí ngay trên đất của gia đình.

Không chỉ là người thợ tâm huyết với nghề, ông Cẩm còn là một công dân gương mẫu, được người dân trong thôn Phù Yên yêu quý. Theo đó, ông đã tham gia nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện của địa phương cũng như tuyên truyền vận động người dân tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, có trách nhiệm với những người khó khăn và những công trình, công việc xã hội cần thiết và đặt ra.

Cụ thể, ông Cẩm đã tham gia đóng góp xây dựng đình, chùa, công trình công cộng; tham gia ủng hộ đồng bào vùng lũ. Đặc biệt, với mong muốn tạo sân chơi thể thao cho nhân dân trên địa bàn, ông đã đầu tư sân chơi trên chính đất của gia đình. Sân chơi được đầu tư để chơi cầu lông, tập yoga, thi thể thao… Thông qua việc xây dựng sân chơi, ông Cẩm mong muốn giúp người dân địa phương có nơi giải trí, rèn luyện sức khỏe để học tập và làm việc tốt hơn.

Với những cống hiến, nỗ lực không ngừng nghỉ trong nghề chế tác, xây dựng nhà gỗ cổ truyền, ông Nguyễn Trọng Cẩm đã được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Năm 2019, ông được nhận Chứng nhận Nghệ nhân Quốc gia do Hội Mỹ nghệ Kim Hoàn Đá Quý Việt Nam trao tặng; năm 2022, ông được Hội Nông dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội từ thiện. Cùng đó, ông Cẩm cũng đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố giai đoạn 2015- 2019, 2020 - 2021; đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện giai đoạn 2014 - 2016, 2017 - 2019, 2019 - 2021.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghe-nhan-nguyen-trong-cam-nang-tinh-voi-nha-go-co-truyen-158279.html