Nghệ thuật tổ chức, sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta, trong đó không thể không kể đến nghệ thuật sử dụng pháo binh.

Kéo pháo vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Pháo binh “nông dân”

Khi thực dân Pháp chọn Điện Biên Phủ làm nơi “quyết chiến” với quân ta và xây dựng tại đây tập đoàn cứ điểm được mệnh danh là “bất khả chiến bại”. Với nước Pháp, Ðiện Biên Phủ đồng thời cũng là biểu tượng của sức mạnh quân đội Pháp. Vì thế, Navarre nhiều lần rêu rao về cuộc thách đấu chiến lược với Việt Minh và ông ta còn cho rải truyền đơn để kêu gọi "Tướng Giáp" đem quân tiến công mình nữa.

Tướng lính Pháp cho rằng, với một đội quân non trẻ, những người lính pháo binh Việt Minh xuất thân từ nông dân bị coi là không biết tính toán phương vị, không biết đo đạc trận địa, không biết tính toán phần tử bắn cũng như không biết sử dụng pháo sẽ phải trả giá. Charles Piroth, 48 tuổi (1954) là một pháo thủ nhiều kinh nghiệm bị mất cánh tay trong một trận đánh ở Italia trong Đại chiến thế giới lần thứ 2 (1939-1945) chỉ huy một trung đoàn pháo binh trong cuộc chiến tranh Đông Dương.

Từ khi Pháp bắt đầu chiếm đóng Điện Biên Phủ, Trung tá Charles Piroth chỉ huy pháo binh và đám lính của ông ta đã khẳng định với De Castries rằng, Tướng Giáp sẽ không bao giờ đưa được khẩu đội pháo vào những quả đồi trọc phía Đông Nam của Eliane (cứ điểm đồi A1), một trong những vị trí quan trọng của tập đoàn cứ điểm. Khi Tướng Navarre tới thị sát Điện Biên Phủ, Trung tá Piroth đã khẳng định với Navarre rằng: “Không khẩu pháo nào của Việt Minh có khả năng bắn 3 loạt mà không bị phát hiện” và hứa có thể dễ dàng làm câm họng pháo của đối phương.

Ban đầu, với phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”, ta huy động sức người kéo pháo vào trận địa. Đến ngày 25/1/1954, phần lớn pháo binh đã chiếm lĩnh trận địa, sẵn sàng nổ súng. Do tình hình địch có nhiều thay đổi, nên ngày 25/1/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”; đồng thời, hạ lệnh kéo pháo ra, bố trí lại.

Vượt qua bao gian khó, sáng 5/2/1954, trận địa pháo theo phương châm mới đã hoàn thành và trở thành kỳ tích trong lịch sử quân sự Việt Nam. Chúng ta đã tổ chức kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa tuyệt đối an toàn và giữ được bí mật, kể cả lúc kéo pháo bằng tay cũng như kéo pháo bằng ô tô. Đường kéo pháo đã được ngụy trang hết sức khéo léo đến mức nghệ thuật. Nhiều đoạn có giàn dây leo ở phía trên như những giàn mướp, có tổ chức từng đoàn kiểm tra hằng ngày. Lá ngụy trang héo đến đâu được thay ngay đến đó, vì vậy, mặc dù địch thường xuyên cho máy bay trinh sát vẫn không thể nào phát hiện được.

Him Lam được chọn là trận đánh mở đầu. Pháo binh Việt Nam xuất hiện bất ngờ, đánh mạnh, liên tiếp, chính xác đã gây cho quân Pháp sự tổn thất nặng nề về cả cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Lần đầu tiên, pháo mặt đất cỡ lớn 105 ly xuất trận. Ngay trong loạt đạn đầu tiên, Đại đội 806 với 4 viên đạn đã bắn trúng hầm chỉ huy của cụm cứ điểm Him Lam. Lá cờ ba sắc của khu trung tâm Him Lam rớt xuống như một chiếc lá rụng. Vài giây sau, nó chìm nghỉm trong làn khói.

