Nghề Y quan trọng nhất là con người!

Đó là chia sẻ của Giáo sư, bác sĩ (GS,BS) Hồ Khả Cảnh (1955, trú TP Huế), nguyên Trưởng khoa Gây mê hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế), nguyên Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Gây mê Hồi sức Miền Trung – Tây Nguyên, hiện đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vĩnh Đức trong buổi trò chuyện cùng phóng viên (P.V) Chuyên đề Công An Đà Nẵng trước thềm kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 (1955-2023).

Giáo sư Hồ Khả Cảnh – Chủ tịch chi hội gây mê hồi sức Miền Trung Tây Nguyên.

Giáo sư Hồ Khả Cảnh – Chủ tịch chi hội gây mê hồi sức Miền Trung Tây Nguyên.

P.V: Thưa Giáo sư! Suốt hành trình cống hiến trong màu áo blouse trắng, Giáo sư đã trải qua rất nhiều vai trò: bác sĩ, người thầy, tác giả sách. Giáo sư có thể chia sẻ đôi điều về mình được không ạ?

GS.BS Hồ Khả Cảnh: Tôi đến với lĩnh vực gây mê hồi sức là do nghề chọn tôi. Bởi ban đầu, tôi học chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Rồi, tôi được cử đi học tại Hà Nội. Tại đây, tôi may mắn gặp được người thầy là cố Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Lan. Chính ông và những người thầy khác đã truyền lửa, dìu dắt và tạo động lực để tôi chuyển sang chuyên ngành này, nỗ lực học tập để trở thành bác sĩ gây mê hồi sức. Thời điểm đó, đội ngũ bác sĩ gây mê hồi sức còn rất mỏng nên ngoài làm việc tại BV Trung ương Huế, tôi còn tham gia giảng dạy. Sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi quyết định trau dồi kiến thức bậc cao hơn, với mục đích học lấy học hàm học vị là để có điều kiện đào tạo thế hệ kế cận chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn. Tính đến nay, tôi có hơn 40 năm gắn bó với nghề Y, ở lĩnh vực gây mê hồi sức.

P.V: Suốt chặng đường làm nghề của mình, giáo sư được xem là một trong số ít những bác sĩ ở Việt Nam đã đi sâu, đi rộng với chuyên ngành gây mê hồi sức. Giáo sư có thể chia sẻ góc nhìn của mình về lĩnh vực mà giáo sư đã cống hiến trọn đời được không ạ?

GS Hồ Khả Cảnh: Ngành Y là ngành đặc thù và gây mê hồi sức không chỉ là chuyên ngành mang tính khoa học mà còn là một nghệ thuật. Trong một ca mổ, người phẫu thuật viên chỉ triển khai một phương pháp phẫu thuật, còn bác sĩ gây mê thì tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh mà có thể quyết định nhiều cách khác nhau. Bên cạnh kiến thức về hồi sức, kiến thức cơ bản về y học cơ sở, sinh lý bệnh, dược lý, người gây mê hồi sức còn phải có kiến thức liên quan các bệnh lý chuyên khoa khác như nội – ngoại khoa, chớ không phải chỉ có việc là bơm thuốc gây mê. So với các chuyên ngành khác tại Việt Nam, hiện nay, chuyên ngành gây mê hồi sức lực lượng đội ngũ vẫn còn rất mỏng. Tuyến Trung ương, tỉnh thì còn có bác sỹ gây mê hồi sức, các tuyến dưới thì rất hạn chế. Ngày nay, ngành ngoại khoa trên thế giới cũng như ở Việt Nam có nhiều phát triển rất mới, can thiệp trên cả những bệnh nhân lớn tuổi, vì vậy, trách nhiệm của người làm gây mê hồi sức là phải nỗ lực để phát triển và đáp ứng được yêu cầu của ngoại khoa. Với tư cách là Chủ tịch Chi hội Gây mê hồi sức miền trung - Tây Nguyên tôi mong muốn làm sao tạo ra những chương trình đào tạo để giúp cho bác sỹ gây mê hồi sức có kiến thức tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phẫu thuật ngày càng cao.

Sự phối hợp giữa bác sỹ gây mê và phẫu thuật viên là chiếc chìa khóa vàng tạo nên thành công của ca mổ.

Sự phối hợp giữa bác sỹ gây mê và phẫu thuật viên là chiếc chìa khóa vàng tạo nên thành công của ca mổ.

