Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo: Càng chụp ảnh biển, càng thấy biển cuốn hút

Đánh lưới cá cơm - một tác phẩm ảnh nghệ thuật trong bộ ảnh Nghề đánh lưới vây cá cơm. Ảnh: LÊ CHÂU ĐẠO

22 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA)Lê Châu Đạo đã đoạt hàng trăm huy chương vàng trong nước và quốc tế; những tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp đến ngỡ ngàng của ông đã xuất hiện tại hơn 1.000 triển lãm trong và ngoài nước. Mới đây, với bộ ảnhPhong cảnh dọc bờ biển Phú Yên, NSNA gạo cội người Tuy An đã đoạt giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia về biển, đảo quê hương năm 2021 với tên gọi “Tổ quốc bên bờ sóng”. Một bộ ảnh khác của ông - Nghề đánh lưới vây cá cơm được trao giải khuyến khích, cũng tại cuộc thi này.

Báo Phú Yên đã phỏng vấn nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Châu Đạo, Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Phú Yên, sau khi ông nhận giải thưởng và trở về từ Hà Nội.

* Chúc mừng ông! Đã từng đoạt rất nhiều giải thưởng, lần này ông được trao giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tổ quốc bên bờ sóng”, cảm xúc của ông như thế nào?

- Lúc gởi tác phẩm dự thi, tôi không nghĩ mình sẽ được giải nhất. “Tổ quốc bên bờ sóng” là cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL, Bộ Ngoại giao, Bộ TN-MT, Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng và Hội NSNA Việt Nam tổ chức. Nhận giải nhất của Ban tổ chức cuộc thi và huy chương vàng của Hội NSNA Việt Nam, tôi rất vui, không thể nói hết bằng lời.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo

* Có điều gì đặc biệt trên hành trình thực hiện bộ ảnh Phong cảnh dọc bờ biển Phú Yên, thưa ông?

- Trước giờ tôi chụp rất nhiều ảnh về vùng biển, từ ảnh phong cảnh cho đến ảnh đời thường. Một tháng 30 ngày thì 15 ngày tôi đi chụp ảnh dọc bờ biển. Vùng biển Phú Yên rất đẹp, những hoạt động trên biển và ven biển rất hay, tạo cảm hứng để NSNA sáng tác.

Khi biết có cuộc thi “Tổ quốc bên bờ sóng”, tôi nảy ra ý tưởng thực hiện bộ ảnh để dự thi, mục đích chính là quảng bá vẻ đẹp của biển đảo Phú Yên. Tôi thực hiện bộ ảnh này từ tháng 2 đến giữa tháng 6/2021. Đi chụp cũng vất vả lắm. 4 giờ sáng, tôi lên đường đi tới bến Xuân Hải ở Sông Cầu. Phải đi sớm chớ không kịp; buổi chiều thì 3 giờ là chạy ra ngoài đó. Chụp ảnh bến Xuân Hải xong, ngày khác tôi lại đi Sông Cầu, chụp ảnh biển đảo Hòa An, rất là đẹp. Tôi qua Bãi Nồm, dùng flycam ghi lại những đường nét độc đáo đó, xong thì lên chụp ảnh đầm Cù Mông và Bãi Tràm. Chụp ảnh đầm Cù Mông thì tôi phải đi nhiều lần, có những lần đến nơi thì phải quay về, vì không gặp trời đẹp, không gặp mây đẹp. Đi Vũng Me, Vũng Chào, tôi rủ một người bạn ở Sông Cầu đi chung. Hai anh em đi từ lúc 3 rưỡi chiều, nắng rất đẹp, chạy ra đến nơi, vừa cho flycam bay lên, chụp được 3 kiểu ảnh thì trời sầm; hai anh em đi về. Chụp Gành Đèn thì đi lúc 3 rưỡi sáng. Cũng kỳ công lắm, phải đặt đèn cho con đường lên Gành Đèn sáng lên để chụp. Sau đó tôi đi chụp ảnh bến cá Phước Đồng ở Tuy An, xa xa có cù lao Mái Nhà, tiếp theo là đến danh thắng cảnh quốc gia Hòn Yến. Tôi đã chụp nhiều ảnh Hòn Yến. Bữa đó rất may, đang bay flycam thì có mấy chiếc tàu đánh cá chạy vô, tạo thành những vệt sóng ở phía sau. Phải có flycam chụp từ ngoài khơi thì mới có được hình ảnh Hòn Yến như con cá voi trên mặt nước, chung quanh là tàu đánh cá, phía trong là làng Yến. Để chụp ảnh tháp Nghinh Phong ở Tuy Hòa, tôi đi hai buổi tối và một buổi sáng, cuối cùng chọn ảnh chụp lúc bình minh, đúng khoảnh khắc mặt trời “đi” vào giữa hai cột tháp.

Tôi tính đi Mũi Điện nhưng dịch bùng phát, Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội, thành ra không đi được.

* Còn bộ ảnh Nghề đánh lưới vây cá cơm thì sao?

- Bộ ảnh này tôi thực hiện trong 2 năm. Cái flycam đầu tiên đang bay thì cắm đầu xuống biển, tôi mua cái flycam thứ hai và tiếp tục chụp. Bộ ảnh này là một câu chuyện bằng hình ảnh, từ lúc ngư dân bung lưới đánh bắt cá cơm ngoài khơi, kéo lưới lên thuyền, về bến, đưa cá vào xưởng, hấp rồi đưa ra bãi phơi…

* Ông từng nói các NSNA trẻ không chỉ đam mê mà còn đầu tư phương tiện hiện đại và nắm bắt công nghệ, lớp già như ông không theo kịp. Nhưng qua các tác phẩm của ông, đặc biệt là hai bộ ảnh đoạt giải cuộc thi “Tổ quốc bên bờ sóng”, thì thấy rằng ông cũng rất đầu tư và tiếp cận công nghệ. Ông nói gì về điều này?

- Mình còn sức khỏe, còn hứng thú sáng tác. Bây giờ, lứa như tôi cũng phải tiếp cận công nghệ. Tôi nhờ một NSNA hướng dẫn cách xử lý ảnh bằng phần mềm. Cậu này trẻ và giỏi. Hai anh em gặp nhau tại một trại sáng tác, sau đó đi sáng tác chung. Tôi chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, còn cậu ấy giúp tôi tiếp cận những phần mềm, công nghệ hiện đại.

* Xin cảm ơn ông!

Tôi nghĩ rằng phải có tình yêu biển, cảm nhận được vẻ đẹp, đường nét của biển, bố cục của những gành đá, và biết lúc bình minh, lúc hoàng hôn sẽ có “kiểu” ánh sáng nào để chụp được bức ảnh cuốn hút người xem. Càng chụp ảnh biển thì càng thấy biển cuốn hút.

NSNA Lê Châu Đạo, Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Phú Yên

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/269305/nghe-si-nhiep-anh-le-chau-dao--cang-chup-anh-bien-cang-thay-bien-cuon-hut.html