Pháo ta cấp tập nện 20 viên, hiệp đồng với bộ binh Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) để giải quyết Him Lam. Một đám lửa đỏ dữ dội bùng lên trên sân bay bốc theo cột khói xám xịt. 5 chiếc máy bay chưa kịp cất cánh bị trúng đạn. Kho xăng cũng bốc cháy dữ dội. Pháo binh địch hoàn toàn tê liệt. Những tên pháo thủ gục đầu trong hố cá nhân, nhận từng quả cầu lửa của pháo binh ta “khạc” tới ầm ầm. Đại tá Piroth hai mắt đỏ ngầu, không hiểu pháo Việt Minh từ đâu bắn tới. Nhục nhã ê chề, ông ta đã tự vẫn bằng lựu đạn ngay trong hầm chỉ huy. Kể từ đó đến hết chiến dịch, pháo địch không còn hiệu quả. Sân bay Mường Thanh bị ta khống chế hoàn toàn, máy bay trinh sát của địch không hoạt động được, nên pháo binh địch chỉ bắn theo tọa độ và bắn áng chừng.

Sau Him Lam, các cứ điểm còn lại ở phân khu Bắc tiếp tục bị tấn công và chịu chung số phận. Pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt. Riêng ngày 15/3, pháo binh Pháp đã bắn trả lại hơn 10.000 quả đạn nhưng không gây được chút tổn thương nào cho các khẩu pháo của ta. Ngược lại, họ đã bị mất 2 khẩu 105mm và 1 khẩu 155mm.

Những ánh chớp từ lòng đất

Ảnh hưởng của những trận bão lửa của pháo binh Việt Nam dội xuống Điện Biên Phủ đã gây ra cuộc khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng trong toàn bộ quân đồn trú Pháp ở Điện Biên Phủ. Nhà báo Wilfred Burchett, trong cuốn "Bắc vĩ tuyến 17” đã nhận xét, mức độ chính xác và uy lực tác xạ của pháo binh và súng phòng không của QĐND Việt Nam đã khiến cho những quân nhân nhà nghề của Pháp phải kinh ngạc.

Pháo 105mm bắn những loạt đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Di tích trận địa pháo 105, bản Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ). Ảnh: Tiêu Dao

Còn Navarre viết trong hồi ký “Đông Dương hấp hối” của mình: "Tất cả các nhà pháo binh đều cho rằng, vì điều kiện địa hình nên pháo binh và cao xạ địch không thể nào chiếm lĩnh được trận địa và nhất là không thể nào phát hỏa mà không bị pháo binh và không quân ta phản kích. Nhưng những khẩu pháo bắn chính xác như đặt và những chiến hào như vòi bạch tuộc quấn lấy cứ điểm là những điều mà người Pháp ám ảnh nhất ở Điện Biên Phủ".

Thông thường, các khẩu pháo được đặt theo từng cụm gồm vài khẩu đặt một chỗ thành một trận địa. Nhưng ở Điện Biên, quân ta đã đặt các khẩu pháo 105mm rải rác khắp các ngọn núi xung quanh thung lũng. Việc đặt pháo phân tán và làm hầm cho pháo nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể có khi bị địch phản pháo. Tuy pháo đặt phân tán, nhưng pháo binh ta lại đo đạc các phần tử bắn rất cẩn thận cho từng khẩu để đảm bảo mỗi khi khai hỏa vào một mục tiêu, dù các khẩu pháo đặt ở vị trí khác nhau đều có thể bắn trúng mục tiêu đó. Lối đánh này được nêu thành phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.

Bên cạnh đó, cùng lúc pháo bắn, tại các trận địa giả, quân ta cho nổ bộc phá tạo ra các ánh chớp khiến quân địch lầm tưởng là chớp lửa đầu nòng của pháo. Với những cách làm như thế, pháo binh Việt Nam đã đè bẹp được pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ mà không hề bị thiệt hại dù cho các chỉ huy pháo binh Pháp không phải là những kẻ bất tài. Tại Điện Biên Phủ, pháo binh Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn trước pháo binh Pháp.

Qua 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của pháo binh Việt Nam; trong đó, nghệ thuật sử dụng pháo binh có sự phát triển vượt bậc, mang ý nghĩa định hình cơ động pháo binh tích cực, bí mật, bất ngờ.

Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, ta đã tích cực, kiên quyết cơ động pháo để thực hiện đúng phương châm tác chiến của chiến dịch, tạo nên thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, chi viện mở đầu chiến dịch hiệu quả. Việc tích cực cơ động pháo để chuyển hóa thế trận, do đó, đã nâng cao hiệu quả chiến đấu pháo binh, chi viện kịp thời, chính xác cho bộ binh tiêu diệt quân địch.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghe-thuat-to-chuc-su-dung-phao-binh-trong-chien-dich-dien-bien-phu-post475443.html