P.V: Được biết, những năm qua, cùng với quá trình mở rộng quy mô và đầu tư nhân lực, BVĐK Vĩnh Đức đã có thể thực hiện những ca mổ phức tạp. Sự phối hợp giữa các bác sĩ gây mê và bác sĩ phẫu thuật chính là chìa khóa thành công của những ca mổ này. Đồng hành với những bước tiến của BVĐK Vĩnh Đức thời gian qua, giáo sư có những nhận định gì về những chuyển biến chuyên môn của BV Vĩnh Đức ở một địa phương còn nhiều khó khăn về y tế như Quảng Nam?

GS. Hồ Khả Cảnh: Đến nay, tôi đã tham gia làm việc tại BVĐK Vĩnh Đức bước sang năm thứ 7. Khi nhận được lời mời của Giám đốc BV – Bác sỹ Trần Công Ân và tiếp xúc tại BV, tôi nhận thấy BV có hạ tầng và cơ ngơi rất tốt. Khi tìm hiểu về các chuyên khoa liên quan can thiệp phẫu thuật, tôi đánh giá nơi đây có những điều kiện để thực hiện những ca mổ có chuyên môn cao. BV có chiến lược phát triển dựa trên 2 mũi nhọn là con người và thiết bị. Trong ngành Y, quan trọng và tiên quyết là con người, và để có chất lượng chuyên môn tốt là cả một quá trình. Tầm nhìn cho tương lai của BV Vĩnh Đức nằm ở chỗ một số bác sĩ trẻ đã được BV tạo điều kiện cho học nội trú; bên cạnh đó, BV tiếp tục hợp tác với các bác sỹ đã về hưu để các thế hệ cùng hỗ trợ nhau phát triển, trau dồi kinh nghiệm cho nhau. Thứ hai là BV phát triển về cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Sau khi có cơ sở mới, BV đã trang bị rất nhiều máy móc để phát triển về mặt chẩn đoán hình ảnh. Nếu có con người mà không có phương tiện thì cũng không làm được gì cả. Phối hợp thế mạnh thiết bị cũng như đầu tư con người đã thể hiện sự quyết tâm rất lớn của BVĐK Vĩnh Đức hướng đến tầm nhìn trong tương lai.

P.V: Đồng hành cùng BVĐK Vĩnh Đức 7 năm, với lực lượng phẫu thuật viên còn rất trẻ. Ông đánh giá gì về tiềm năng nguồn nhân lực của BV Đa khoa Vĩnh Đức hiện nay?

G.S Hồ Khả Cảnh: Ở vị trí bác sỹ gây mê, đồng hành với ngoại khoa trong rất nhiều phẫu thuật khác nhau, tôi đánh giá lực lượng bác sỹ trẻ tại BV này rất tâm huyết, nỗ lực trau dồi chuyên môn. Chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình đang ngày càng thể hiện được thế mạnh của mình với những ca mổ khó, phương pháp mới, đem lại sự hồi phục rất nhanh cho bệnh nhân. Đội ngũ can thiệp tim mạch cũng đang ngày càng phát huy thế mạnh hướng đến việc trở thành Trung tâm Can thiệp tim mạch của khu vực. Cùng với các thiết bị hiện đại, sự đầu tư của ban lãnh đạo đi kèm với sức trẻ, lòng nhiệt huyết của đội ngũ y bác sỹ sẽ là chiếc chìa khóa để BVĐK Vĩnh Đức tiếp tục là cánh chim đầu đàn trong Y tế tư nhân ở tỉnh Quảng Nam.

P.V: Trở lại với một vai trò khác khi giáo sư hiện là chủ biên của nhiều đầu sách và tài liệu đào tạo Đại học và Sau Đại học, vậy việc chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau của ông được thực hiện ra sao, thưa Giáo sư?

G.S Hồ Khả Cảnh: Ngoài là một người thầy thuốc tôi còn là một thầy giáo. Dù ở vai trò nào, công việc ra sao tôi vẫn không bao giờ quên sứ mệnh của một người trao truyền kiến thức, kỹ năng của mình thông qua chính công việc hằng ngày ở Viện và tiếp xúc trao đổi với các đồng nghiệp đi sau. Tôi đã được mở mang, đi lên từ những người thầy lớn. Và ngày nay, tôi tiếp tục bước trên con đường của những người thầy, của những người đi trước. Đó chính là trách nhiệm, cũng là ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống của tôi...

P.V: Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện! Nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam sắp đến, kính chúc Giáo sư có một ngày Tết nghề nhiều niềm vui, ý nghĩa. Chúc giáo sư thật nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến, tiếp tục truyền nghề, lan tỏa nhiệt huyết yêu nghề đến các thế hệ sau!

Lê Vương – Hà Dung

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nghe-y-quan-trong-nhat-la-con-nguoi-post273587.html